Lynn Huỳnh
(VNTB) – Làm bệnh viện dã chiến được, tại sao không làm nhà trọ dã chiến cho người ta ở tạm?
Trường học, sân vận động, công viên,… các nơi không hoạt động thì xem xét cải tạo (dạng sạp như các hội chợ triển lãm…) nhanh để người dân có nơi trú tạm 2-3 tháng kéo dài giãn cách… Những nơi này cũng có nhà vệ sinh, điện nước tạm dùng.
Đề xuất trên khả năng hiện thực, vì ở Sài Gòn không chỉ có các sân banh như Thống Nhất (tức sân Cộng Hòa trước đây), Tao Đàn, Hoa Lư,… Hay đơn giản hơn nữa, là tìm kiếm khu tái định cư nào còn trống để có thể mời người dân vào ở như một kiểu của ‘tỵ nạn’/ ‘lánh nạn’ đói nghèo do thành phố này cứ giãn cách chồng giãn cách.
(Hiện khu tái định cư 38,4 ha thuộc phường An Khánh, thành phố Thủ Đức đang trở thành “căn cứ địa” của cuộc chiến chống dịch khi tập trung 4 bệnh viện dã chiến với quy mô 19.000 giường).
“Những người thuê nhà của tôi cũng gặp khó khăn do thất nghiệp mấy tháng nay, tôi cũng không thể thu tiền nhà họ, nhưng tiền lãi ngân hàng thì ngân hàng vẫn thu không thiếu ngày nào.
Hầu như tất cả các ngành nghề đều phải dừng hoạt động nhưng cay nghiệt là ngành “thu nợ” thì họ không dừng hay giảm!” – bà Mỹ Trang, chủ một dãy phòng trọ dành cho người bán hàng rong ở khu vực Lăng Ông – Bà Chiểu, giải thích thêm rằng để có tiền xây dãy nhà trọ, bà buộc phải thế chấp giấy chủ quyền đất để vay ngân hàng.
“Tiền điện, nước mà người trọ không có tiền trả, tôi cũng phải choàng, vì là đồng hồ điện chung, chỉ cần chậm trả hai tuần lễ là nhân viên điện lực xuống sẽ niêm chì, cắt điện.
Để mở lại, phải trả hết nợ và đóng thêm phần lệ phí của mở niêm chì”, bà Mỹ Trang diễn giải, và nói rằng xin đừng bắt chủ nhà trọ phải miễn tiền nhà, vì ngay chính chủ nhà trọ cũng đang nợ ngập đầu, chỉ mong có tiền để đóng lãi ngân hàng, để có tiền ăn uống qua mùa dịch, mùa dịch này ai cũng khổ như ai, đừng áp đặt tư tưởng chủ là phải giàu vì có khi cả gia tài họ dồn vào đó rồi.
Thật sự thì cho đến bây giờ, rất nhiều người đã lâm vào cảnh thiếu hụt tiền bạc bởi không đi làm, không có thu nhập. Những người ráo mồ hôi là hết tiền này là thành phần dễ bị tổn thương và bị tổn thương nặng nề nhất trong đợt dịch đang mãi dằn dai.
Ông Lê Thành Tâm, chủ khu lưu trú số 26, quận 12, nói rằng nhiều người trong dãy trọ đang thất nghiệp và ở nhà suốt hơn 3 tháng nay. Ai cũng thất nghiệp, giờ giấc sinh hoạt cả khu cũng thay đổi. Mọi người không còn dậy sớm bắt đầu ngày làm việc như trước dịch.
“Dãy trọ tôi có 152 phòng nhưng thất nghiệp phải 96%, số người mất việc suốt 3 tháng liền không hề ít. Nhiều người ở miền Tây đã chạy xe về quê, còn lại thì cố bám trụ” – ông Tâm chùng giọng.
Có ý kiến, người ta luôn tính đến việc “ăn gì, ở đâu” rồi mới đến “làm gì”. Xét bối cảnh hiện tại yếu tố “làm gì” tạm thời đã bị tê liệt. Nhiều người thất nghiệp do công ty dừng hoạt động để phòng chống dịch. Những lao động tự do như bán quà vặt, phụ hồ, lao động công nhật là những người chịu ảnh hưởng đầu tiên và kéo dài nhất kể từ khi phố phương giãn cách. Không có việc làm, không có tiền lương thì nó ảnh hưởng trực tiếp đến phần “ăn gì, ở đâu”.
Trong đó, yếu tố “ở đâu” và “ăn gì” có tầm quan trọng như nhau. Người dân có thể không “làm gì” trong vài tháng để chống dịch theo các yêu cầu của nhà chức trách, với điều kiện đảm bảo được phần “ăn gì” và “ở đâu” cho họ.
Những phần quà, gạo, mì, trứng, rau củ từ thiện có lẽ sẽ đảm nhận được phần “ăn gì”. Nhưng thực sự vấn đề “ở đâu” là một câu hỏi rất khó trả lời.
Thế nhưng vấn đề trên lại cho thấy chí ít mới đây đã được nhắc đến công khai tại nghị trường Quốc hội, song lại chưa thấy người đứng đầu Bộ Chính trị có ý kiến chỉ đạo gì trong tình cảnh dầu sôi lửa bỏng hiện nay:
“Hàng triệu công nhân từ Bắc đến Nam khi bị cách ly, phong tỏa nhiều ngày trong thời tiết nắng nóng gay gắt nhưng phải sống trong các phòng trọ do người dân xây dựng tự phát, chật chội, ẩm thấp, thiếu tiện nghi tối thiểu,…” – trích báo cáo tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, hôm 27-7-2021 của Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
1 comment
Ho khau hieu ro to, nhung chang co gia tri KKKK gi ca? Nay nhe, chi co Co gang, doan ket va quyet tam ta chi can thay vao nhung cho cham cham la xong mot cau PB cua Dau linh: Da …. thi …. hon nua? Vay thoi, neu chi the thang nao lam dau linh chang duoc?