Nguyễn Thu
(VNTB) – Nếu công đoàn không thể bình đẳng được với đại diện của Nhà nước và người sử dụng lao động, thì việc công đoàn đại diện cho người lao động tham gia cơ chế ba bên chỉ là hình thức.
Hiện nay hoạt động của công đoàn các cấp trên cơ sở vẫn phụ thuộc khá nhiều vào ngân sách Nhà nước, và công đoàn cấp cơ sở hoạt động chủ yếu dựa vào kinh phí của người sử dụng lao động. Điều này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của công đoàn, nhất là khi thu nhập của người lao động còn thấp, khả năng tự đóng phí không nhiều.
Nhưng nếu nhìn nhận vấn đề này từ một góc độ khác, thì câu chuyện về “bình đẳng” giữa tổ chức công đoàn và Nhà nước và người sử dụng lao động, lại phải được đặt lên bàn cân.
Rõ ràng nếu công đoàn phụ thuộc, thậm chí là phụ thuộc rất nhiều về kinh tế vào Nhà nước và người sử dụng lao động thì khó có thể nói là công đoàn bình đẳng với Nhà nước và người sử dụng lao động khi tham gia các mối quan hệ pháp luật với các chủ thể này.
Một trong những nguyên tắc vận hành của cơ chế ba bên là nguyên tắc bình đẳng. Nếu công đoàn không bình đẳng một cách thực sự với đại diện của Nhà nước và người sử dụng lao động, thì công đoàn khó có thể thực hiện được tốt vai trò của mình khi tham gia cơ chế ba bên.
Theo quan điểm của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), thì cơ chế ba bên có nghĩa là bất kể hệ thống các mối quan hệ lao động nào, trong đó Nhà nước, người sử dụng lao động, người lao động là những nhóm độc lập, mỗi nhóm thực hiện những chức năng riêng. Điều đó chỉ đơn thuần là sự chuyển đổi thành các mối quan hệ xã hội của các nguyên tắc dân chủ chính trị: tự do, đa số, sự tham gia của mỗi cá nhân vào những quyết định có liên quan tới họ.
Nguyên tắc là những vấn đề chung nhưng cũng không có một đối tác đơn lẻ: Mỗi hệ thống quan hệ lao động được dựa trên sự kết hợp của các điều kiện lịch sử, chính trị, xã hội và văn hoá và mỗi hệ thống phát triển theo những nguyên tắc của cuộc chơi dưới ánh sáng của những thông số đó.
Theo quan điểm này thì cơ chế ba bên là cơ chế hợp tác và chia sẻ trách nhiệm giữa Nhà nước, người sử dụng lao động và người lao động – tức thông qua các cơ quan, tổ chức đại diện chính thức của mỗi bên, để cùng nhau giải quyết những vấn đề phát sinh trong lĩnh vực lao động – xã hội vì một nền kinh tế thịnh vượng và vì một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Nhà nước, người sử dụng lao động và người lao động được gọi là các “đối tác xã hội” của cơ chế ba bên, trong đó mỗi đối tác đều có những vai trò nhất định.
Từ khi ILO ra đời, việc thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức của mình cũng là một nội dung trong quyền tự do liên kết của người lao động được quy định tại Công ước số 87 năm 1948 và các văn bản có liên quan của ILO.
Trong phạm vi quốc gia, người lao động có thể thành lập một hoặc nhiều tổ chức đại diện của mình, tuỳ thuộc vào phạm vi quyền tự do lập hội của người lao động được thừa nhận đến mức độ nào bởi pháp luật quốc gia.
Ở các quốc gia không ủng hộ chủ nghĩa đa nguyên, thường chỉ tồn tại một loại tổ chức duy nhất đại diện cho người lao động. Ngược lại, ở những quốc gia ủng hộ chủ nghĩa đa nguyên, thường có nhiều loại tổ chức khác nhau đại diện cho những nhóm người lao động khác nhau. Trong trường hợp này, các tổ chức đại diện của người lao động phải thảo luận, thương thuyết và đi đến thống nhất cử ra tổ chức có tính đại diện nhất cho giới lao động tham gia cơ chế ba bên. Khi cần thiết, Nhà nước có thể can thiệp, thậm chí là trực tiếp, vào việc lựa chọn ấy.
Khi tham gia cơ chế ba bên, tổ chức đại diện của người lao động có những vai trò cơ bản sau: Một, là cầu nối người lao động với người sử dụng lao động và Nhà nước; Hai, cùng đại diện của Nhà nước và người sử dụng lao động quyết định, hoặc cùng đại diện của người sử dụng lao động tư vấn cho Nhà nước xây dựng chính sách, pháp luật lao động, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia, ngành, vùng…;
Ba, phối hợp với hai “đối tác xã hội” còn lại của cơ chế ba bên tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch… và giải quyết các vấn đề phát sinh từ quá trình tổ chức thực hiện này – bao gồm cả việc giải quyết tranh chấp lao động và đình công; Bốn, cùng đại diện người sử dụng lao động xây dựng quan hệ lao động hai bên lành mạnh, môi trường lao động hài hoà, ổn định.
Với những biện luận kể trên, không quá lời khi nói rằng tổ chức công đoàn hiện nay ở Việt Nam chỉ là hình thức khi xét trên mối quan hệ của cơ chế ba bên như ILO khuyến cáo.