Việt Nam Thời Báo

VNTB – Vinhomes dự chi 13.000 tỷ mua cổ phiếu quỹ: Trò “lùa gà” của Vingroup

 Son Tran

 

(VNTB) – Ông Vượng bắt buộc phải tìm cách chém gió để thổi giá cổ phiếu VHM lên và không thể để cho sự thật VinGroup đang lỗ nặng hay cổ phiếu VHM rớt giá liên tục như vậy được.

 

#Vinhomes (VHM) vừa công bố kế hoạch dự chi hơn 13.000 tỷ để mua 370 triệu cổ phiếu VHM, tương đương 8.7% lượng CP lưu hành để làm CP quỹ với lý do là giá cổ phiếu VHM đang thấp nên “thao tác” sẽ có lợi cho cổ đông. Sự thật, ông Vượng có bỏ ra số tiền lớn như vậy để làm lợi cho cổ đông như thông cáo báo chí không? Câu trả lời là: KHÔNG!

Đầu tiên, về hiệu ứng, mua CP quỹ thành công, thì Thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS – Earning per Share) của công ty #Vinhomes sẽ tăng lên do lượng cổ phiếu VHM lưu hành sẽ giảm xuống. Lí do, theo luật chứng khoán mới, lượng CP quỹ sau khi mua sẽ phải hủy niêm yết. Do đó, giá trị CP VHM sẽ mặc nhiên tăng lên.

Nhưng, đấy là khi Vinhomes mua cổ phiếu quỹ thành công và đủ số lượng như tuyên bố. Còn nếu như ông Vượng sau vài ngày, một tháng tuyên bố kế hoạch mua thất bại hoặc chỉ mua được một lượng nhỏ cổ phiếu VHM thì tất cả sẽ là những con gà bị ông Vượng vặt lông.

Thử nghĩ xem, “lượng tiền & tương đương tiền” của Vinhomes tính tới nửa đầu năm 2024 là còn hơn 17.000 tỷ đồng. Nên chắc chắn rằng sẽ không có chuyện ông Vượng xì số tiền hơn 13.000 tỷ gần bằng lượng tiền mặt của Vinhomes chỉ để làm lợi ít ỏi cho cổ đông. Cho nên, cái lý do mua CP quỹ làm lợi cho cổ đông như Vinhomes công bố chả khác nào một trò hề mà ông Vượng viết ra cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ làm nạn nhân bất đắt dĩ.

Và lý do thứ hai còn “bật ngửa” hơn là Vinhomes đang dùng rất nhiều cổ phiếu VHM để thế chấp vay tiền.

Báo cáo giữa năm 2024 của Vinhomes cho thấy đã có hơn 35.000 tỷ đồng là các khoản vay “được đảm bảo bằng một số cổ phần của một số công ty trong Tập đoàn, quyền tài sản từ một phần của dự án, một số tài sản…”

Có thể không phải là tất cả, nhưng khả năng lớn là cổ phiếu VHM nằm trong nhóm những tài sản đảm bảo cho các khoản vay. Vì hiện nay, trừ Vincom Retail về danh nghĩa là đã bán một phần cho Techcombank thì trong hệ sinh thái VinGroup còn mảng nào đem lại lợi nhuận tốt hơn Vinhomes đâu. Không lẽ, lấy VFS của VinFast ra làm tài sản đảm bảo?!

Cho nên, khi giá trị tài sản đảm bảo càng ngày càng giảm như cổ phiếu VHM thì nguy cơ số cổ phiếu được thế chấp sẽ bị thanh lý hàng loạt càng cao. Và đó sẽ như là một hiệu ứng domino vỡ trận cho các khoản vay và hạn mức tín dụng của tập đoàn này.

Vì lẽ đó, ông Vượng bắt buộc phải tìm cách chém gió để thổi giá cổ phiếu VHM lên và không thể để cho sự thật VinGroup đang lỗ chổng vó hay cổ phiếu VHM rớt giá liên tục như vậy được.

 

Vingroup “xào nấu sổ sách” như thế nào? 

Có một thực tế rằng, nửa đầu năm 2024, VinGroup đã lỗ trước thuế lên tới hơn 7.900 tỷ đồng với khoản lỗ lớn nhất tất nhiên vẫn là VinFast với hơn 18.800 tỷ đồng, ngoài ra còn VinPearl đang chuẩn bị IPO cũng lỗ hơn 1.300 tỷ và Vinmec lỗ hơn 519 tỷ đồng.

Tính tới nửa đầu năm 2024, VinGroup lỗ trước thuế lên tới 7.934 tỷ đồng (cột cuối).

Nhưng cuối cùng VinGroup vẫn có “Tổng lợi nhuận trước thuế” là hơn 6.500 tỷ đồng (mã số 50). Nguyên do là vì có tới khoảng 14.500 tỷ đồng doanh thu từ các hoạt động “râu ria” như “hoạt động tài chính” (11.100 tỷ) và “thu nhập khác” (3.100 tỷ đồng).

Trong đó đáng chú ý nhất là “Doanh thu hoạt động tài chính” bao gồm các khoản:

–  Lãi tiền gửi, cho vay và các khoản đặt cọc chỉ có hơn 1.000 tỷ

–  Lãi chênh lệch tỷ giá, như #VinFast gửi USD Mỹ ở ngân hàng Mỹ trong khi đồng bạc xanh của Hoa Kỳ đã tăng xấp xỉ 5% so với đồng nội tệ Việt Nam từ đầu năm tới nay, nên khoản 5% là lợi nhuận chênh lệch tỷ giá cho VinGroup vì VinGroup quyết toán sổ sách bằng Việt Nam đồng.

–  Thu nhập tài chính khác chỉ 185 tỷ đồng. Khoản này không đáng kể.

–  Và đặc biệt khoản lợi nhuận tài chính “bất thường” và lớn nhất là “lãi từ thanh lý từ các khoản đầu tư tài chính và chuyển nhượng công ty con” tới 9.300 tỷ đồng và đây mới là khoản cần chú ý. Vậy khoản lợi nhuận từ chuyển nhượng công ty con này từ đâu?

Vào cuối Tháng Năm vừa qua, VinGroup bất ngờ bán toàn bộ công ty con là Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển NVY Việt Nam (NVY VN), công ty vỏ bọc để bán dự án dưới danh nghĩa “nhà đầu tư thứ cấp” vào Vinhomes Vũ Yên ở Hải Phòng thu về hơn 11.600 tỷ nhưng chỉ tiết lộ một bên mua là Vinhomes với 19.9% cổ phần, tương đương hơn 2.300 tỷ.

https://docs.google.com/…/1VnA2Z…/edit…

Đáng lưu ý, trước đó công ty NVY VN chỉ mới thành lập ngày 20/4, tức chỉ hơn 1 tháng và vẫn còn trong Quý 2 năm 2024 nên không bắt buộc phải khai báo giao dịch trong Báo Cáo Tài chính, nhưng các khoản phân phối dòng tiền vẫn phải ghi ra rải rác ra.

Cụ thể, do Báo cáo Tài chính Hợp nhất của VinGroup được lập theo chuẩn mực kế toán Việt Nam, các khoản tiền giao dịch nội bộ sẽ bị khấu trừ, nên khoản tiền từ Vinhomes chuyển cho VinGroup để mua NVY VN không được tính là doanh thu mà được tính là “khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị khác.” (thuyết minh 16.2).

Còn lại khoản doanh thu từ bên mua ẩn danh hơn 80% công ty NVY VN là hơn 9.300 tỷ được ghi vào phần doanh thu bán công ty con ở thuyết trình số 25.2

Như vậy, có thể thấy, ông Vượng chỉ cần làm một giao dịch bán công ty vỏ bọc của dự án Vinhomes Royal Island với một đối tác ẩn danh nào đó rồi cuối cùng vẫn toàn quyền khai thác và sở hữu dự án ở Vũ Yên, Hải Phòng này như “chưa hề có cuộc chia ly” nào cả. Tương tự như việc bán Vincom Retail mà Techcombank đứng sau và thương vụ giao dịch công ty Làng Vân năm 2023.

Nhưng nhờ giao dịch ẩn danh này đã cũng giúp ông Vượng thoát lỗ quý 2 ngoạn mục tương tự như năm 2023.

Điển hình là năm 2023, VinGroup vẫn lãi hơn 2.000 tỷ trong khi khoản lỗ VinFast hơn 57.000 tỷ đồng đã thổi bay mọi lợi nhuận của các mảng kinh doanh khác. Nguyên do là vì tập đoàn đã có khoản lợi nhuận bất thường hơn 35.700 tỷ đồng, bao gồm 15.100 tỷ đồng từ việc bán các công ty con và thanh lý một số khoản vay cũng như hơn 20.600 tỷ đồng từ ông Phạm Nhật Vượng tài trợ bơm cho VinFast. Do đó, dù lợi nhuận trước thuế năm 2023 của VinGroup là 13.700 tỷ đồng, nhưng đã phải đóng thuế tới hơn 11.700 tỷ, tương đương 85%.

Giải thích cho việc tại sao VinGroup lại đóng thuế cao tới như vậy trong khi thông thường thuế Doanh nghiệp chỉ khoảng 20% là vì tại Việt Nam, nhà nước thu thuế theo lợi nhuận các pháp nhân cụ thể, công ty con nào lời thì đóng thuế, công ty nào lỗ thì không phải đóng. Nên doanh thu từ việc “xào nấu” bán công ty vỏ bọc đã đẩy mức đóng thuế của VinGroup lên cao bất thường.

Ta đưa một ví dụ cho dễ hình dung, tập đoàn X có hai công ty con là A và B. Trong đó, công ty A có lãi trước thuế là 100 tỷ đồng, đóng thuế là 20 tỷ đồng. Còn công ty con B lỗ 60 tỷ đồng và không phải đóng thuế. Như vậy, tập đoàn X sẽ được tính lợi nhuận trước thuế là 40 tỷ đồng khi cộng lãi/lỗ của A và B. Lúc này, tập đoàn X đã phải đóng thuế tới 50% lợi nhuận trước thuế của tập đoàn.

Nửa đầu năm 2024 cũng tương tự, khi lợi nhuận trước thuế của VinGroup là 6.700 tỷ, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ có hơn 2.000 tỷ, tức VinGroup đã phải đóng thuế tới 4.700 tỷ, tương đương 70% lợi nhuận trước thuế. Lí do cũng là vì doanh thu “bán công ty” cao bất thường làm đẩy mức thuế đóng lên cao.

 

Nguyên liệu xào nấu cuối năm đã sẵn sàng 

Chưa hết, khả năng cao nửa cuối năm 2024, ông Vượng sẽ tiếp tục phải trổ tài MasterChef khi nhiều món nguyên liệu “xào nấu” đã sẵn sàng.

Cụ thể, ở cùng địa chỉ: Số 1 đường Hà Nội, Phường Thượng Lý, Quận Hồng Bàng, Thành phố Hải Phòng với công ty NVY VN, VinGroup còn có một công ty vỏ bọc khác góp vốn 80% với cái tên na ná nữa là CTCP Đầu tư NVY (không có Việt Nam). Có vẻ các doanh nhân lừa đảo thường sử dụng chiêu thức đặt tên các công ty “ma” tương tự nhau khi vụ án Quốc Cường Gia Lai của bà Loan cũng có 2 công ty tên Phú Việt Tín na ná nhau.

Đồng thời, vào đầu tháng 6 năm nay, sau khi bán Công ty NVY Việt Nam, VinGroup lại thành lập một công ty vỏ bọc khác là Công ty cổ phần VYHT với danh nghĩa là “đầu tư phát triển và khai thác VinWonder Hải Phòng” với vốn điều lệ dự kiến là 14.231,7 tỷ đồng cũng cùng địa chỉ trên.

https://docs.google.com/…/1VnA2Z…/edit…

Thực tế, ta sẽ nhận ra ngay doanh thu mảng cốt lõi Bất Động Sản của VinGroup cũng đã giảm doanh thu đi một nửa so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp quý 2 năm 2024 có mức tăng trưởng doanh thu gấp 3 lần quý 1 vì mở bán Vinhomes Vũ Yên.

Kể cả khi 110.000 tỷ doanh thu chưa ghi nhận của nửa đầu năm 2024 được thanh toán đầy đủ vào cuối năm thì vẫn là sự sụt giảm với hơn 161.000 tỷ doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ của VinGroup năm 2023.

Liệu mức sụt giảm này có gia tăng trong tương lai khi hiện nay nhiều bằng chứng lừa đảo từ Grand World, Ocean Park 1 của VinGroup đã bị bóc trần và cũng làm rất nhiều nhà đầu tư vào Vũ Yên cũng như các dự án khác đang yêu cầu VinGroup cung cấp thêm tài liệu pháp lý dự án cũng như yêu cầu rút tiền?

Ngoài ra, Vinhomes đang thực sự “gánh còng lưng” VinFast khi dòng tiền đang hoàn toàn chảy từ Vinhomes sang VinFast mà không có ngược lại.

Cụ thể, khoản chảy ra “trả trước cho người bán ngắn hạn” là 815 tỷ đồng. Nhưng các khoản “chảy vào” là “phải thu ngắn hạn” tới hơn 1.000 tỷ đồng cũng như “phải thu cho thuê dài hạn” là hơn 15.300 tỷ đồng là chưa thấy về. Điều này về lâu dài đang gây hại cho tình hình tài chính của Vinhomes và ảnh hưởng lớn tới lợi ích và quyền lợi của cổ đông.

Như vậy, có thể thấy rõ rằng thực tế, tình hình tài chính của VinGroup sau khi bóc trần nó trái ngược và tệ hại hơn thông tin truyền thông Việt Nam mô tả. Đồng thời hậu quả cho việc thực hiện thủ thuật “xào nẩu sổ sách” tài chính là VinGroup phải đóng rất nhiều thuế so với lợi nhuận. Nhưng đây là việc bắt buộc với ông Vượng vì vị tỷ phú này không thể để VinGroup lỗ như thực trạng.

Cây hỏi đặt ra bây giờ là:

– Liệu mảng bất động sản sẽ còn phải “gánh lỗ” cho mảng VinFast đến khi nào?

– Những khoản lợi nhuận từ các hoạt động tài chính “xào nấu sổ sách” kia có phải là giải pháp bền vững cho Vingroup trong dài hạn?

– Ảnh hưởng tới các cổ đông VinGroup như thế nào với tình hình tài chính càng ngày càng bết bát như hiện nay?

 

Giao dịch bất thường từ công ty Làng Vân 

Công ty CP Đầu tư và Phát triển Làng Vân (mã số thuế 0401880908) là công ty vỏ bọc để Vingroup triển khai dự án Vinpearl Làng Vân dưới chân đèo Hải Vân tại Đà Nẵng. Tính tới cuối năm 2022, tập đoàn VinGroup sở hữu 69,23% cổ phần Làng Vân gián tiếp thông qua phát triển 3 công ty khác là bất động sản Thiên Niên Kỷ, Vinhomes và Hoàng Gia.

Nhưng tới tháng 2 năm 2023 thì Vinhomes chuyển nhượng lại toàn bộ cổ phần Làng Vân cho VinGroup và đến tháng 5, VinGroup đã sở hữu toàn bộ 100% cổ phần của công ty Làng Vân. Vậy bên pháp nhân nào đã sở hữu hơn 30% ban đầu của Làng Vân rồi bán lại cho VinGroup?

Chắc chắn, ông Vượng không ngu đến mức, ban đầu bán cho một đối tác bên ngoài rồi sau đó lại chịu lỗ vung tiền mua lại. Đó chỉ có thể là một công ty vỏ bọc nằm ngoài hệ sinh thái của VinGroup và sở hữu bởi ông Vượng (như công ty VIG) hoặc thân tín như Nam An (đứng tên là Hoàng Quốc Thủy). Trường hợp của Làng Vân này khá tương tự với Công ty NVY Việt Nam ở trên.

Ông Hoàng Quốc Thủy là một trong những người sáng lập Technocom cùng Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng. Sau khi gia nhập Technocom, ông từng đảm nhận chức vụ giám đốc nhà máy mì Mivina. Ông cũng đã đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Quang Thái – từng là cổ đông lớn của Tập đoàn Vingroup. Nam An cũng công ty đứng đằng sau màn hóa phép từ khoản vay hơn 4.000 tỷ từ Techcombank cho VinFast thành một khoản doanh thu xào nấu sổ sách đã viết trong bài “VinGroup giấu mình như thế nào” trước đây.


 



Tin bài liên quan:

VNTB – Trung Quốc sẽ giống như Nhật Bản

Do Van Tien

Hơn 53.000 tỷ đồng vẫn “chôn chặt” trong bất động sản

Phan Thanh Hung

VNTB – Chuyên gia Trung Quốc chê kinh tế Việt Nam và Vinfast

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.