Nguyễn Nam
(VNTB) – Chiều 24/4, Bộ Y tế thông tin có thêm ca mắc Covid-19, nâng số ca tại Việt Nam lên 270.
Cả 2 trường hợp mắc mới đều là du học sinh,từ Nhật Bản về Việt Nam ngày 22/4 trên chuyến bay VN311. Ngay sau nhập cảnh tại Sân bay Vân Đồn, được cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh Thái Bình. (1)
Thật ra nếu tính luôn ca vừa cho thấy nguy cơ của tái nhiễm, thì vào tối 23/4 có một ca, và tối 24/4 lại thêm một ca. Theo đó bệnh nhân 137 từ Đức về Việt Nam, được điều trị từ 25/3 tại bệnh viện do dương tính với virus corona chủng mới. Đến ngày 7/4, sau nhiều lần xét nghiệm và có 2 xét nghiệm âm tính liên tiếp, bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Bệnh nhân tiếp tục được cách ly tại bệnh viện từ ngày 7 đến 21/4. Ngày 22/4, bệnh nhân được về quê ở Yên Thành, Nghệ An. Tuy nhiên chỉ 1 ngày sau, bệnh viện yêu cầu bệnh nhân quay trở lại để kiểm tra do nghi ngờ dương tính trở lại. (2)
Ca tái nhiễm được công bố vào tối 24/4 là bệnh nhân Covid-19 thứ 36 (nữ, 64 tuổi, người giúp việc cho bệnh nhân thứ 34) dương tính trở lại trong thời gian theo dõi sức khỏe 14 ngày. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận cho biết trong thời gian theo dõi sức khỏe 14 ngày, cả 3 bệnh nhân trên đều có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần. Đến lần thứ 3 thì bệnh nhân 36 tái phát. (3)
Về nguyên nhân tái dương tính với một số bệnh nhân Covid-19 sau khi đã bình phục và có 2-6 lần xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, bác sĩ Nguyễn Thanh Bình – phó phòng kế hoạch tổng hợp bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết các trường hợp tái dương tính không phải do chất lượng xét nghiệm. Ông giải thích: khi làm xét nghiệm khẳng định tình trạng nhiễm virus là làm xét nghiệm gen. Do đó, thậm chí con virus đã chết rồi nhưng thực tế vẫn còn gen tồn tại, dẫn đến xét nghiệm giải trình tự gen cho kết quả dương tính. (4)
Để biết chính xác bệnh nhân có hay không tình trạng nhiễm virus thì phải đo tải lượng virus, nhưng hiện tại các bệnh nhân chưa thực hiện đo tải lượng virus, do đó không thể biết virus đang còn hoạt động hay không hoạt động.
“Vẫn đang rất lo, đặc biệt là càng lo hơn khi tối hôm 23/4 thấy ông tổng bí thư trên tivi phát biểu về sức mạnh của hệ thống chính trị gì đó trong chuyện corona. Tại sao lo ư? Bề trên lãnh đạo thì làm sao tỏ tường và ‘lâm sàng’ cho bằng người đang tại địa phương…” – bác sĩ chuyên khoa dịch tễ N.T.N., ở Sài Gòn nhận xét.
“Như Hoa Kỳ, người ta giao hẳn về cho thống đốc các tiểu bang có quyền quyết định vấn đề phong tỏa hay gỡ bỏ. Tổng thống chỉ có thể áp đặt trong một số trường hợp khẩn cấp, nhưng đa số phải phù hợp với từng bang. Mỗi bang có hình thái khác nhau, vì vậy trong vấn đề phong tỏa, cách ly thực sự không thể trông chờ một phương án thống nhất, giống nhau cho cả nước được. Nó phải tuân thủ nguyên tắc nơi nào đang có dịch diễn tiến, tốc độ lây lan nhiều thì cần thiết phải thực hiện giãn cách xã hội tốt nhất, nơi nào ít hơn thì giảm bớt” – phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Bùi Quang Vinh, Đại học Y Dược TP.HCM, nhận xét.
Ở Việt Nam thì quyền quyết định lại thuộc về… đảng cấp trên. Ông chủ tịch tỉnh/ thành phố muốn quyết định điều gì thì phải ngó chừng sắc mặt của ông bí thư tỉnh ủy/ thành ủy.
Bác sĩ Bùi Quang Vinh nói rằng tại châu Âu, trung bình sau ba tuần cách ly xã hội, dịch Covid-19 đã đi ngang và thêm một tuần nữa thì bắt đầu đi xuống… dù rằng mức độ giảm không nhiều. Số ca mắc giảm 20-30%, tốt như Ý được 50%. Số tử vong có mức độ giảm chậm hơn nữa, chỉ 2/3, không nhiều như giới khoa học hình dung. Và một khi đã giảm bớt cách ly xã hội, phải tập trung kiểm soát tốt ba yếu tố còn lại là thời tiết, xét nghiệm và miễn dịch cộng đồng.
“Thời tiết – xét nghiệm – miễn dịch cộng đồng”, cả 3 yếu tố này xem ra có thể ít nhiều trụ vững ở Sài Gòn, nhưng với nhiều địa phương khác thì đến nay vẫn chưa lấy gì đảm bảo, mặc dù những nơi ấy cũng có ban bệ của hệ thống chính trị không thua kém gì với TP.HCM.
“Ông có nghĩ, đến nay chúng ta vẫn chưa có ca tử vong là một điểm son của y tế Việt Nam?” – câu hỏi nêu với bác sĩ Bùi Quang Vinh
“Yếu tố ảnh hưởng tử vong khác nhau, đặc biệt kinh nghiệm của Việt Nam cho thấy có những ca rất nặng phải thở máy, sau đó phải trợ tim phổi tuần hoàn ngoài cơ thể để hồi sức tích cực. Chúng ta có thể cứu sống được bệnh nhân Covid-19 nặng, nhưng phải thấy yếu tố quyết định ở đây là gì? Do bệnh nhân đã được chữa trị bởi các bác sĩ đầu ngành, được hội chẩn liên viện từ Nam chí Bắc, điều kiện chăm sóc tốt với đủ trang thiết bị cho phép phát hiện nhanh những chuyển biến xấu, xử trí nâng đỡ kịp thời cho người bệnh.
Từ đây phải thấy vấn đề rất căn bản, số ca mắc thấp, dẫn đến số ca nặng ít thì hệ thống y tế mới đáp ứng nổi. Qua đây, chỉ có thể thấy đó là hoa trái của triết lý chống dịch mà Chính phủ theo đuổi” – bác sĩ Bùi Quang Vinh, biện giải.
Dự kiến vào ngày 27/4, phi trường Tân Sơn Nhất sẽ có 300 người từ Mỹ về. (5)
_______________
Chú thích
(1) https://tuoitre.vn/sau-8-ngay-viet-nam-ghi-nhan-2-ca-benh-covid-19-moi-20200424181632836.htm
(3) https://thanhnien.vn/thoi-su/benh-nhan-nhiem-covid-19-thu-36-lai-duong-tinh-1215554.html
(4) https://tuoitre.vn/benh-nhan-covid-19-thu-36-o-binh-thuan-duong-tinh-tro-lai-20200424203129637.htm