Thiền Lâm
(VNTB) – Cứ sau một thời gian ồn ào và sau khi đã dàn xếp được lợi ích lẫn quyền lực giữa các nhóm trong nội bộ, vụ việc bỗng nhiên lắng đi theo đúng cách nó đột ngột bùng lên trước đó, để lại một giai tầng lão thành cách mạng ngơ ngác không hiểu do đâu mà đảng bất chợt giữ “quyền im lặng”.
Nếu tình hình diễn biến theo đà thuận lợi cho cơ quan điều tra Yên Bái, sẽ có hàng loạt nhà báo khác bị dính với Lê Duy Phong – từng được xem là “nhà báo đấu tranh chống tiêu cực”. Và nếu vụ nhà báo vừa bị rút thẻ Lê Duy Phong bị điều tra ra tấm ra món, đây sẽ là một món quà đặc biệt có ý nghĩa để kỷ niệm “Ngày báo chí cách mạng Việt Nam” chỉ mới trôi qua không lâu.
Tiếp nối “thành tích” của năm 2016, vào năm nay miền “đất dữ” Yên Bái dường như lại sôi sục những trò đâm lém sau lưng.
Việc báo Giáo Dục Việt Nam phanh phui biệt phủ của giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này – em ruột của bà bí thư tỉnh ủy – đã có tác dụng khiến một số cán bộ lão thành cảm thấy “tin yêu đảng hơn”.
Nhưng nếu quả đúng như một số dư luận, xét trên những dấu hiệu lộ rõ mồn một, cho rằng Lê Duy Phong bị “gài”, để sau đó chính Bộ Công an tuyên ngôn là Phong nhận hối lộ từ giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái, có thể thấy rằng vụ Yên Bái – Lê Duy Phong đã bị đẩy đi xa hơn nhiều.
Giờ đây, không ít người quan sát cho rằng sau vụ “cả ba bị bắn” ở Yên Bái vào quý 3 năm ngoái, vừa có một thế lực chính trị muốn trả đũa bà Phạm Thị Thanh Trà – bí thư tỉnh ủy Yên Bái. Bà Trà – được Bộ Chính trị đột ngột cất nhắc để trám vào chỗ trống từ cái chết của bí thư tỉnh ủy cũ, có lẽ đã khiến không ít kẻ ganh ghét, tị hiềm, và một thế lực chính trị nào đó không hề hài lòng. Không quá khó hiểu khi vụ biệt phủ Yên Bái được xới tung lên để Tổng bí thư Trọng không thể nhắm mắt bỏ qua.
Nhưng sau đó, một thế lực chính trị khác đã “phản pháo”. Lê Duy Phong phải nhận tội, còn giám đốc kế hoạch đầu tư bị cho rằng “bị thí” và nhiều khả năng sẽ phải rời cái ghế quyền – tiền, thậm chí còn có thể phải ra tòa nếu cuộc chiến được đẩy lên đến đẳng cấp “trâu bò húc nhau”.
Thực ra, nếu Lê Duy Phong có thực hiện cú làm ăn riêng ngoài tầm kiểm soát của báo Giáo Dục Việt Nam, đó cũng không phải chuyện lạ. Cả quá khứ lẫn hiện tại của “một bộ phận không nhỏ” nhà báo có thẻ, không thẻ đã hòa tan cùng “một bộ phận không nhỏ” quan chức chính quyền trong suốt sự nghiệp hành hạ làm tiền doanh nghiệp và người dân.
Những năm sau này, một số nhà báo không chỉ làm tiền thiên hạ mà còn biết cách đón gió để phục vụ các nhóm lợi ích và quyền lực, tự nguyện tham gia vào những cuộc chiến sống mái tranh giành quyền lực, lập ra những đội nhóm và các trang mạng xã hội để “sống chết với nhau”. Vào thời buổi nhiều doanh nghiệp khan hiếm tiền mặt, âu đó cũng là một phát minh làm ăn mới mẻ và tạo ra không ít thù lao.
Đó cũng là hậu quả tất yếu của một nền chính trị độc đảng, độc tài và độc đoán, chỉ có lợi cho các nhóm lợi ích và nhóm thân hữu quan chức lợi dụng chính sách công nhằm trục lợi.
Duy có điều, quá nhiều tờ báo nhà nước đã đổ xô làm tin bài vụ Yên Bái – Lê Duy Phong, trong lúc quá hiếm tờ báo và nhà báo đưa tin, dù chỉ một mẩu tin ngắn, về vụ người dân Đồng Tâm vùng dậy phản kháng chính quyền.
Xét cho cùng, những vụ việc như Yên Bái – Lê Duy Phong chẳng có lợi gì cho dân cho nước. Cứ sau một thời gian ồn ào và sau khi đã dàn xếp được lợi ích lẫn quyền lực giữa các nhóm trong nội bộ, vụ việc bỗng nhiên lắng đi theo đúng cách nó đột ngột bùng lên trước đó, để lại một giai tầng lão thành cách mạng ngơ ngác không hiểu do đâu mà đảng bất chợt giữ “quyền im lặng”.