VNTB – Vắng ‘bị hại – người làm chứng’ thì biết đâu đó là trò ‘ném đá giấu tay’ hèn hạ

VNTB – Vắng ‘bị hại – người làm chứng’ thì biết đâu đó là trò ‘ném đá giấu tay’ hèn hạ

Thới Bình

(VNTB) – Phiên tòa hình sự phiên sơ thẩm vụ án ‘tịnh thất Bồng Lai’ được hoãn vì vắng hai ‘bị hại’, và vắng luôn ‘người làm chứng’.

Hai ông sư ‘bị hại’

Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc kể: Thiết tòa đúng 8g15 sáng 30-6, sau khi kiểm tra những người được triệu tập, có khá nhiều người vắng mặt. Ngoài ông Trần Ngọc Thảo (tức Thích Nhật Từ) và ông Trương Ngọc Toàn (tức Thích Minh Thiện) có đơn xin xử vắng mặt, thì nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng vắng mặt, ông Trần Quốc Thắng (cán bộ Công an huyện Đức Hòa) vắng mặt, 2 giám định viên tư pháp của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Long An vắng mặt, đều không có lý do.

Thay mặt nhóm luật sư bào chữa cho các bị cáo, luật sư Đặng Đình Mạnh nêu 6 lý do đề nghị hoãn phiên tòa.

Sau khi nghe các bị cáo, đại diện người bị hại, các luật sư và đại diện Viện Kiểm sát, Hội đồng xét xử hội ý và ra tuyên đọc quyết định hoãn phiên tòa. Lý do được viện dẫn “…Luật sư bào chữa đề nghị hoãn phiên tòa để triệu tập thêm người tham gia tố tụng…”.

Trước đó, nhóm 5 luật sư bào chữa cho 6 bị cáo đã gửi đến tòa án nhân dân huyện Đức Hòa văn bản yêu cầu triệu tập thêm 11 cơ quan, tổ chức và cá nhân trong đó có đại diện Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Long An, ông Văn Công Minh (đại tá, Phó Giám đốc Công an tỉnh Long An, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra), vợ chồng ông Võ Văn Thắng, bà Đoàn Thị Tuyết Mai, cô Võ Thị Diễm My, Lê Thanh Minh Tùng, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) …

Khi vắng mặt người làm chứng thì được có tiếp tục xét xử hình sự không? Trong vụ án kể trên, nhiều khả năng về “vắng mặt” là kịch bản được tính toán trước, vì vụ án này được dự báo thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo chí và các tổ chức tôn giáo.

“Động cơ” của “vắng mặt”?

Căn cứ Khoản 4, Điều 66 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì nghĩa vụ của người làm chứng bao gồm: Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền. Nếu cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan và gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải; Trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó.

Ngoài ra, nếu người làm chứng khai báo gian dối hoặc từ chối khai báo, trốn tránh việc khai báo mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, dựa trên các quy định của Bộ luật hình sự 2015, người làm chứng có thể phạm những tội sau: Tội cung cấp tài liệu sai sự thật và khai báo gian dối được quy định tại Điều 382; Tội từ chối khai báo hoặc từ chối cung cấp tài liệu được quy định tại Điều 383.

Căn cứ Điều 293 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về sự vắng mặt của người làm chứng như sau: Nếu người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó đã có lời khai ở Cơ quan điều tra, thì chủ tọa phiên tòa công bố những lời khai đó.

Nếu người làm chứng về những vấn đề quan trọng của vụ án vắng mặt thì tùy trường hợp, hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa, hoặc vẫn tiến hành xét xử.

Người làm chứng cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan và gây trở ngại cho việc xét xử, thì hội đồng xét xử có thể quyết định dẫn giải.

Ở đây, Bộ luật tố tụng hình sự 2015 cho phép hội đồng xét xử được linh hoạt trong việc quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử khi người làm chứng vắng mặt dựa trên việc xem xét tính cần thiết và sự ảnh hưởng của lời khai người làm chứng đến việc làm sáng tỏ vụ án.

Như vậy với quyết định hoãn phiên tòa của vụ án “tịnh thất Bồng Lai”, cho thấy bước đầu được quyền hy vọng vào tính độc lập xét xử của tòa án huyện Đức Hòa.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 2 years

    “nghĩa vụ của người làm chứng”

    Ở bên Mỹ còn có “quyền của người làm chứng”, quyền từ chối làm người làm chứng ngay cả có mặt trong tòa & luật sư gọi lên . Chỉ khi đặt tay lên kinh thánh, hứa mình chỉ nói thật thì ván đã đóng thuyền . Ngay cả như vậy, họ cũng có quyền nói không biết/nhớ … mà luật sư cũng chả bắt bẻ gì được . Chỉ không được nói những câu như “không muốn/được phép/thích/tiện nói” thì mới bị tội in contempt thui .