VNTB – Ông Nguyễn Đức Chung bị đình chỉ công tác 90 ngày theo yêu cầu của Bộ Chính trị?

VNTB – Ông Nguyễn Đức Chung bị đình chỉ công tác 90 ngày theo yêu cầu của Bộ Chính trị?

Hoài Nguyễn

Nếu căn cứ theo pháp luật hiện hành, trong trường hợp của cán bộ Nguyễn Đức Chung, có lẽ thời hạn 90 ngày là từ ý kiến Bộ Chính trị.

Ông Nguyễn Đức Chung bị đình chỉ công tác trong thời gian 90 ngày, theo Quyết định số 1223 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, là căn cứ theo các viện dẫn sau đây: Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Cán bộ; công chức, Luật Phòng, chống tham nhũng; Ý kiến của Bộ Chính trị.

Thủ tướng ‘quá tay’?

Luật sư Nguyễn Danh Huế nói rằng có các lưu ý như sau về mặt luật pháp.

Một. Mặc dù đã bị Thủ tướng ký quyết định tạm đình chỉ công tác, nhưng theo Luật Cán bộ, công chức thì ông Nguyễn Đức Chung vẫn được hưởng lương trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác. Như vậy, ít nhất trong 30 ngày tới, tuy không phải đi làm nhưng ông Chung vẫn hưởng lương.

Hai. Ông Chung có thể viết đơn khiếu nại quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông của Thủ tướng, thậm chí khởi kiện ngay quyết định này, bởi lẽ ông Chung là công chức, bị điều chỉnh bởi Luật Cán bộ, công chức, mà theo luật này thì thời hạn tạm đình chỉ công tác chỉ là 15 ngày, trường hợp cần thiết có thể kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 15 ngày. Như vậy, tổng thời gian tạm đình chỉ công tác đối với công chức tối đa chỉ là 30 ngày. Việc tạm đình chỉ công tác ông Chung 90 ngày là không đúng quy định của Luật Cán bộ, công chức.

“Điều 81. Tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ, công chức

1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý cán bộ, công chức có thể ra quyết định tạm đình chỉ công tác trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, nếu để cán bộ, công chức đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý. Thời hạn tạm đình chỉ công tác không quá 15 ngày, trường hợp cần thiết có thể kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 15 ngày; nếu cán bộ, công chức bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử thì thời gian tạm giữ, tạm giam được tính là thời gian nghỉ việc có lý do; hết thời hạn tạm đình chỉ công tác nếu cán bộ, công chức không bị xử lý kỷ luật thì được tiếp tục bố trí làm việc ở vị trí cũ.

2. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, cán bộ, công chức được hưởng lương theo quy định của Chính phủ”.

Tuy nhiên, theo góc nhìn của luật sư Trần Thành, rất có thể ở đây các ‘thầy dùi’ của Bộ Nội vụ đã ‘vận dụng’ Điều 5.1 của Luật Cán bộ, công chức: “Điều 5. Các nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức: 1. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước”.

Yêu cầu của Điều 5.1 thể hiện rõ ở phần viện dẫn căn cứ của Quyết định số 1223 nói trên: “Căn cứ ý kiến của Bộ Chính trị tại Công văn số 1762-CV/VPTW ngày 10 tháng 8 năm 2020 của Văn phòng Trung ương Đảng”.

Tình huống của ‘xung đột pháp lý’?

Trong một lập luận pháp lý khác liên quan đến Quyết định số 1223/QĐ-TTg ngày 11/08/2020 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thì ở đây có dấu hiệu của ‘xung đột pháp luật’.

Nếu áp dụng pháp luật chuyên ngành là Luật Phòng, chống tham nhũng, ở Điều 47 của Nghị định 59/2019/NĐ-CP, hướng dẫn Luật Phòng, chống tham nhũng, có ghi về thời hạn tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác như sau:

“Thời hạn tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác là 90 ngày, kể từ ngày ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác”.

Tuy nhiên để thực thi Điều 47, thì cần phải thỏa mãn các yêu cầu của Điều 43, Nghị định 59/2019/NĐ-CP, cụ thể như sau:

“Điều 43. Căn cứ ra quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác

1. Việc quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với người có chức vụ, quyền hạn chỉ được thực hiện khi có căn cứ cho rằng người đó có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng và có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý nếu vẫn tiếp tục làm việc.

2. Căn cứ cho rằng người có chức vụ, quyền hạn có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có văn bản yêu cầu của Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân;

b) Qua xác minh, làm rõ nội dung theo đơn tố cáo phát hiện người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng;

c) Qua công tác tự kiểm tra trong cơ quan, tổ chức, đơn vị phát hiện người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng;

d) Qua công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành phát hiện người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

3. Người có chức vụ, quyền hạn được coi là có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi người đó có một trong các hành vi sau đây:

a) Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu hoặc cung cấp thông tin, tài liệu không đầy đủ, sai sự thật;

b) Cố ý trì hoãn, trốn tránh không thực hiện yêu cầu của người có thẩm quyền trong quá trình xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng;

c) Tự ý tháo gỡ niêm phong tài liệu, tiêu hủy thông tin, tài liệu, chứng cứ; tẩu tán tài sản có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, ảnh hưởng của mình, của người khác hoặc dùng hình thức khác để che giấu hành vi vi phạm pháp luật, gây khó khăn cho việc xác minh, làm rõ”.

Tất cả đều phù hợp Hiến định

Các phân tích ở trên cho thấy pháp luật ở Việt Nam lúc vận dụng, nhiều khi ‘xung đột pháp lý’, nên người ta phải ‘vận dụng’ đến thể loại văn bản dưới luật là nghị định, có nghĩa là văn bản hướng dẫn to hơn luật, và đây dần là tập quán áp dụng pháp luật tại Việt Nam.

Tóm lại, từ các nhìn nhận như trên, nếu chiếu theo Hiến định tại Điều 4.2 “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”, thì việc “tạm đình chỉ công tác” đối với ông Nguyễn Đức Chung xem ra chỉ trúng ở mỗi một viện dẫn làm căn cứ ban hành Quyết định số 1223/QĐ-TTg ngày 11/08/2020 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, là “Căn cứ ý kiến của Bộ Chính trị tại Công văn số 1762-CV/VPTW ngày 10 tháng 8 năm 2020 của Văn phòng Trung ương Đảng”.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Trần VIệt Hùng 4 years

    Nhà báo trong mấy năm qua thường bị chửi là lều báo là chuẩn. QĐ tạm đình chỉ công tác ông CHung căn cứ vào 3 luật chính gồm:
    – Luật Tổ chức Chính Phủ
    – Luật cán bộ, công chức
    – Luật phòng chống tham những.
    Thời gian tạm đình chỉ công tác đối với ông CHung được xác định trên cơ sở múc độ của hành vi sai phạm do thủ tướng chính phủ quyết định. Thời hạn tạm đình chỉ áp dụng Điều 47 của Nghị định 59/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành LUẬT PHÒNG CHỐNG THAM NHỮNG.
    Biết là đầu óc ad hạn chế nhưng trước khi đăng tin của một ông lều báo thì ad cũng nên kiểm tra thông tin. Việc kiểm trả thông tin thì mình nghĩ ko cần phải có đầu óc vì đây là việc chân tay.
    Thông tin là đa chiều nhưng cần có dẫn chứng cụ thể. Bạn đọc dù thù ghét chế độ nhưng đừng để một số thành phần lợi dụng dắt mũi.