VNTB – Việt Nam nhập gạo Ấn Độ và nỗi lòng người nông dân miền Tây

VNTB – Việt Nam nhập gạo Ấn Độ và nỗi lòng người nông dân miền Tây

Thới Bình

 

(VNTB) – Trong một nền kinh tế mở, xuất – nhập khẩu luôn là một bài toán cân bằng lợi ích, không thể tăng quản lý xuất khẩu mà buông lỏng nhập khẩu.

 

Góc nhìn từ thương lái thì chuyện Việt Nam nhập khẩu 1 triệu tấn gạo, đó là gạo 100% tấm, cấp thấp, có mức giá rẻ hơn dùng cho chăn nuôi, trong khi gạo 100% tấm ở Việt Nam có giá cao hơn do chất lượng hơn.

“Gạo tấm Việt Nam có giá bình quân 400 USD/tấn nên không thể dùng cho chăn nuôi được, trong khi gạo 100% tấm từ Ấn Độ có giá 300 – 320 USD/tấn thì doanh nghiệp chăn nuôi trong nước có thể mua để sản xuất” – theo giới thương lái thì đừng ngạc nhiên khi “cường quốc xuất khẩu gạo mà vẫn nhập khẩu gạo” vì gạo nhập là cấp thấp phục vụ chăn nuôi, nấu bia, làm bún… và quy định Việt Nam được nhập khẩu, đóng thuế nhập đến 40%.

Một ý kiến khác ghi nhận từ thương lái lại cho thấy mọi chuyện không đơn giản vậy. “Hiện nay, Ấn Độ cấm xuất khẩu tấm và áp thuế xuất khẩu đối với gạo 25% nên lượng nhập về không nhiều. Trong tương lai, nếu Ấn Độ bỏ quy định này thì lượng hàng sẽ về rất lớn. Phân khúc gạo khô cơm để làm bột và thức ăn cho gia súc thì nông dân dư sức làm nhưng nhà nước phải có định hướng. Thị trường có sẵn, chúng ta nên tận dụng để không thua trên sân nhà” – một quan điểm khác rất đáng chú ý.

Về phía cơ quan quản lý là Bộ Công thương lại có ý kiến khá chung chung về vấn đề này. Theo đó, Bộ Công thương cho hay dù có gạo chất lượng cao hơn được dành cho xuất khẩu, nhưng trước tác động của các yếu tố khách quan và chủ quan, Việt Nam đã nhập khẩu một số loại gạo để phục vụ các nhu cầu trong nước.

Theo bộ này, việc nhập khẩu gạo quá nhiều nhưng không được quản lý, thống kê đầy đủ, kịp thời sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nước, tác động đến sản xuất lúa gạo của Việt Nam, đời sống của người nông dân và gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh lương thực.

Bộ Công thương cho rằng cần có quy định về quản lý nhập khẩu gạo để giúp cơ quan quản lý nhà nước chủ động, kịp thời điều tiết, điều hành hoạt động nhập khẩu gạo phù hợp với mục tiêu quản lý trong từng thời kỳ. Tuy nhiên bao giờ sẽ có quy định này thì chưa nghe thấy Bộ Công thương cho biết.

Với người nông dân lam lũ trên ruộng đồng thì họ có cách hiểu giản dị với hàng loạt thắc mắc rất cụ thể vầy: Gạo sản xuất trong nước dư thừa, nông dân phải bán với giá rẻ không đủ chi phí sản xuất, nhưng Bộ Công thương lại đi nhập khẩu gạo nước ngoài về, đó là cách làm khó hiểu?

Nông dân thích lập luận thì đưa ra các vấn đề thế này: Theo số liệu UN comtrade, năm 2021 Ấn Độ xuất 810 ngàn tấn gạo (HS 100630 và 100640) sang Việt Nam. Là nước xuất khẩu có thứ hạng, việc nhập một lượng lớn như vậy nên nhanh chóng xem xét để có giải pháp kiểm soát về giống lúa biến đổi gen GMO, và dư lượng thuốc trừ sâu nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Lưu ý, năm 2021, Ấn Độ đã bị EU phát hiện 500 tấn gạo biến đổi gen nhập vào thị trường của EU.

Một lo lắng khác là việc kiểm soát cần thiết đối với gạo nhập khẩu lúc này, xin đừng để doanh nghiệp mua gạo giá rẻ từ Ấn Độ rồi thay bao bì thành gạo Việt Nam để xuất khẩu. Điều này sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu gạo Việt Nam mà cả ngành đã xây dựng trong nhiều năm. Việc chống gian lận xuất xứ phải được lưu tâm khi lượng gạo nhập khẩu gia tăng.

Khi được hỏi về việc Việt Nam nhập khẩu gần 1 triệu tấn gạo vào năm 2021, nông dân Lê Thanh Phong, ngụ xã Huyền Hội, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, tỏ ra rất bất ngờ. Ông nói: “Hằng năm sản lượng thu hoạch lúa của nước ta khoảng 42 – 43 triệu tấn, tương đương khoảng 21 – 21,5 triệu tấn gạo, trong đó dành cho xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn.

Như vậy, còn khoảng 15 triệu tấn gạo dùng cho tiêu dùng của người dân, phục vụ chế biến và chăn nuôi. Hơn nữa, những năm gần đây, nông dân tiếp cận được khoa học – công nghệ, khoa học kỹ thuật, gieo sạ giống chất lượng cao, sản xuất theo tiêu chuẩn nên dù diện tích lúa giảm nhưng năng suất rất cao. Tôi nghĩ với sản lượng gạo như vậy đã đáp ứng được nhu cầu nội địa”…


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)