Thới Bình
(VNTB) – Công ty Nga dừng hợp đồng với Việt Nam do cấm vận
Power Machines đã thông báo dừng hợp đồng với lý do “bất khả kháng” đưa ra là bị Mỹ cấm vận.
Lãnh đạo Ban quản lý dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 (huyện Long Phú, Sóc Trăng) xác nhận với báo chí, đơn vị này đang tìm cách tháo gỡ khó khăn liên quan việc xin rút khỏi dự án của Tập đoàn Power Machines (PM – Nga), thành viên đứng đầu liên doanh tổng thầu PM và Tổng công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC, thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, PVN).
Nói cho đúng hơn thì lệnh cấm vận này liên quan đến bán đảo Crimea mà Nga đã chiếm của Ukraine trước đó.
Bế tắc vì đối tác Nga bị cấm vận
Hồ sơ vụ việc cho biết, Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 có công suất 1.200MW, do liên danh PM – PTCS là tổng thầu EPC với tổng giá trị hợp đồng 1,2 tỉ USD. Theo hợp đồng được ký cuối năm 2014, đến tháng 10-2018, tổ máy 1 của nhà máy sẽ vận hành thương mại và tổ máy 2 vận hành thương mại vào tháng 2-2019.
Tuy nhiên, vào ngày 26-1-2018, Washington đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với PM vì cung cấp thiết bị của Đức cho Crimea, bán đảo này của Ukraine bị Nga dùng vũ lực để chiếm đóng vào năm 2014.
Sau khi bị cấm vận, tháng 2-2019, PM đã thông báo dừng hợp đồng với dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 vì lý do “bất khả kháng”. Tháng 9-2019, phía PM có thư thông báo khởi kiện chủ đầu tư và thành viên liên danh PTSC lên Trung tâm Trọng tài quốc tế tại Singapore.
Các khiếu kiện chính của PM bao gồm: PM coi lệnh cấm vận của Mỹ là sự kiện bất khả kháng; PM khiếu nại PVN không thực hiện thanh toán cho PM; PM cho rằng PVN không có cơ sở khi rút Bảo đảm thực hiện hợp đồng của PM.
Đồng thời, PM vẫn đề xuất đàm phán hòa giải để rút khỏi dự án mà không bị lỗ (zero losses), với điều kiện phía Việt Nam phải bồi hoàn tất cả các chi phí mà họ đã chi, dự kiến chi không thuộc hợp đồng…
Tháng 9-2019, phía PVN đã trả lời tòa, trong đó cho rằng lệnh cấm vận của Mỹ không phải là sự kiện bất khả kháng.
Theo đại diện ban quản lý dự án, khi đàm phán vẫn tiếp tục thì chiến sự Nga – Ukraine xảy ra, kéo theo Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT nên việc thanh toán qua hệ thống ngân hàng gặp ách tắc. Trong trường hợp hai bên thống nhất được chi phí bồi hoàn cho PM thì cũng không thể thanh toán được cho PM.
Sau khi PM bị cấm vận, các giao dịch với PM để thực hiện hợp đồng EPC gặp nhiều khó khăn và mọi việc bị “đóng băng” khi hoàn thành được 77,56% khối lượng.
Liên quan cấm vận này trong ngành năng lượng, ghi nhận tính đến lúc này còn có dự án điện khí Quảng Trị (340MW) do Gazprom (Nga) tham gia đầu tư và dự án điện gió ngoài khơi Vĩnh Phong (công suất 1.000MW) kết hợp đầu tư giữa liên doanh Zarubezhneft JSC (Nga) và DEME Concessions (Bỉ).
Những gút mắc
Theo nhìn nhận của ông Nguyễn Thái Sơn – cựu Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực, hiện tại dự án này có những khó khăn, vướng mắc như sau:
Một là thẩm định, phê duyệt Tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án. PVN đã có Công văn số 5741/DKVN-BĐ-KTĐT ngày 25-9-2018 trình Bộ Công Thương thẩm định Hồ sơ Tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án Nhiệt điện Long Phú 1. Bộ Công Thương có Công văn số 598/BCT – ĐL ngày 8/7/2019 yêu cầu PVN rà soát, thẩm định lại tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án trên cơ sở phương án lựa chọn để xử lý hợp đồng EPC (Engineering, Procurement and Construction) với Nhà thầu PM được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Tổ công tác Chính phủ đã đánh giá dự án không thuộc diện được điều chỉnh theo quy định của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, do đó, việc điều chỉnh dự án để điều chỉnh Tổng mức đầu tư không thuộc thẩm quyền Chính phủ.
Hai là về đề xuất của PM để tiếp tục thực hiện Hợp đồng EPC như ghi nhận trong chuyến công tác tại Liên bang Nga (từ 27-11-2021 đến 2-12-2021), khi ông Lê Mạnh Hùng – Tổng Giám đốc PVN làm việc với lãnh đạo Tổng công ty Power Machines (PM) về dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1.
Sau thời gian dài đàm phán, PVN đánh giá các phương án do PM đề xuất đến thời điểm hiện tại được đánh giá là không có tính khả thi, vì: Thứ nhất, chi phí phát sinh cao, không tuân thủ các quy định của hợp đồng EPC đã ký, không tuân thủ các quy định Pháp luật hiện hành của Việt Nam.
Thứ hai, không đảm bảo giải quyết được triệt để các khó khăn do lệnh cấm vận của Chính phủ Mỹ (như phương thức thanh toán, đồng tiền thanh toán, khả năng các bên liên quan sẽ bị Chính phủ Mỹ áp đặt lệnh cấm vận trực tiếp/thứ cấp…).
Thứ ba, không có giải pháp để thu xếp đủ vốn cho dự án. Thứ tư, dựa trên các thông tin về Công ty TKZ do nhà thầu PM cung cấp, TKZ có thể được đánh giá là không đủ năng lực, kinh nghiệm và tài chính đáp ứng các tiêu chí tổng thầu để thực hiện theo các yêu cầu trong hồ sơ mời thầu EPC của dự án Nhiệt điện Long phú 1.
Cần dứt khoát với đối tác Nga
Nhận xét, đánh giá về dự án, ông Nguyễn Thái Sơn đưa ra các ý kiến cụ thể như sau:
Trước hết, hiệu quả đầu tư của dự án cho biết PVN đã giao Viện Dầu khí Việt Nam phân tích mô hình tài chính, đánh giá hiệu quả kinh tế, tài chính dự án với tổng mức đầu tư dự kiến điều chỉnh được trình Bộ Công Thương tại Công văn số 5741/DKVN-BĐ-KTĐT ngày 25-9-2018, các phương án và giá chào của PM như trên.
Kết quả phân tích mô hình tài chính của Viện Dầu khí Việt Nam khẳng định với các giá trị phát sinh do Nhà thầu PM yêu cầu từ 600 – 686 triệu USD thì dự án không còn hiệu quả kinh tế – tài chính.
Mặt khác, giấy phép đầu tư của dự án đã hết hạn từ tháng 2-2019, vì vậy dự án sẽ không tiếp tục được áp dụng các cơ chế ưu đãi đầu tư của UBND tỉnh Sóc Trăng. Để gia hạn giấy chứng nhận đầu tư thì cần cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh tiến độ hoàn thành của dự án, trong khi ở thời điểm hiện tại thì không đủ cơ sở để xác định tiến độ khả thi để hoàn thành dự án.
Nan đề tiếp theo, PM đang đẩy ảnh hưởng của vụ việc vượt quá phạm vi mâu thuẫn kinh tế đơn thuần, có tác động nhất định tới lĩnh vực quan hệ khác.
Các phương án PM đề xuất để hai bên có thể tiếp tục, hoặc đồng thuận chấm dứt thực hiện hợp đồng đều vượt quá thẩm quyền quyết định của PVN, đặc biệt là về việc tăng giá hợp đồng, miễn trừ trách nhiệm thu xếp vốn và giảm phạm vi công việc của PM. Vì vậy, dự án đang đi vào bế tắc, không xác định được phương hướng.
“Hiện tại, việc giải quyết vướng mắc của dự án đòi hỏi quyết sách tổng thể và kịp thời của Chính phủ để có phương án giải quyết dứt điểm, vì càng để lâu càng hỏng thiết bị, khó khắc phục và càng mất hiệu quả dự án. Đặc biệt, sẽ càng chậm tiến độ, thiếu nguồn cấp điện cho nền kinh tế.
Một trong những việc PVN có thể thực hiện là huy động các nguồn lực để bảo trì, giảm mức hư hỏng những thiết bị đã được lắp đặt đến điểm dừng kỹ thuật. Tuy vậy, nội dung này cũng rất khó khăn, nhiều rủi ro cho PVN khi không xác định được nguồn chi phí cho hạng mục của dự án” – ông Nguyễn Thái Sơn lưu ý.
Bên lề vụ việc nói trên, liên quan dự án, tin tức cho biết PVN vừa có quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu Gói thầu Thiết kế mua sắm vật tư, thiết bị, vận chuyển giám sát lắp đặt, chạy thử hạng mục cửa nhận nước – giai đoạn 1 thuộc Dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1.
Gói thầu có giá 53,017 tỷ đồng, dự kiến được đấu thầu rộng rãi quốc tế vào quý I/2022 (phương thức lựa chọn nhà thầu là 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ; thời gian thực hiện hợp đồng 225 ngày, thực hiện tại tỉnh Sóc Trăng).
1 comment
Quyết định cấm vận Nga là của Mỹ, Việt Nam là Việt Nam, đã đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào thì nên coi cái lệnh cấm vận của Mỹ như giấy lộn thôi