VNTB – Kẹt xe vì… tha phương cầu thực

VNTB – Kẹt xe vì… tha phương cầu thực

Lynn Huỳnh

(VNTB) – Cửa ngõ về miền Tây của Sài Gòn những ngày này kẹt cứng vì người tha phương cầu thực lũ lượt trên đường về quê ăn Tết.

Một nhà báo làm việc ở tờ Giác Ngộ kể: “Đi xa khổ nhưng trắng trẻo, tết nhứt có quà bánh và được chờ đón là ‘người Sài Gòn’ về quê, ai cũng vui, cũng mừng. Câu chuyện của người dân quê tôi tha phương cầu thực giữa Sài Gòn, khó khổ ở đâu không thấy, nhưng về quê có chút quà, có ít tiền ăn Tết là một điều gì đó hãnh diện, ước mơ… Đó là những lý do thôi thúc họ lên đường! Và nó hẳn cũng là câu chuyện của ngày hôm nay – thời sự không chỉ trong nước mà còn cả thế giới – khi thông tin về 39 người chết trong một chiếc xe container ở Anh khiến thế giới bàng hoàng.

Họ quyết lòng đi tha hương cầu thực, với niềm tin về một tương lai rạng ngời hơn…”.

Rõ ràng đang sau hình ảnh kẹt xe, tắc đường đang đăng tràn ngập trên báo chí là chuyện buồn của từng phận đời phải tha phương cầu thực, để Tết khi trở về quê có được chút đỉnh dành dụm bạc tiền, quà cáp gửi tặng gia đình, người thân.

Có vô vàn lý do khiến người ta phải ly hương để kiếm miếng ăn, như biến đổi khí hậu khiến cho những mùa vụ ở miền Tây Nam bộ ngày càng trở nên thất thường, và dòng người ly hương lên thành thị mưu sinh đang lan ra khắp các vùng nông thôn.

So sánh về sự khác biệt giữa ở quê và đi làm công nhân, nhiều nhà nông đưa ra ví dụ: Nếu nhà có 10 công ruộng mà tới 5 đứa con, ruộng không đủ làm thì phải đi là mướn. Vất vả cả ngày được 200 ngàn đồng mà đâu phải lúc nào cũng có việc. Trong khi 5 người lên thành phố làm công nhân, mỗi người lãnh 6 – 7 triệu/tháng, tăng ca có khi được cả chục triệu đồng. Trừ các chi phí, nhà trọ, ăn uống, biết chi tiêu vẫn dư lại khá. Và thực tế đó giải thích vì sao không phải chỉ rời đi trong mùa hạn, mặn mà cả những mùa vụ khác họ vẫn đi khi tìm được công việc ổn định, thu nhập cao hơn so với ở quê.

Sự dịch chuyển lao động này có một số lợi ích nào đó cho người lao động nhưng cũng để lại nhiều tiêu cực. Có thể kể đến như làm cho các vùng nông thôn đìu hiu, vắng vẻ, nhiều nơi đồng ruộng bỏ hoang hoặc thiếu đầu tư canh tác.

Người trẻ lên thành phố thường phải bỏ con cái lại cho ông bà ở nhà chăm lo, thiếu quản lý, dạy dỗ dễ hư hỏng, thậm chí bị xâm hại. Một số thanh niên nam nữ lên các vùng đô thị lại nhiễm một số thói xấu chốn thị thành. Trong khi đó, việc gia tăng dân số cơ học thiếu kiểm soát vùng đô thị cũng góp phần phá vỡ nhiều quy hoạch cơ sở hạ tầng, tăng ô nhiễm, kẹt xe, rác thải, nước thải, tai nạn công nghiệp…

Sài Gòn của những kẻ tha hương không biết có giống Sài Gòn của dân bản địa không? Nhưng chắc chắn nó đẹp, nó đẹp từ trong những giấc mơ của họ. Có lẽ vì thế mà họ đến đây… Có những giấc mơ trở thành sự thật, cũng có những giấc mơ biến thành những cơn ác mộng… và còn nhiều hơn cả là những giấc mơ vẫn còn đang dở dang.

Con đường chinh phục những giấc mơ chưa bao giờ là bằng phẳng. Dứt dép mà rời bỏ quê nhà, họ phải thực sự thấu hiểu những gian nan phía trước và thấu hiểu chính mình… Mà thôi, giờ là thời khắc của sự chờ đợi đoàn viên. Có kẹt xe, tắc đường đến đâu đi nữa thì cũng cố mà về quê để ăn Tết, để thắp cây nhang lên bàn thờ ông, bà, để thấy rằng mình quá đỗi hạnh phúc…

Vì sao lại ‘quá đỗi hạnh phúc’ ư? “Tôi sẽ về quê mình chứ, nhưng không phải bây giờ. Đến lúc không còn đủ sức để bán buôn ngoài đường, ngoài xá như thế này, tôi sẽ về quê để được thắp nén hương ngày tết cho ông bà, và để được nằm trên mảnh đất quê hương” – người đàn bà bán hàng rong ở Sài Gòn quay mặt đi, giấu nỗi buồn tủi vào dòng xe tấp nập phía xa.

Hôm nay đã là hai mươi bảy Tết.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)