VNTB – Quyền tự do công đoàn trong bộ luật lao động ở Việt Nam?

VNTB – Quyền tự do công đoàn trong bộ luật lao động ở Việt Nam?

 

Trần Dzạ Dzũng

(VNTB) – Đây là câu hỏi đặt ra trong một hội luận trực tuyến mới đây của đài BBC Anh Quốc. Có lẽ nếu không vướng vòng lao lý thì nhà báo Phạm Chí Dũng là khách mời quen thuộc của những chương trình thường kỳ hàng tuần này.

Hôm 05/12/2019, từ Paris, nhà báo Tường An – người từng tham gia tổ chức Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, trong khi bình luận về thực hư của việc quyền tự do công đoàn ở Việt Nam, đã cho rằng nhà nước và chính quyền Việt Nam có thể đã chịu một áp lực nào đó, mà không đương nhiên tự ‘công nhận các quyền’ liên quan đến thiết chế thuộc xã hội dân sự đó:

Rõ ràng là có một áp lực, Việt Nam không đương nhiên mà công nhận những quyền này, hoặc là cũng không đương nhiên sửa đổi luật lao động. Những câu hỏi đặt ra thực hư như thế nào, thì sau khi bộ luật lao động với 17 chương và 220 điều được thông qua, thì tôi thấy rất nhiều báo đài đã lên tiếng ca ngợi là Việt Nam đã có ‘công đoàn độc lập’.

Ngay cả tờ Le Courrier du Vietnam, tức là một tờ báo Tin Việt Nam bằng Tiếng Pháp cũng đã trích lời của Mỹ nói rằng Mỹ đã rất vui mừng và hoan nghênh việc Việt Nam thành lập công đoàn độc lập và cho đó là một sự thay đổi lịch sử trong luật lao động của Việt Nam.

Nhưng mà chúng ta đọc kỹ 220 điều đó và nhất là chương 13 là chương thành lập các tổ chức đại diện cho người lao động, chúng ta không tìm thấy một chữ nào nói lên tính độc lập. Nó không có chữ độc lập và nó cũng không nói lên tính độc lập của cái gọi là tổ chức đại diện người lao động này”. Nhà báo Tường An nhận xét.

Theo một quan sát từ báo chí Việt Nam, ngay thời điểm 20/11/2019 khi Quốc hội Việt Nam biểu quyết thông qua Bộ Luật lao động sửa đổi, trên hầu hết các tờ báo tại Việt Nam có dòng tin như vầy: “Quy định thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp không thuộc tổ chức Công đoàn Việt Nam nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động trong quan hệ lao động, phù hợp với các Công ước của ILO, các cam kết quốc tế khác và tạo thuận lợi trong quá trình hội nhập quốc tế”.

Đó là đoạn trích trong báo cáo trình bày trước Quốc hội của bà Nguyễn Thúy Anh – Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Cụm từ “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp không thuộc tổ chức Công đoàn Việt Nam” có giá trị pháp lý thế nào? Các tổ chức đại diện người lao động và tổ chức đại diện người sử dụng lao động ‘không thuộc tổ chức Công đoàn Việt Nam’, liệu có bình đẳng trong đối thoại, thương lượng, xây dựng quan hệ lao động giống như tổ chức gọi là ‘Công đoàn Việt Nam’?

Nếu như “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp không thuộc tổ chức Công đoàn Việt Nam”, có nghĩa các tổ chức này không chịu sự điều chỉnh của Luật Công đoàn, mà có thể là phải chờ đến khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn việc tham gia Công ước 87 của ILO về quyền tự do hiệp hội?.

Như vậy, phải chăng cụm từ ‘tổ chức đại diện của người lao động’ mà Bộ Luật lao động vừa thông qua đề cập đến sẽ hàm ý là một khi không thuộc hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thì cũng không có vị thế và chức năng chính trị – xã hội, mà chỉ giới hạn ở việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong phạm vi quan hệ lao động tối thiểu nào đó?.

Một tài liệu mà Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phát hành hôm 21/11/2019 dưới dạng Brochure (https://www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/—asia/—ro-bangkok/—ilo-hanoi/documents/publication/wcms_700943.pdf), về ‘những điểm nổi bật về những thay đổi trong Bộ Luật lao động sửa đổi thông qua vào ngày 20/11/2019’, ghi: “Người lao động tại doanh nghiệp có quyền được thành lập hoặc gia nhập tổ chức đại diện cho người lao động theo sự lựa chọn của họ”.

Xem ra vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng cho quyền tự do công đoàn trong bộ luật lao động ở Việt Nam phiên bản 2019.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)