Việt Nam Thời Báo

VNTB – Việt Nam vẫn mở cửa dù dịch đang đe dọa

Lynn Huỳnh

 

(VNTB) – Việt Nam vẫn chọn  mở cửa hầu hết các hoạt động kinh tế, xã hội, không còn cảnh dựng hàng rào, lô-cốt để chặn việc đi lại của dân chúng như thời gian dài trước đó.

 

Kể từ đầu dịch đến ngày 6-11, Việt Nam có 961.038 ca nhiễm, đứng thứ 38/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ với bình quân cứ 1 triệu người có 9.756 ca nhiễm.

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 6.349 ca/ngày. Mặc dù tình hình ca nhiễm như vậy song Việt Nam vẫn mở cửa hầu hết các hoạt động kinh tế, xã hội, không còn cảnh dựng hàng rào, lô-cốt để chặn việc đi lại của dân chúng như thời gian dài trước đó.

Với tỉnh Sóc Trăng, sau mấy ngày liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới dao động ở mức gần 300 ca, tỷ lệ dân số chích ngừa ít nhất 1 mũi trên 87%, và 2 mũi là 17%, đã chọn giải pháp là tầm soát qua xét nghiệm Covid và vẫn tiếp tục bảo đảm các hoạt động kinh tế, chính trị ở địa phương.

Chiều tối 6-11, ông Trần Văn Lâu – chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng – đã ký công văn về việc tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Theo đó, để đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm dịch Covid-19 từ bên ngoài làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, đơn vị trên địa bàn, chủ tịch tỉnh này yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, mặt trận, hội, đoàn thể, cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức xét nghiệm SARS-Cov-2 bằng test nhanh kháng nguyên đối với tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang làm việc thuộc thẩm quyền quản lý để chủ động tầm soát, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch Covid-19.

Thời gian thực hiện hai tuần, bắt đầu từ ngày 8-11. Số lần xét nghiệm 3 ngày/lần.

Tương tự, tỉnh Vĩnh Long đã thành lập hơn 220 tổ, với gần 450 nhân viên y tế thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng tại tất cả các địa phương trong tỉnh, với dự kiến lấy 800.000 mẫu. Riêng tại thành phố Vĩnh Long, có 93 đội thực hiện lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho 100% dân số cộng đồng trong ngày 6 và 7-11.

Tây nguyên cũng chọn việc vẫn mở cửa nhiều hoạt động, mặc dù ca nhiễm Covid đang tăng.

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), trong ngày đầu tiên triển khai test nhanh diện rộng, lực lượng y tế đã phát hiện 49 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Theo kế hoạch của UBND thành phố Buôn Ma Thuột, ngày 6-11, lực lượng y tế đã triển khai test nhanh tại 5 xã, phường đầu tiên gồm Ea Tam, Tân Tiến, Cư Ê bur, Tự An, Tân Lợi. Qua sàng lọc, đến 17 giờ ngày 6-11 đã phát hiện 37 trường hợp có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính với SARS-CoV-2.

Đồng thời, trong ngày, qua xét nghiệm sàng lọc tại trạm y tế xã Hòa Xuân, Hòa Thuận và phường Tân Lập, lực lượng y tế phát hiện thêm 12 trường hợp có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, xã Hòa Xuân ghi nhận 8 trường hợp, xã Hòa Thuận 2 trường hợp và phường Tân Lập 2 trường hợp.

Tính đến chiều ngày 6-11, tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận tổng cộng 4.931 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó có 2.500 trường hợp đang điều trị, 2.403 bệnh nhân đã được điều trị khỏi và 28 trường hợp tử vong.

Rất nhanh, ngày 6-11, đoàn công tác của bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) gồm các bác sĩ, điều dưỡng do ông Nguyễn Quốc Thái – Phó trưởng khoa cấp cứu, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới thuộc bệnh viện Bạch Mai – làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo, đội ngũ y bác sĩ bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quốc Thái cho biết, đoàn công tác bệnh viện Bạch Mai sẽ hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật ECMO đối với đội ngũ y bác sĩ bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Ông còn cho biết thêm, để thực hiện chuyển giao kỹ thuật ECMO, bệnh viện Bạch Mai đã cử đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng có kinh nghiệm chống dịch đến Đắk Lắk lần này. Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, các chuyên gia sẽ hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật ECMO để các cán bộ bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên sử dụng thành thạo.

Còn theo ý kiến của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, người tham gia trực tiếp điều hành bệnh viện dã chiến lớn nhất Việt Nam đặt tại tỉnh Bình Dương (bệnh viện hiện đã dừng hoạt động), thì “Có khả năng dịch có thể bùng phát ở diện nhỏ với tỷ lệ người mắc bị nặng sau khi tiêm chiếm tỷ lệ thấp, tôi nghĩ sẽ không quá lo ngại. Thậm chí, có những trường hợp mắc sau tiêm phòng vắc xin chỉ nhẹ như  bị cảm cúm thông thường.

Nhưng ngược lại, khi dịch bùng phát với số lượng cực lớn sẽ gây ra quá tải y tế. Để dịch không bùng phát lớn, ý thức của mỗi người dân tuân thủ 5K là rất quan trọng. Đặc biệt, chúng ta cần phải có một hệ thống theo dõi dịch khoa học, lâu dài. Chính quyền địa phương cần phải chú ý tới y tế hơn, cần phải nâng cao năng lực y tế cơ sở từ cấp tỉnh/thành phố đến cấp huyện thậm chí là phải tới cấp xã. Cần phải có quy trình theo dõi, xử lý khi dịch bùng phát nhỏ lẻ, không để dịch bùng lớn như ở TPHCM hay vùng Đông Nam Bộ…”.


Tin bài liên quan:

VNTB – Day mặt đặt tên Siêu Vi Trung Cộng.

Phan Thanh Hung

VNTB – Nếu vì đi bầu cử mà bị lây Covid, ai chịu trách nhiệm?

Phan Thanh Hung

VNTB – Trăm dâu đổ đầu tằm

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo