VNTB – Vì sao TP.HCM không thể chống dịch như ngoài Bắc?

VNTB – Vì sao TP.HCM không thể chống dịch như ngoài Bắc?

Lê Tự Do

 

(VNTB) – Có ý kiến rằng chỉ thị 16 thôi mà, ngoài Bắc cũng áp dụng, có ai than thở gì đâu, không ai kêu khổ, trong Nam kêu trời, phải học hỏi ngoài Bắc…

 

Lang thang dạo một vòng “nhìn ngắm” những tin tức, bình luận về tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19 ở TP.HCM nói riêng cũng như toàn miền Nam nói chung, một số ý kiến cho rằng để tình hình dịch đến nông nỗi như vậy, chủ yếu là do người dân, kiếm lý do này lý do nọ để đi ra ngoài đường.

Cũng có ý kiến cho rằng, chỉ thị 16 thôi mà, ngoài Bắc cũng áp dụng, có ai than thở gì đâu, không ai kêu khổ, trong Nam kêu trời, phải học hỏi ngoài Bắc… Liệu rằng những điều đó có đúng?

Điểm đầu tiên khác với các tỉnh thành ngoài Bắc, đó chính là vấn đề về dân số.

Nói về 10 tỉnh, thành phố đông dân nhất Việt Nam, theo thống kê cho thấy, TP.HCM là thành phố có mật độ dân số đông nhất Việt Nam. Nhiều người dân từ các tỉnh, thành ngoài Bắc, ngoài Trung, miền Tây vào thành phố để mưu sinh, lập nghiệp.

Nói theo kiểu của không ít ý kiến, người dân Sài Gòn chính gốc còn không bao nhiêu sau cái ngày 30-4 năm ấy. Với một thành phố có dân số đông nhất nhì Việt Nam, lẽ hiển nhiên, phòng chống dịch cũng khó khăn hơn.

Thêm nữa, việc dân số đông, điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhiều người có tiền nhưng cũng không ít người nghèo khó, cộng thêm với việc thành phố này đã trải qua hơn 55 ngày ảnh hưởng bởi rất nhiều chỉ thị, dù thông cảm với chính quyền thành phố, cũng khó có thể tránh khỏi những khó khăn từ cuộc sống, từ cơm ăn áo mặc hằng ngày. Đây cũng chính là điểm thứ 2 khác biệt.

Tuy nhiên, thực tế ghi nhận một điều rằng, dù biết là đang sống trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn về nhiều mặt (đi lại, mưu sinh, sinh hoạt…), nhiều người Sài Gòn (trong đó có cả những người có quê ở miền ngoài) mặc dù không thể đi làm, vẫn không mấy hy vọng rằng chính phủ sẽ giúp họ gì đó từ gói hỗ trợ an sinh 26.000 tỷ, nhưng họ vẫn lạc quan.

“Thật ra nói người Sài Gòn kêu trời, than van, không đâu. Theo như cá nhân mình ghi nhận, người Sài Gòn lạc quan lắm. Trước khi áp dụng chỉ thị 16 toàn thành phố, tình hình buôn bán ế ẩm hơn lúc trước nhưng bà con mình vẫn vui vẻ, chỉ cần chính quyền cho họ ra bán là được, có ế cũng không sao, phần cơm ế đó, thay vì mình tốn tiền đi mua món này món kia về ăn, giờ mình ăn luôn, không sao hết.

Biết trước còn mấy tiếng nữa họ phải tạm dừng bán đó, họ cũng chấp nhận, vui vẻ xài tiền tiết kiệm bấy lâu nay, chấp nhận khó khăn để cùng chính quyền vượt qua đợt dịch này.

Rồi đến quãng thời gian chịu chỉ thị 16, các bạn thấy một số người khó khăn ý kiến rằng giờ cấm bán này bán nọ, cụ thể hơn là cấm bán vé số chẳng hạn, khó khăn đúng không? Nghe vậy, tưởng rằng họ than, nhưng mình thấy thì không, họ chỉ chia sẻ hoàn cảnh của họ thôi. Chính quyền cũng cần lắng nghe tiếng nói của người dân chứ. Dù khó khăn, cũng chung lòng với chính quyền, vì họ hiểu, vì cái chung.

Thật buồn khi có một ai đó từ phía chính quyền lại đi đổ lỗi tình hình dịch không thuyên giảm là do từ chính một bộ phận người dân. Người dân sẵn sàng cùng chính quyền chống dịch mà.

Họ hy sinh cái cá nhân vì cái chung mà. Để rồi, khi người nghèo đã quá cạn kiệt, họ bắt buộc phải ra đường thôi. Ra đường không chỉ để kiếm cái gì đó lượm mà còn là xin một ít đồ ăn từ những mạnh thường quân nữa” – một nhà báo nhận xét từ ghi nhận qua ống kính truyền hình ở các clip thời sự nơi ông đang công tác.

“Thấy buồn, thấy không có tiền thì giờ cũng ráng, giờ cũng tươi cười, chứ giờ làm sao em? Buồn, không có cũng như có. Có cũng như không. Cũng cuộc sống vươn lên như người ta như vậy” – ống kính ghi nhận ý kiến của một cư dân tên Phượng.

Mỗi địa phương có mỗi đặc thù khác nhau, dân số cũng như cách sống, cách quản lý khác nhau. Nếu không sống ở Sài Gòn bằng tất cả tình yêu thương dành cho thành phố này, không thể cảm thông cho những phận đời của những con người nghèo khó (có khi đó là đồng hương của bạn) đang sống và mưu sinh ở thành phố này, xin đừng vội phán xét…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)