Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vẫn là chuyện làm chính sách ‘trong phòng lạnh’

Võ Hàn Lam

(VNTB) – Chuyện dịch bệnh corona ở Việt Nam hiện tạm coi như bước sang giai đoạn mới sau ròng rã 4 tháng trời căng thẳng. Tuy nhiên nhiều chính sách liên quan, cho đến nay vẫn là câu chuyện của những ông quan làm chính sách kiểu… trớt quớt.


Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe, trong một chia sẻ thân tình với báo chí tại Sài Gòn hôm gặp gỡ ngày 1-5-2020, cho biết tính đến nay, hầu hết các doanh nghiệp hội viên của VASEP đều nhìn nhận phía Bảo hiểm xã hội đã ban hành văn bản về tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, là hoàn toàn không thể thực hiện.


Theo ông Trương Đình Hòe, trong điều kiện khó khăn, không ổn định và doanh thu không có, vì hiện tại các đơn hàng xuất khẩu đều bị hoãn và hủy, các doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì hoạt động sản xuất cầm chừng, và phân chia lịch làm việc của công nhân cho phù hợp để ổn định đời sống người lao động. Như vậy thì làm cách nào để đạt được tiêu chí “50% số lao động thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp phải nghỉ việc, hoặc thiệt hại 50% tổng số giá trị tài sản do dịch bệnh” để doanh nghiệp được hưởng chính sách về bảo hiểm xã hội theo công văn 860/BHXH-BT tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. (*)


“Nếu công ty mà có 50% số lao động thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội phải nghỉ việc, hoặc thiệt hại 50% tổng số giá trị tài sản do dịch bệnh corona, thì doanh nghiệp ấy gần như đã chết lâm sàng. Với nguy cơ này thì gần như công ty đang cận kề phá sản, và không thể vực lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Như vậy, chúng tôi không thể xoay sở nguồn vốn để đóng các khoản phí cho cơ quan Bảo hiểm xã hội”. Ông Trương Đình Hòe, khẳng định.


Ngoài ra để công ty chứng minh thiệt hại 50%, xem ra cũng vô cùng phức tạp vì chưa có một tiêu chí, hay thước đo cụ thể, hơn nữa dấu hiệu thiệt hại đều ở tương lai như hàng tồn kho, hợp đồng, doanh thu, tạm ngưng… đều là dấu hiệu suy giảm trong tương lai. Việc chứng minh thiệt hại này có thể kéo dài hàng năm. Và điều đó cho thấy tiêu chí trong văn bản 860/BHXH-BT của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để cho phép doanh nghiệp được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất trong 12 tháng, là không có tính thực tiễn, và cuối cùng là mất đi tính hỗ trợ như mục tiêu mong muốn tốt đẹp của Chính phủ.


Tương tự, việc cho phép doanh nghiệp lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn 06 tháng đầu năm 2020, đối với các doanh nghiệp có 50% số lao động thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp phải nghỉ việc theo công văn 245/TLĐ ngày 25/3/2020 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cũng rập khuôn về yêu cầu tiêu chí hệt như văn bản 860/BHXH-BT của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (**), do đó cũng không doanh nghiệp nào được thụ hưởng chính sách hỗ trợ về vấn đề bảo hiểm xã hội, phí công đoàn từ Nhà nước trong đại dịch Covid-19.

_____________

Chú thích:

(*) https://luatvietnam.vn/y-te/cong-van-860-bhxh-bt-2020-tam-dung-dong-vao-quy-huu-tri-181642-d6.html

(**) https://luatvietnam.vn/lao-dong/cong-van-245-tld-2020-lui-thoi-diem-dong-kinh-phi-cong-doan-do-dich-covid-19-181777-d6.html

Tin bài liên quan:

VNTB – Đứt gãy chuỗi cung ứng: Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên phải chịu trách nhiệm

Phan Thanh Hung

VNTB – Phóng sự ảnh – Trở lại sau lễ: không đông như hồi đi

Phan Thanh Hung

VNTB – Chính quyền TP.HCM có chống dịch kém?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo