Hiếu Bá Linh (Tổng hợp)
(VNTB) – TS Nguyễn Sơn Lộ – cựu Viện trưởng Viện SENA bị khởi tố về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước” ngày 27/7/2022
Ngày 27/7 ông Nguyễn Sơn Lộ (74 tuổi) cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ và Phát triển SENA bị khởi tố để điều tra về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Tuy không bị bắt tạm giam, nhưng ông bị Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và Quyết định tạm hoãn xuất cảnh. Công an cũng ra Lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc của ông.
Tiến sĩ Nguyễn Sơn Lộ, nguyên là Viện trưởng Viện SENA đã về hưu, ngay từ khi còn đương chức. Công an không cho biết cụ thể sự việc nào khiến ông Lộ bị cáo buộc tội danh này (Điều 331) thường dành cho giới bất đồng, giới xã hội dân sự; mà chỉ nói rằng “hiện nay đang tập trung điều tra, thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ về hành vi phạm tội của bị can và các cá nhân có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật“.
Các báo đài ở Việt Nam tuy đưa tin ông Lộ bị khởi tố, nhưng không đăng hình ông này như thường thấy đối với các bị can “lợi dụng quyền tự do dân chủ…”.
Buổi tọa đàm về văn hoá Ukraine tại Viện SENA
Hơn một tuần trước khi ông Lộ bị khởi tố, hôm 16/7 Viện SENA đã cho một số văn sĩ trí thức mượn một phòng họp của Viện để tổ chức một buổi tọa đàm về văn hoá Ukraine (thơ của Shevchenko) và bày tỏ tình cảm với nhân dân và đất nước Ukraine, với sự hiện diện của bà Tham tán chính trị sứ quán và phu nhân đại sứ nước này. Sự kiện này đang diễn ra thì bị công an cắt điện, trang AsiaNews dẫn lời những người tham dự sự kiện này cho biết như trên. Đồng thời AsiaNews cho biết thêm rằng một số người tham dự buổi tọa đàm bị ngăn chặn trước khi đến đó.
Viện SENA từng góp phần soạn thảo lại điều lệ đảng và Hiến Pháp
Viện Nghiên cứu Công nghệ và Phát triển SENA là do ông Nguyễn Sơn Lộ thành lập từ tháng 4 năm 1992 trực thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Theo lời tự giới thiệu trên trang web của mình, Viện SENA có vai trò tư vấn chuyên ngành và vai trò Think Tank Việt Nam.
Theo một bài đăng trên trang cá nhân hồi Tháng 5 năm 2021, ông Lê Thăng Long, cựu tù nhân lương tâm, cho biết: “Trong một lần đầu tháng 8/2015 chúng tôi có ghé thăm Viện SENA tại 35 đường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, Hà Nội do ông Nguyễn Sơn Lộ (có “bí danh” là Minh Đường) làm giám đốc. Chúng tôi được người có quan hệ thân hữu với Viện SENA tiết lộ cho biết rằng: “Viện SENA đang chuẩn bị tiến hành [góp phần] soạn thảo lại điều lệ đảng và hiến pháp!”.
Ông Long cũng bình luận rằng “chúng tôi mừng là vì nhận thấy nhiều thành viên thuộc nhóm SENA có nhiều tinh thần cấp tiến, dân chủ, tiến bộ. Những điều dân chủ, cấp tiến, tiến bộ ấy nếu đem lan tỏa ra cộng đồng thì là sự cống hiến rất tốt cho xã hội“.
Thư ngỏ gửi Bộ Chính trị, Đại hội Đảng
Không rõ cuối cùng Viện SENA có được tham gia vào việc soạn thảo lại hiến pháp hay không, nhưng chắc chắn ông Nguyễn Sơn Lộ (bí danh “Minh Đường”) đã ký tên với tư cách là Viện trưởng Viện SENA vào một lá thư ngỏ đề ngày 09/12/2015 gửi Bộ Chính trị, Đại hội lần thứ 12 và các Đảng viên của Đảng cộng sản Việt Nam.
Bức thư ngỏ này được ít nhất 127 người ký tên, trong đó có các nhân vật như Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Giáo sư Hoàng Tụy, Giáo sư Chu Hảo, Đại sứ Nguyễn Trung, Giáo sư Tương Lai, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, ông Nguyễn Mạnh Can, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương Đảng, bác sỹ Huỳnh Tấn Mẫm v.v. … thẳng thắn đề nghị lãnh đạo Việt Nam đổi tên đảng, đổi tên nước, thay đổi đường lối đối ngoại được cho là lệ thuộc vào Trung Quốc, viết lại báo cáo chính trị và nhiều thay đổi ‘triệt để’ khác.
Từ Hà Nội ông Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Minh Triết, cho đài Á Châu Tự Do (RFA) biết, ông là bạn thân với ông Nguyễn Sơn Lộ từ mấy chục năm nay.
Theo lời ông Nguyễn Khắc Mai thì ông Lộ từng tham gia cuộc chiến với Mỹ và lập nhiều công trạng, tuy nhiên khi trở về thì ông nghiên cứu và tiếp nhận kiến thức đồng thời có những tình cảm đáng quý về tình hình của đất nước, về sự phát triển đời sống của nhân dân. Ông Nguyễn Khắc Mai nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do như sau:
“Gần đây thì anh ấy thành lập cái viện think-tank về nghiên cứu và phát triển văn hóa. Anh ấy khẳng định với chúng tôi là ‘bây giờ vấn đề văn hóa trở thành một vấn đề rất là lớn của thời đại và của dân tộc’ cho nên anh ấy muốn đóng góp vào lĩnh vực này, vào những hoạt động về văn hóa.
Anh ấy cũng là một số đầu sách nghiên cứu để kiến nghị một cách chân thành với những người lãnh đạo của đất nước, anh ấy thường cho in những tác phẩm ấy, những kiến nghị ấy về lĩnh vực kinh tế đặc biệt là về văn hóa cho những người lãnh đạo của đất nước.
Ban Kiểm tra Trung ương thì họ đã xuống làm việc với anh ấy và họ khẳng định rằng họ không cấm các anh ấy phát biểu ý kiến, kiến nghị nhưng mà họ chỉ đề nghị anh ấy đừng có phát tán rộng rãi.”
Theo đó, ông Nguyễn Sơn Lộ được khuyên không gửi các cuốn sách góp ý cho địa phương, các tỉnh thành, các Bí thư tỉnh ủy hay các Đại biểu Quốc hội mà chỉ nên gửi trong nội bộ, ví dụ như Ban Tổ chức, Ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo, Ban Bí thư, Bộ Chính Trị…
Cũng theo ông Nguyễn Khắc Mai thuật lại thì ông Lộ đồng ý chỉ gửi góp ý của mình tới những nơi có trách nhiệm, tuy nhiên không hiểu lý do gì dẫn đến chuyện bị khởi tố.
Một bài viết xuất bản đầu năm 2021 của Công an huyện Bạch Thông – tỉnh Bắc Kạn với tiêu đề “Góp ý xây dựng Đảng hay chống Đảng” đề cập đến viện nghiên cứu SENA, và cho rằng Viện trưởng Viện SENA Nguyễn Sơn Lộ (Minh Đường) gửi thư ngỏ góp ý xây dựng văn kiện Đại hội 13 của Đảng, nhưng thực chất là một hình thức thể hiện quan điểm sai trái, phụ họa cho những luận điệu xuyên tạc chống Đảng, Nhà nước.
“Nói là chống phá thì không đúng đâu, bởi vì anh ấy chỉ có cái tâm là xây dựng muốn đóng góp, muốn sửa lỗi, muốn cải tiến, muốn cho cái Đảng này, cái chính quyền này nó văn minh, văn hóa hơn, nó nhân văn hơn, nó thân dân hơn và nó tử tế hơn.
Đấy là cái nguyện vọng mà tôi cho rằng 90 triệu, 100 triệu người dân cũng mong ước như thế, không ai muốn là lật đổ họ, chỉ muốn là họ tốt lên thôi.
Bớt tham nhũng đi, nhân văn hơn, bớt những hành xử hành xử vô đạo, cướp đất của dân đi, có cái gì thương lượng với dân cho thỏa đáng rồi thì đền bù giải quyết lợi ích của người dân cho nó tử tế. Thế thì đấy là mong ước của tất cả mọi người, tôi cũng như vậy thôi.”- ông Nguyễn Khắc Mai nói.
▪︎ Thu hồi trụ sở Viện SENA để mở rộng trụ sở làm việc cho công an
Năm 1997, sau khi được UBND Thành phố Hà Nội cấp phép, Viện nghiên cứu SENA phá dỡ hoàn toàn ngôi nhà cũ đã xuống cấp tại 35 Điện Biên Phủ, Quận Ba Đình, Hà Nội và xây trụ sở mới như hiện nay. Kinh phí đền bù, phá dỡ và xây mới có từ đóng góp của các nhà khoa học và các nhà tài trợ, hoàn toàn không bằng và không từ vốn Nhà nước.
Vị trí của trụ sở Viện Sena quá đẹp, có giá trị cao, được gọi là “đất vàng“, khiến nhiều kẻ muốn chiếm lấy nó.
Năm 2013, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định thu hồi trụ sở Viện SENA (gồm 565,4 m2 đất có nhà và công trình tại 35 Điện Biên Phủ) để giao cho UBND quận Ba Đình quản lý và tổ chức giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án mở rộng trụ sở làm việc cho Công an quận Ba Đình.
Ông Nguyễn Sơn Lộ, với tư cách viện trưởng Viện SENA, sau đó khiếu nại quyết định trên của TP Hà Nội. Tuy nhiên, các khiếu nại này đều bị bác bỏ. Vụ việc nói trên đã gây lùm xùm trên các mặt báo một thời gian dài.
▪︎ Chiến dịch đàn áp xã hội dân sự
Ngày 4/7/2022, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã ra quyết định đình chỉ hoạt động của Viện nghiên cứu SENA với lý do đình chỉ để thực hiện thủ tục giải thể. Nguyên nhân bởi Viện nghiên cứu SENA đã vi phạm Quy định về thành lập, đăng ký hoạt động và giải thể tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc Liên hiệp.
Trước trường hợp TS Nguyễn Sơn Lộ bị khởi tố về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước“, 3 nhà hoạt động xã hội dân sự khác đã bị bắt giam vào các thời điểm khác nhau hồi năm ngoái và đầu năm nay với cáo buộc ngụy tạo “Trốn thuế” và bị kết án nhiều năm tù, gồm:
– chuyên gia báo chí và truyền thông xã hội Mai Phan Lợi (Chủ tịch hội đồng khoa học Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng – MEC)
– luật gia Đặng Đình Bách (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững – LPSD)
– bà Ngụy Thụy Khanh (Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh – GreenID và là người Việt Nam đầu tiên được giải môi trường Goldmann).
Điểm giống nhau là tất cả 4 trường hợp nêu trên đều là những người thành lập và đứng đầu các tổ chức dân sự có đăng ký, có giấy phép hoạt động hợp pháp.
Các tổ chức nhân quyền nói rằng các vụ bắt giữ này là một phần của chiến dịch đàn áp xã hội dân sự, kể cả những tổ chức đã đăng ký.