VNTB – Vì sao họ “thôi giữ chức”?

VNTB – Vì sao họ “thôi giữ chức”?

Hiền Lương

 

(VNTB) – Ban Chấp hành Trung ương Đảng biểu quyết, thống nhất để Phó thủ tướng … thôi giữ chức vụ ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII.

 

Điền vô dấu 3 chấm đó là “Phạm Bình Minh”, và “Vũ Đức Đam”. Cả hai đều không ghi lý do vì sao họ lại “thôi giữ chức”.

Tin tiếp theo là, “Ban Chấp hành Trung ương đã cho ý kiến về hai nhân sự để Bộ Chính trị quyết định giới thiệu Quốc hội khóa XV phê chuẩn chức danh phó thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026 thay ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam”.

Không thấy nêu cụ thể hai nhân sự đó tên gì, vì sao chỉ có hai người này mà không có nhiều lựa chọn khác; và theo điều luật nào buộc Quốc hội phải phê chuẩn hai chức danh đó từ việc “cho ý kiến” của Ban Chấp hành Trung ương?

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh nhiệm vụ: “Tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, trong đó có chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Trước đó, tại Đại hội lần thứ XII, Đảng cũng nhấn mạnh: “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích cuộc sống của nhân dân” (*)

Trở ngược thời gian, ngày 28-11-1984, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa V) đã ban hành Chỉ thị số 53-CT/TW “Về tăng cường công tác quần chúng của Đảng”. Trong Chỉ thị nhấn mạnh nội dung: “Phải thực sự tôn trọng quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, thực hiện tốt khẩu hiệu: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra trong trong sản xuất, phân phối cũng như trong tất cả các công tác quan hệ trực tiếp đến quần chúng”.

Có thể nói, đây là lần đầu tiên khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được Đảng chính thức đề ra, trở thành một chủ trương lớn, một phương châm hành động cụ thể.

Thế nhưng trên thực tế thì từ đó đến nay câu khẩu hiệu trên vẫn dừng lại ở giá trị tuyên truyền, ‘son phấn’ làm đẹp chính sách của cổ động chính trị. Bởi nếu dân được quyền biết – được quyền luận bàn – được quyền lựa chọn – được quyền giám sát thì cuộc họp gọi là “Hội nghị bất thường của Ban Chấp hành Trung ương” diễn ra vào chiều 30-12-2022, người dân phải được thông báo về vì sao hai ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam lại “thôi giữ chức”?

Người dân phải có được danh sách những ứng viên mà “Ban Chấp hành Trung ương đã cho ý kiến”, vì “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Với quyền được luận bàn, người dân có quyền hoài nghi về những lần tương tự trong nhân sự cũng từng là “Ban Chấp hành Trung ương đã cho ý kiến” như lúc với đảng viên Phạm Bình Minh, đảng viên Vũ Đức Đam hồi hai nhân sự này được Đảng “quyết định giới thiệu Quốc hội khóa … phê chuẩn chức danh”.

Khi được thực hiện quyền lựa chọn của lá phiếu dân chủ, thì vì sao ở đây chỉ là nhân sự có cùng tiêu chuẩn chính trị là đảng viên? Không có lý thuyết quản trị quốc gia cũng như pháp luật hiện hành nào quy định chỉ có đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam mới đủ năng lực để quán xuyến việc nước.

Và nếu “giám sát” không phải là một “quyền treo”, thì lâu nay người Sài Gòn chẳng phải đã nhiều lần lên tiếng về khả năng điều hành trong chức trách Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đó hay sao? Vì sao Đảng không nghe và tìm hiểu vì sao có những ý kiến của người dân trong vai trò giám sát đó ngay từ đầu, để rồi mọi chuyện khi đã là “giọt nước tràn ly”, Đảng mới “cho ý kiến” về “thôi giữ chức” đối với ông Vũ Đức Đam?

Lần này, Đảng tiếp tục bài bản cũ trong việc “cho ý kiến” và Quốc hội chỉ làm nốt phần thủ tục mang tính trình tự hành chính trong các chức danh lãnh đạo chính phủ. Giả dụ hai nhân sự mà “Bộ Chính trị quyết định giới thiệu” để Quốc hội làm thủ tục phê chuẩn trong kỳ họp bất thường vào ngày 5-1-2023 tới đây, nếu lại là những phiên bản của Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, hay gì đó…, liệu cụ thể những ai trong Bộ Chính trị sẽ chịu trách nhiệm theo hiến định tại điều 4.2 “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”.

 

______________

Chú thích

(*) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2016, trang 38.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 2 years

    Lạ . Ngay trên VNTB này có không ít bài đòi Đảng sa thải 2 ông này, khi Đảng thật sự lắng nghe nhân dân thì lại tòi ra câu hỏi vô duyên tới độ không thể vô duyên hơn

    Đừng có biến chuyện Đảng lắng nghe lời dân thàn đẽo cày giữa đường