Cửu Long
(VNTB) – “Đa nguyên – đa đảng” vẫn là một cấm kỵ mang tính tuyệt đối ở Việt Nam.
Trong chuyến công du của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng phu nhân tại Liên bang Nga, có một điều mà báo chí Việt Nam không nhắc đến, đó là hệ tư tưởng chính trị của người Nga.
Không hệ tư tưởng nào là thống soái
Theo khoản 1 và 2 của Điều 13 Hiến pháp năm 1993, nước Nga thừa nhận hệ tư tưởng đa nguyên, không một hệ tư tưởng nào được coi là hệ tư tưởng thống soái trong xã hội. Theo khoản 3 Điều 13 nước Nga thừa nhận chế độ đa nguyên chính trị và đa đảng.
Theo các quy định nói trên của Hiến pháp, chủ nghĩa Mác- Lênin không còn là hệ tư tưởng chủ đạo trong xã hội như thời kỳ xây dựng nhà nước Xô Viết. Thực hiện chế độ đa nguyên chính trị, các đảng phái được tự do tranh cử. Sau khi Hiến pháp năm 1993 có hiệu lực có khoảng 30 đảng phái chính trị được thành lập. Các đảng chính trị lớn nhất ở Nga hiện nay là: Đảng thống nhất Nga (Đảng ủng hộ Mevedev và Putin), Đảng cộng sản Nga, Đảng dân chủ tự do Nga, Đảng dân chủ Nga Ỵabloko, Liên minh các lực lượng cánh hữu, Đảng công lý xã hội Nga…
Trước câu hỏi: “Liên bang Xô viết sụp đổ, đánh dấu bằng buổi tối mùa đông lạnh giá 25-12-1991, đồng chí đánh giá thế nào về cơn địa – chính trị chấn động thế kỷ XX này và tác động của nó với nhân loại, với Việt Nam đến nay?”, ông Vũ Quốc Hùng, cựu phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, trả lời như sau:
“Liên Xô trước khi sụp đổ đã xảy ra khủng hoảng về người đứng đầu của Đảng, từ yêu cầu của thực tiễn, họ cũng tiến hành cải tổ nhưng sự cải tổ này không đúng nguyên tắc nên dẫn đến tan rã.
Tôi cho rằng, điều quan trọng khiến Liên Xô tan rã là khi những người lãnh đạo bắt đầu bị thoái hoá biến chất, khi nhà nước Liên Xô sụp đổ; nguyên tắc tập trung dân chủ, phê bình, tự phê bình nhiều năm không làm, nên chủ nghĩa xã hội mới thoái trào và cuối cùng là chuyên quyền, độc đoán, chỉ mang tính cá nhân rồi dẫn đến tan rã”.
Thế nhưng với những gì mà báo chí tường thuật về chuyến công du sang Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lại cho thấy “nhà nước Liên Xô sụp đổ”, nhưng nước Nga vẫn là một cường quốc hùng mạnh, và cường quốc ấy như đã nói ở trên, họ cho rằng “không một hệ tư tưởng nào được coi là hệ tư tưởng thống soái trong xã hội”.
Ngày 12-6-1990 Xô viết tối cao Liên bang Nga thông qua tuyên bố chủ quyền quốc gia Nga. Ngày 26-12-1991 cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) được thành lập, chấm dứt sự tồn tại của Liên Xô. Nước Nga tiếp nhận thừa kế của Liên Xô bao gồm cả vị trí trong Hội đổng bảo an Liên Hợp Quốc.
Lập pháp – hành pháp và tư pháp đều được quyền độc lập
Nguyên tắc phân chia quyền lực được xác định trong Điều 10 Hiến pháp Liên bang Nga 1993: “Quyền lực nhà nước ở Cộng hoà Liên bang Nga được thực hiện trên cơ sở phân chia các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp độc lập”.
Thực hiện nguyên tắc trên đây Nghị viện – cơ quan lập pháp và Tổng thống đều do dân bầu cử trực tiếp và các thẩm phán được Tổng thống bổ nhiệm suốt đời.
Chính phủ được coi là cơ quan quyền lực nhà nước thực hiện quyền hành pháp trên cơ sở Hiến định, nó không còn là cơ quan chấp hành của cơ quan lập pháp như thời kỳ Xô Viết.
Điều 1 Luật tổ chức Chính phủ Liên bang Nga năm 1997 quy định: “Chính phủ Liên bang Nga là cơ quan quyền lực nhà nước. Chính phủ Liên bang Nga thực hiện quyền hành pháp của Liên bang Nga”.
Theo Điều 113 của Hiến pháp năm 1993 Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Hiến pháp, các luật của Liên bang, sắc lệnh của Tổng thống quyết định đường lối chỉ đạo và tổ chức công việc của Chính phủ. Tổng thống bổ nhiệm Thủ tướng với sự tán thành của Hạ viện.
Sự phân chia quyền lực, các nhánh quyền lực độc lập với nhau nhưng có sự kiềm chế đối trọng giữa các nhánh quyền lực thể hiện rất rõ trong Hiến pháp Liên bang Nga năm 1993.
Theo quy định của Hiến pháp nếu Hạ viện Nga ba lần bác bỏ ứng cử viên Thủ tướng do Tổng thống lựa chọn, Tổng thống sẽ bổ nhiệm Thủ tướng theo ý chí của mình, tuyên bố giải tán Hạ viện và chỉ định cuộc bầu cử bầu Hạ viện mới. Tổng thống bổ nhiệm Phó thủ tướng và các Bộ trưởng theo đề nghị của Thủ tướng. Các thành viên Chính phủ Nga không thể đồng thời là thành viên của Hạ viện hay Thượng viện.
Quyền lực nhà nước thật sự là đến từ lựa chọn của người dân
Tương tự Hiến pháp của Việt Nam, nguyên tắc chủ quyền tối cao của nhà nước Nga thuộc về nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước xuất phát từ nhân dân (khoản 1 Điều 3 Hiến pháp 1993).
Xuất phát từ nguyên tắc chủ quyền tối cao của nhà nước thuộc về nhân dân và tất cả quyền lực nhà nước xuất phát từ nhân dân, Hiến pháp của Nga quy định nhân dân trực tiếp thực hiện quyền lực của mình và thông qua các cơ quan quyền lực nhà nước hoặc chính quyền tự quản địa phương.
Khoản 3 Điều 3 của Hiến pháp cũng quy định cách thức thể hiện trực tiếp cao nhất của quyền lực nhân dân là trưng cầu dân ý và bầu cử tự do. Hiến pháp năm 1993 của nước Nga sau khi được Tổng thống phê chuẩn đã được trưng cầu dân ý để thông qua vào tháng 12-1993.
Với một vài tóm tắt như trên về Liên bang Nga, một đồng minh ở quá khứ và cả hiện tại của Việt Nam, cho thấy đa nguyên chính trị không hề làm nước Nga yếu đi, và Đảng cộng sản Nga vẫn tiếp tục phát triển, bình đẳng cạnh tranh với Đảng thống nhất Nga ở hiện tại.
1 comment
“Vì sao Việt Nam lại không thể ‘đa nguyên’ – ‘đa đảng’ như Liên bang Nga?”
Có thể vì hổng ai ở VN chịu làm cách mạng lật đổ đảng Cộng Sản như Nga