Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vì sao cần bãi bỏ việc thu phí bình ổn giá xăng dầu?

giá xăng đầu

Khánh Hòa

 

(VNTB) – Quỹ bình ổn giá xăng dầu không có tác dụng gì mà còn gây ra những kẽ hở cho tham nhũng, thậm chí làm nhiễu cả thị trường

Hoàn toàn có quyền ngờ vực về lợi ích nhóm ở đây trong chuyện tiếp tục ‘thu trước’ của người dân đổ xăng 300 đồng/ lít.

 

Chăm chăm lập quỹ để được quyền thu, quyền chi?

Về lý thuyết, việc thành lập và hoạt động của các quỹ trong thời gian qua góp phần thúc đẩy xã hội hóa, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên một số quỹ có nguồn thu từ đóng góp bắt buộc của các doanh nghiệp, tổ chức và người dân hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định.

Các khoản đóng góp được tính theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu sản xuất kinh doanh hoặc trên thu nhập của người lao động. Do vậy đây có thể được coi là một khoản thuế doanh thu đánh trên các sản phẩm hàng hóa dịch vụ, hoặc giá trị tài sản mà người sử dụng, người mua phải trả tạo thêm khoản đóng góp cho người dân và doanh nghiệp.

Quỹ bình ổn xăng dầu được thành lập từ năm 2009 dưới thời chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, với số tiền trích lập hàng năm được cho là lên tới nhiều ngàn tỷ đồng, nhưng người dân không ai biết số tiền đó được sử dụng như thế nào.

Từ 15-12-2009, khi mua xăng dầu, người tiêu dùng phải góp thêm 300 đồng/ lít vào quỹ này (theo quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP). Mức trích lập và thời điểm trích lập chỉ được Bộ Tài chính điều chỉnh trong trường hợp cần thiết khi có biến động của thị trường, và thông báo để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thực hiện.

Theo Thông tư số 234/2009/TT-BTC, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối phải chấp hành đúng các quy định của Liên Bộ Tài chính – Công Thương về việc trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá (thông qua các thông báo, công văn của Tổ Giám sát Liên ngành); doanh nghiệp không được phép tự động trích, tự động sử dụng tiền từ quỹ bình ổn giá.

Định kỳ hàng quý, tháng và theo yêu cầu quản lý đột xuất các doanh nghiệp phải báo cáo kết quả trích và sử dụng quỹ bình ổn giá đối với Bộ Tài chính (được quy định tại Khoản 4 Điều 6 Thông tư số 234/2009/TT-BTC).

Việc giữ hay bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu bắt đầu được đặt ra vào mười năm sau đó, khi các doanh nghiệp trong ngành phải chịu khoản âm hàng trăm tỷ đồng do các điều hành của cơ quan quản lý, và đề nghị bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu không phải lần đầu tiên được đặt ra.

Đi ngược thị trường, kẽ hở cho tham nhũng

Giới chuyên gia tài chính độc lập nhìn nhận ngay từ đầu rằng quỹ bình ổn giá xăng dầu này ở thời chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về cơ bản là tiền từ túi này sang túi kia, tức là tiền của người tiêu dùng góp vào rồi lại được sử dụng thời gian sau, với việc số tiền này được chính doanh nghiệp quản lý trước sự đồng thuận của Liên Bộ Tài chính – Công thương. Điều này ngay từ đầu cho thấy sự can thiệp mang tính chất hành chính chỉ khiến giá xăng dầu trong nước và thế giới không đồng nhất, làm méo mó tính thị trường.

Tiếp nữa, về lý thuyết thì phía Liên Bộ Tài chính – Công thương nói rằng quỹ này góp phần bình ổn giá xăng dầu, giảm lạm phát. Song thực tế, xăng dầu chỉ là 1 trong nhiều mặt hàng do nhà nước quản lý, và chỉ có xăng dầu là có quỹ bình ổn giá, còn những mặt hàng khác không có quỹ bình ổn.

Từ các nhìn nhận trên cho thấy bỏ quỹ này là đúng, bởi quỹ bình ổn giá xăng dầu không có tác dụng gì mà còn gây ra những kẽ hở cho tham nhũng, thậm chí làm nhiễu cả thị trường; khi giá rẻ đi thì bắt người ta mua giá đắt lên và ngược lại. Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ ghi sổ, đơn vị nào để đơn vị đấy nên dễ tạo ra chi phí và tham nhũng trong quá trình quản lý.

Mặt khác, quỹ ở mỗi đơn vị là khác nhau trong khi xả quỹ, trích quỹ cùng một thời điểm, cùng một mức. Chỗ ít quỹ và chỗ nhiều quỹ sẽ xả ít nhiều khác nhau; hết quỹ vẫn xả dẫn đến phải vay, sau đó là xin – cho để bù lại, có thể dẫn đến tham nhũng.

Nếu cho rằng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cần đến quỹ này thì không dám lạm bàn, còn nếu ngược lại không phải chịu “định hướng”, thì cần thiết thay nó bằng việc lập quỹ an ninh năng lượng quốc gia, quỹ này không chỉ là xăng dầu mà bao gồm cả điện, than và tất cả các năng lượng khác. Quỹ này phải là quỹ tập trung an toàn quốc gia do chính phủ quản lý giống như quỹ dự trữ xăng dầu của Mỹ, chẳng hạn.

Lưu ý cần nhìn thẳng thực tế là cơ sở để bình ổn giá đã không còn phù hợp khi giá cơ sở dựa trên giá CIF, trong khi sản xuất trong nước đã đáp ứng đến 90% nhu cầu, bên cạnh việc đặt ra lãi định mức và chi phí kinh doanh định mức là phi thị trường.

Trong khi đó các đầu mối nhập khẩu xăng, dầu đã thực hiện nghiệp vụ ‘hedging’, tức là cố định giá trước để hạn chế tác động giá xăng dầu tăng, giảm.


Tin bài liên quan:

VNTB – Phương Hoàng Kim là ai?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Giá xăng dầu ở Việt Nam rẻ nhất thế giới?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Nợ xấu tiếp tục là ám ảnh trong Nhâm Dần

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo