Đào Đức Thông
(VNTB) – Mỗi buổi sáng đọc báo chí, xem tin tức trong nước và quốc tế hằng ngày, những ai có trách nhiệm sẽ thấy rất xốn xang và suy nghĩ nhiều hơn về thân phận con người trong chế độ hiện nay.
Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội trong nước, những tiến bộ về khoa học công nghệ, của mức sống tại các trung tâm kinh tế đô thị, thì bên cạnh đó, những thảm họa, nguy cơ và bi kịch trong xã hội Việt Nam cũng đang ngày càng tăng lên không kém phần.
Nền pháp luật Việt Nam hiện tại đang có quá nhiều khe hở và lỗ hổng. Sau nhiều kỳ họp sửa đổi luật của Quốc Hội, vẫn không thay đổi nhiều, thậm chí thời gian qua có nhiều văn bản luật ban hành không được nghiên cứu kỷ nên có những điều khoản đối nghịch nhau, gây khó khăn, thậm chí không thể thực hiện. Luật của Quốc hội đã thế, những Nghị định, Thông tư của Chính phủ & các Bộ càng rườm rà, phức tạp hơn…
Bao nhiêu vụ án oan xảy ra trong nước, chỗ nào cũng thấy có những kẻ mang danh cầm cán cân công lý, thi hành luật pháp nhưng thật ra chỉ bảo vệ cái sự đã sai rồi của họ, bảo vệ cho cái sai, lợi ích của giới cầm quyền. Để pháp luật thật sự được người người tuân thủ thì trước tiên nó phải phản ánh đúng nhu cầu và sự phát triển của cuộc sống và phải khả thi. Các nhà làm luật Việt Nam cần sâu sát hơn với cuộc sống, với thực tiễn, vì lợi ích nhân dân, cần tính đến việc làm thế nào để thực thi các quy định do mình xây dựng, đừng để các lỗ hổng pháp luật khiến người dân phải vất vả trước cửa công quyền, dồn họ đến đường cùng.
Xã hội Việt Nam hiện tại quay cuồng trước những cám dỗ của tiền tài, vật chất, của danh vọng, địa vị, của những cái hơn – thua, lại càng thấy hơn lúc nào hết sự mù quáng của giới cầm quyền lại ngày càng trở nên nặng nề hơn bao giờ hết. Nếu con người ngồi yên hay đứng lại một chỗ thì không bao giờ vấp ngã, càng bước đi, càng dễ vấp ngã, nhưng nó không làm chết đi những con người tài đức, mà chỉ là thử thách, tôi luyện thêm ý chí, lập trường cho người có đức hạnh, thực tài, vì hành phúc của nhân dân. Ngược lại nó sẽ quật ngã những kẻ mềm lòng, yếu đuối, bạc nhược, dễ duôi, để rồi rơi vào hố sâu tội lỗi của đam mê quyền lực.
Đóng góp của giới tri thức trong nước chiếm vị trí quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Những tưởng khi tri thức trong nước ngày càng được tạo ra nhiều hơn, con người có khả năng tiếp cận giáo dục, học tập tốt hơn, khả năng thông tin nhanh hơn thì pháp luật trong xã hội sẽ ngày càng “hoàn thiện” và “nghiêm minh” hơn. Nhưng thực tế, chưa lúc nào, người dân lại “mụ mị” hơn bây giờ, sự mụ mị đến từ sự “tưởng chừng như hiểu biết” của chính họ. Người dân ngày càng mất đi năng lực tự chủ trong việc tiếp nhận và xử lý tri thức, thông tin.
Sự tinh vi của các hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin làm cho người dân ngày càng mất khả năng phản ứng một cách có ý thức trước những gì họ tiếp nhận; trước hệ thống tam quyền phân lập trong nước hiện tại thiếu hẳn nền tảng trên khuôn mẫu đạo đức, luân lý của xã hội và tôn giáo.
Quá trình chuyển đổi nền kinh tế đất nước sang cơ chế thị trường đặt ra những đòi hỏi cấp bách kiện toàn hệ thống pháp luật, điều chỉnh các quan hệ hình thành trong cơ chế này, nhưng công tác xây dựng pháp luật thời gian qua của nhà nước Việt Nam vẫn bộc lộ quá nhiều lỗ thủng.