Việt Nam Thời Báo

VNTB – Ai được quyền phán xét về ‘tin giả’?

Nguyễn Nam

(VNT B) – Ngày 03 tháng 02 năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Hiệu lực thi hành từ ngày 15-4-2020.

Rộng đường dư luận, xin được ghi nhận ý kiến của giảng viên khoa Luật, trường Đại học Quốc gia Hà Nội, thầy Ngô Huy Cương.

“Ngay sau Điều 1 nói về chủ quyền quốc gia, Điều 2, khoản 1 của Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Như vậy xây dựng Nhà nước pháp quyền là một vấn đề có vị trí quan trọng đứng thứ hai ở đất nước chúng ta chỉ sau chủ quyền quốc gia.

Tôi hoàn toàn đồng ý về mặt chủ trương chấn chỉnh an ninh, trật tự và an toàn xã hội trong thời điểm hiện nay. Và tôi cũng cho rằng chúng ta đang làm khá tốt và khá “tinh tế” nhân dịp toàn dân phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Tuy nhiên tôi thấy nếu chúng ta không luôn luôn xem xét những việc làm của chúng ta từ nguyên tắc Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thì đó là một điều đáng tiếc mà có thể gây tổn hại tới nền tảng của chế độ, lợi bất cập hại (nếu chúng ta nhìn sâu, nhìn rộng và nhìn xa).

Tôi là người ủng hộ nhiệt thành cho việc phạt nghiêm khắc đối với hành vi tham gia giao thông mà có sự ảnh hưởng của bia rượu. Thực tế việc phạt này đã có tác dụng thay đổi thói quen xấu của nhiều người. Song nếu vì tác dụng đó mà chúng ta nhân rộng việc phạt nặng ra đối với các hành vi khác trong khi không tính đến nguyên tắc Nhà nước pháp quyền thì có thể trở thành vấn đề xã hội đáng lưu tâm.

Chẳng hạn khi phạt việc đưa tin giả và lan truyền tin giả trên mạng xã hội thì buộc chúng ta phải chứng minh, có nghĩa là người tiến hành phạt phải chứng minh rằng tin được đưa ra trên mạng xã hội là tin giả và người đưa hay lan truyền tin có ý thức đưa hoặc lan truyền tin giả.

Chứng minh như vậy chỉ đáng tin cậy khi được tiến hành theo một trình tự, thủ tục được thiết lập khoa học, tỷ mỉ, khách quan và chính đáng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và người dân có thể tiếp cận được bởi Nhà nước pháp quyền có một hạt nhân quan trọng là Nhà nước phải bị ràng buộc bởi pháp luật vì tự do của cá nhân con người.

Mức phạt của chúng ta bây giờ đối với các vi phạm hành chính là rất cao so với thu nhập trung bình của người dân.

Lập luận phạt cao là đúng rồi nhưng nếu không muốn phạt thì đừng vi phạm là một lập luận một chiều, không bàn tới ở đây. Song với mức phạt cao như vậy và với những vi phạm trong lĩnh vực phức tạp (bưu chính, viễn thông), nếu chúng ta không có trình tự, thủ tục xử phạt như trên đã nói thì có thể dẫn đến phạt không đúng người, không đúng vi phạm, tùy tiện, ít tác dụng giáo dục và người dân không phục.

Hơn nữa, việc xử phạt như vậy không có điều kiện để tổng kết nguyên nhân của vi phạm nhằm thiết lập các giải pháp phòng chống tốt hơn, quản lý nhà nước tốt hơn.

Thực tế nhiều trường hợp người bị nghi vi phạm đã bị tung giấy gọi lên trên mạng xã hội và bị quay phim, chụp hình và bị rủa xả trên mạng xã hội như thể bị đấu tố. Như vậy tác dụng tốt của phạt đã mất đi và vô tình cổ súy cho những lệch lạc hơn trên mạng xã hội. Cần phải xem kỹ lại về vấn đề quyền con người ở đây theo tinh thần của Chương 2, Hiến pháp năm 2013.

Trong Nhà nước pháp quyền, tư pháp có vị trí cực kỳ quan trọng. Nó được xem như một phương thức quản trị quốc gia hiện đại. Vì vậy những hành vi vi phạm ở một mức nào đấy hay với những hành vi vi phạm cụ thể nào đấy phải được xử phạt tại tòa án, nơi qui trình chứng minh được thực hiện minh bạch, rõ ràng và mọi người có thể tiếp cận được, đồng thời tác dụng xã hội lớn.

Chúng ta nên học tập kinh nghiệm nước ngoài trong việc tiến hành thủ tục phạt vi phạm hành chính tại tòa án. Đây là việc làm rất công bằng và văn minh đúng với mục tiêu của Đảng là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tin bài liên quan:

VNTB – Các tòa soạn báo chí ở Sài Gòn đã dừng tuyên truyền vắc xin Trung Quốc?

Phan Thanh Hung

VNTB – Xăng dầu Việt Nam chịu hệ lụy của nền kinh tế định hướng XHCN?

Trương Thế Tử

VNTB – Quyền không tham gia Mặt trận Tổ quốc

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo