VNTB – Thắt làm gì để giờ phải gỡ?

VNTB – Thắt làm gì để giờ phải gỡ?

Tử Long

 

(VNTB) – Không biết ai thắt nút thì gỡ hoài cũng không hết

 

Ai đã thắt nút để giờ phải cặm cụi tháo gỡ các nút thắt về thể chế, cơ chế, chính sách? Không trả lời được câu hỏi này thì chuyện “thắt – gỡ” còn là điệp khúc của sợi dây kinh nghiệm rút hoài không hết.

Ngày 27-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo TP HCM về nội dung Đề án xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (Nghị quyết 54).

Theo đó, tại Nghị quyết số 31/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 31), Bộ Chính trị đã chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo ban hành nghị quyết mới của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 54 để cho phép thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển TP.HCM; Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với TP.HCM hoàn chỉnh đề án ban hành nghị quyết trình Quốc hội.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến kể trên, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cảm ơn sự vào cuộc nghiêm túc, khẩn trương, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan trong triển khai các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, xây dựng các cơ chế, chính sách cho thành phố cũng là vì cả vùng và cả nước, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, “Thành phố vì cả nước và cả nước vì thành phố”…

Bình tâm nhìn nhận thì rõ ràng ở đây người tạo nên những nút thắt trong thể chế – cơ chế – chính sách là một tập thể được gọi là Bộ Chính trị. Thế nhưng lẽ ra tập thể Bộ Chính trị phải dũng cảm đứng ra nhận việc đã tạo ra những nút thắt, đàng này họ lại ra vẻ ban ơn của chủ cả khi ra mệnh lệnh được khoác dưới lớp ngôn từ “đã chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội…”.

Những nút thắt thể chế – cơ chế – chính sách cần phải thay đổi là gì?

Dự thảo nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP.HCM thuộc thẩm quyền của Quốc hội, khác với các quy định của luật hiện hành hoặc chưa có quy định cụ thể, trong các lĩnh vực: quản lý đầu tư; tài chính – ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TP.HCM và TP.Thủ Đức.

Các cơ chế, chính sách này gồm 4 nhóm: các cơ chế, chính sách đã được quy định tại Nghị quyết 54; các cơ chế, chính sách có nội dung tương tự đã được quy định tại các nghị quyết đặc thù dành cho các địa phương khác; các cơ chế, chính sách có trong một số dự thảo luật dự kiến trình Quốc hội thời gian tới; các cơ chế, chính sách mới chưa được thí điểm tại các địa phương và quy định tại các luật hiện hành.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng với vấn đề mới, khó, vướng mắc hoặc nội dung nhạy cảm, phức tạp, cần nghiên cứu kỹ để tìm được cách xử lý trên tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. “Phải thiết kế công cụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát kịp thời, hiệu quả chứ không phải thấy khó khăn, phức tạp, nhạy cảm thì không làm hoặc dừng lại”, ông nói và không cho biết cụ thể phần việc sẽ thực hiện bài bản tận gốc ở cấp lập pháp, hay chỉ là chắp vá mang tính tình thế từ các bộ, ngành quản lý chuyên trách.

Vẫn cách nói chung chung, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM không chỉ tháo gỡ khó khăn, giải quyết thách thức mà còn tạo động lực phát triển mới cho thành phố. Các cơ chế, chính sách không chỉ riêng cho TP.HCM mà tạo điều kiện để thành phố phát huy vai trò đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế cả nước.

“Tôi nghĩ rằng trong bối cảnh đe dọa bắt bớ nhân danh chống tham nhũng, tất cả đều cần sự rõ ràng từ lập pháp. Bởi dù ra sao đi nữa, thì phải thẳng thắn nhìn nhận là chính sách đặc thù phát triển TP.HCM khác luật hiện hành, chưa có quy định, lẽ ấy nên sẽ lại có vô số nút thắt mà cơ chế tạo ra…” – luật sư T.T đã bình luận như vậy.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)