Phương Thảo
(VNTB) – Cái yết hầu của nước Việt đã bị siết chặt, đây chính là lúc nội các mới của ông Phúc thể hiện bản lĩnh dám sống vinh hay chịu chết nhục.
Chọn thép hay chọn cá?
Ngành xuất khẩu thủy hải sản đem về cho Việt nam năm rồi gần 6 tỷ đô la, tạo ra thu nhập và công ăn việc làm cho hàng triệu người nông dân các tỉnh vùng ven biển Việt nam. Nhà máy thép Formosa nếu sản xuất hết công suất 10,5 triệu tấn một năm với giá thép trung bình khoảng 550 đô la Mỹ một tấn thì tổng thu nhập thép cuộn nóng mang lại cho Việt nam là 5,75 tỷ đô la. Một học sinh lớp một cũng có thể nhẩm tính được ngay ra rằng thép mang lại kém lợi nhuận hơn ngành thủy sản 250 triệu đô la, tức khoảng trên dưới 5 nghìn tỷ đồng. Thế nhưng tại sao lại phải là thép mà không là cá?
Tuy đem lại xấp xỉ 6 tỷ đô la một năm cho nền kinh tế, vốn đầu tư FDI vào thủy hải sản rất èo uột, chiếm chưa tới 1% tổng vốn FDI của cả nước. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến hết năm 2013, cả nước có khoảng 70 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến, thức ăn và giống thủy sản với tổng vốn đăng ký vỏn vẹn trên 300 triệu USD. Đầu tư tư nhân trong nước vào thủy sản cũng rất thấp. Trong khi đó, nhà máy thép Formosa là dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 10,5 tỷ USD, hiện đã giải ngân khoảng 9,5 tỷ USD.
Lại làm bài toán cộng trừ nhân chia ở đây có thể nhẩm ra được vốn FDI cho Formosa hơn hẳn đầu tư hải sản 10,2 tỷ USD. Điều không nói ra mà ai cũng biết là tỷ lệ tiền lót tay cho quan chức trong con số 10,2 tỷ dĩ nhiên sẽ cao hơn gấp bao nhiêu lần tỷ lệ của 300 triệu USD. Chưa hết giai đoạn tiếp theo nhà đầu tư sẽ tiếp tục rót thêm vào 28,5 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa với món tiền dưới gần bàn cũng sẽ tăng cao lên theo tỷ lệ thuận.
Vì thế cho nên dù đã được cảnh báo là nhà máy lạc hậu, sử dụng quá nhiều năng lượng mà Đài Loan muốn tống khứ đi, chính phủ ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn làm nhắm mắt để cấp phép cho đầu tư, xây dựng cùng với một loạt các điều kiện ưu đãi khác mà không ở đâu trên thế giới có. Thêm vào đó, chính quyền Hà Tĩnh cũng hùa vào để cùng hưởng lợi khi cho Formosa được thuê đất 70 năm thay vì chỉ 50 năm.
Tới đây thì câu hỏi đã có câu trả lời, cá làm gì có cửa để mà cạnh tranh với thép cho dù đầu tư vào hải sản dù ít nhưng mang lại lợi nhuận gấp đôi.
Vật vã… hấp hối…
Vì mối lợi riêng tư và cả sự ngu dốt mà người ta đã bỏ qua đi sự cảnh báo về an ninh quốc phòng, môi sinh để cho Formosa được tự do tung hoành từ việc lập đặc khu công nghiệp, tuyển dụng công nhân Trung quốc cho đến việc làm đường xả nước thải ra biển.
Sự ngu dốt giờ đây đã được trả giá. Nhưng người lãnh đủ là dân mà không phải quan chức. Nguyễn Tấn Dũng – người ngã ngựa- đã về làm “người tử tế” sau khi nghỉ chính sách. Quan chức Hà Tĩnh ấm túi, ấm tài khoản, con cái ấm chỗ ở nước ngoài. Còn người dân từ Quảng Bình cho đến Huế phải úp thuyền, gác lưới và chờ … cứu đói. Kể cả mất mạng.
Vùng biển bị nhiễm độc có lẽ sẽ không bao giờ sẽ hồi sinh bởi nhà máy chưa đi vào hoạt động hết công suất mà cá biển đã chết hàng loạt, cả thợ lặn cũng thiệt mạng, cộng thêm cả hàng trăm người bị ngộ độc do ăn cá biển. Khi mở rộng nâng cao năng suất thì không chỉ cá, mà tất cả san hô, rong biển cũng sẽ không còn nơi sinh sống.
Cá không còn có để khai thác, hệ lụy tiếp theo là nước mắm, muối và ngành du lịch các tỉnh ven biển miền Trung cũng sẽ chết theo. Ngư dân, diêm dân, các cơ sở chế biến mắm các loại và các công ty du lịch vùng duyên hải miền Trung sẽ chỉ còn ngắm trời, hít không khí và chờ trung ương cứu trợ.
Formosa đã tuyên bố họ làm theo đúng quy trình, đúng tiêu chuẩn và chính quyền Việt nam phải chọn hoặc cá hoặc thép. Đáp lại kiểu tuyên bố ngụy biện và đầy thách thức này chính phủ mới của ông Nguyễn Xuân Phúc liệu có đủ bản lĩnh để khiếu kiện, bắt họ phải bồi thường thiệt hại, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình xử lý nước thải hay lại e họ quay qua đòi lại tiền lại quả và rút vốn đầu tư thì chỉ còn có nước bắc thang lên hỏi ông trời?
Cái yết hầu của nước Việt đã bị siết chặt, đây chính là lúc nội các mới của ông Phúc thể hiện bản lĩnh dám sống vinh hay chịu chết nhục.