VNTB – Vì sao Ngân hàng Nhà nước tiếp tục độc quyền vàng miếng?

VNTB – Vì sao Ngân hàng Nhà nước tiếp tục độc quyền vàng miếng?

Phương Nguyên

 

(VNTB) –  Không chỉ độc quyền, mà Ngân hàng Nhà nước còn định giá vàng miếng theo chiều hướng cao ngất ngưởng so giá thị trường thế giới.

 

Chủ ý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam?

Việc định giá sàn tham chiếu là 86,05 triệu đồng/lượng của Ngân hàng Nhà nước đưa ra ở phiên đấu thầu hôm 8-5-2024, tức cao hơn giá vàng thế giới khoảng 15,2 triệu đồng/lượng đã cho thấy chính Ngân hàng Nhà nước từ vị thế độc quyền phân phối vàng miếng, giờ thêm quyền việc ấn định mức giá sàn; và trớ trêu thay mức giá này lại cao hơn giá thị trường thế giới ở mức ngất ngưởng.

Mua vàng từ đấu thầu với giá đã là 86,05 triệu đồng thì ắt bán lẻ ra thị trường phải cao hơn vì còn kiếm lời và chi phí bán hàng. Việc kéo giảm giá vàng ở Việt Nam xuống ngang với giá thị trường thế giới, coi như là chuyện viễn tưởng trước vấn nạn độc quyền này.

Trong lúc đó thì ghi nhận sáng sớm ngày 9-5-2024, giá vàng giao dịch ở thị trường thế giới là 2.308 USD/ounce, giảm 14 USD so với mức giá cao nhất trong phiên giao dịch đêm trước là 2.322 USD/ounce. Nguyên do được nhắc đến là giá vàng thế giới tiếp nối đà giảm do một số quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhận định lãi suất cần duy trì ở mức cao 5% – 5,25% cho đến khi lạm phát có xu hướng lùi về mục tiêu 2%.

Mặt khác, lãi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 4,5% năm, đồng nghĩa giá trái phiếu sụt giảm đã kích thích nhà đầu tư mua trái phiếu. Thế nên tiền chảy vào kim loại quý bị hạn chế. Giá vàng của thế giới sụt giảm là tất yếu.

Người viết bài này không suy diễn, bởi về nguyên tắc thì người tham gia đấu thầu quyết định về giá, người mua quyết định số lượng. Tuy nhiên, với đấu thầu vàng, việc Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định về giá lại vừa quyết định về số lượng là biểu hiện rõ củng cố ưu thế độc quyền của Ngân hàng Nhà nước ở mặt hàng này.

Tại sao đến nay Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa chấp nhận việc tăng nguồn cung qua cho phép ngân hàng thương mại và các công ty kinh doanh vàng, bạc được tự do xuất nhập khẩu vàng, còn Nhà nước thì kiểm soát bằng thuế?

 

Cần định nghĩa lại “vàng hóa” là gì?

Vàng trong tiềm thức của người Việt là một tài sản có giá trị ổn định, an toàn. Do vậy, thông thường người dân đã có thói quen tích trữ vàng trong nhà. Việc mua vàng làm “của để dành” còn đặc biệt tăng cao khi trong nước và thế giới diễn ra bất ổn.

Từ năm 2012 đến nay, các hình thức huy động vốn bằng vàng, gửi vàng tiết kiệm ở ngân hàng đã bị loại bỏ. Từ đó, vàng ở Việt Nam không còn chức năng giao dịch như một loại tiền tệ. Người dân chỉ mua vàng để tích trữ, như công cụ tiết kiệm. Việc mua bán, tích trữ vàng của người dân để phòng ngừa lạm phát, làm tài sản tích trữ không thể được coi là “vàng hóa”.

Nếu hiểu khái niệm “vàng hoá” theo cách của Thủ tướng Phạm Minh Chính là “thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP” cho thấy đã không còn đúng bản chất. Nếu gọi việc tích trữ vàng là “vàng hoá” thì những nước nhập vàng lớn nhất thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ đều rơi vào tình trạng “vàng hóa” cao độ.

Giới quan sát độc lập chung nhận định rằng, chính sách quản lý vàng hiện nay của Nhà nước Việt Nam là theo kiểu “một mình một chợ”, thiếu hội nhập và liên thông với thế giới. Lấy độc quyền nhập khẩu, sản xuất vàng miếng làm nhân tố trung tâm để chi phối các hoạt động khác có liên quan đến vàng, bỏ qua các yếu tố cung cầu của thị trường.

Có thể thấy cơ chế này không làm thay đổi nhu cầu nắm giữ vàng của dân chúng, vì nhu cầu này chủ yếu phục vụ cho nhu cầu đầu tư, cất giữ do tập quán lâu đời và từ sự bất ổn của kinh tế vĩ mô. Việc kiểm soát chặt chẽ và độc quyền nhập khẩu sẽ làm hạn chế nguồn cung, trong lúc cầu không hề suy giảm, sẽ xuất hiện tình trạng giá vàng trong nước cách xa với giá vàng thế giới. Điều này sẽ là điều kiện cho việc nhập lậu vàng tiêu chuẩn quốc tế để tiêu thụ tại Việt Nam.

Cùng với việc không liên thông được với giá vàng thế giới sẽ làm xuất hiện yếu tố tắc nghẽn trên thị trường vàng, do vậy khối lượng vàng có giá trị lớn trong nền kinh tế sẽ không được sử dụng có hiệu quả, vì số vàng này chỉ đơn thuần giữ vai trò cất trữ trong bối cảnh nền kinh tế đang thiếu vốn, tích lũy chưa cao.

 

Đã kinh doanh thì luôn muốn lãi thật cao

Cả trong quá khứ và hiện tại, trên thế giới chưa một ngân hàng Trung ương nào có chính sách chỉ duy trì một thương hiệu vàng và độc quyền sản xuất vàng miếng như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Cũng chưa có ngân hàng Trung ương nào trên thế giới độc quyền nhập khẩu nguyên liệu, sản xuất, sau đó đấu giá để cung cấp nguồn cung vàng cho thị trường. Hay nói một cách khác là chưa có ngân hàng Trung ương lại đi kinh doanh vàng. Trong khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lại kiêm tất cả vai trò này, trở thành đơn vị kinh doanh vàng.

Ở đây Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quên vai trò điều hành, quản lý để đi kinh doanh. Mà kinh doanh thì không thể đứng ra bình ổn thị trường được, vì có sự mâu thuẫn trong lợi ích. Trên thực tế không có một đơn vị kinh doanh nào chịu lỗ khi tham gia thị trường.

Trong ngày 9-5, tức một ngày sau phiên đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước, lúc 13g30 ngày 9-5, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng mua vào – bán ra ở mốc 86,8 – 89,1 triệu đồng/lượng. Sau đó, cứ cách 1 tiếng đồng hồ, giá vàng SJC lại điều chỉnh tăng thêm 400.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 200.000 đồng/lượng ở chiều bán ra. Sau hai lần điều chỉnh tăng liên tiếp, lúc 15g30 giá vàng SJC đang niêm yết mức mua vào – bán ra là 87,2 – 89,5 triệu đồng/lượng.

Trước đó, trong buổi sáng ngày 9-5, SJC cũng đã có 4 lần điều chỉnh giá vàng tăng. Như vậy, tính từ thời điểm mở cửa lúc 8g30 sáng đến 15g30 chiều, giá vàng SJC đã tăng tổng cộng là 2 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều.

Trong khi đó, giá vàng thế giới chỉ ở mức 71,1 triệu VND/lượng. Như vậy, giá vàng SJC trong nước ngày càng chênh lệch và cao hơn giá vàng thế giới là 18,4 triệu đồng/lượng.

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)