Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nhân quyền vẫn là ‘nhạy cảm chính trị’

276 tù nhân lương tâm

Thới Bình

 

(VNTB) – Việt Nam sẽ tăng cường các biện pháp đảm bảo nhân quyền nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết hôm thứ Năm tuần rồi.

 

Ông Phạm Minh Chính đã cam kết với đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản ở chuyến công du vừa qua của ông tại đây, rằng cá nhân ông sẽ nỗ lực trong cải thiện nhân quyền ở Việt Nam, qua đó giúp nhà đầu tư nước ngoài yên tâm khi vào Việt Nam làm ăn.

Hãy thử bàn luận về nhân quyền ở nơi công cộng

Trên thực tế thì đến nay khi dân chúng bàn luận về chuyện nhân quyền ở nơi công cộng như quán cà phê chẳng hạn, sẽ dễ bị ‘dòm ngó’ vì đây vẫn là đề tài được mặc định ‘nhạy cảm chính trị’.

Ở Việt Nam có hẳn một tổ chức mang tên “Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ”. Hơn chục năm trước, Việt Nam cũng ra mắt Tạp chí Nhân quyền Việt Nam phát hành định kỳ hàng tháng, và hồi tháng 7 năm ngoái tạp chí này đã làm lễ kỷ niệm sinh nhật lên 10.

Trung  tướng Nguyễn Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đối ngoại Bộ Công an, là Chánh Văn phòng Thường trực về Nhân quyền. Ở 63 tỉnh, thành cũng có Ban Chỉ đạo Nhân quyền với nhiệm vụ là “góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo đảm, thúc đẩy quyền con người, đồng thời đấu tranh, phản bác hiệu quả  hoạt động lợi dụng vấn đề nhân quyền chống phá Đảng và Nhà nước”.

Như vậy, với nội dung “bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”, nên người dân bàn luận về nhân quyền theo chiều hướng khen hay chê cũng dễ dẫn đến suy diễn của “lợi dụng vấn đề nhân quyền” để chống phá Đảng và Nhà nước.

Đơn cử, nếu không phải là chuyện ‘nhạy cảm chính trị’, thì có lẽ báo chí được quyền tự do được tin với các phân tích ý kiến đa chiều từ các chuyên gia pháp lý, cho đến y khoa đối với những vi phạm quyền con người như công an tiếp tục ngược đãi nghi can trong quá trình bắt giữ và tạm giam, kể cả việc sử dụng vũ lực làm chết người, cũng như các điều kiện khắc khổ của trại giam, bắt giữ người và giam cầm tùy tiện vì các hoạt động chính trị, và từ chối quyền được xét xử nhanh chóng và công bằng.

Người dân sẽ mạnh dạn hơn trong lên tiếng về ảnh hưởng chính trị, nạn tham nhũng cố hữu phe nhóm ngay trong chính nội bộ đảng cầm quyền, và sự kém hiệu quả tiếp tục bóp méo hệ thống tư pháp một cách đáng kể.

Mặc dù về bề mặt cho thấy người dân dễ dàng hơn trong bày tỏ chính kiến trên mạng xã hội, nhưng thực tế thì chính quyền vẫn hạn chế các quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí và trấn áp những người bất đồng quan điểm, như gây sức ép để ‘dừng’ các trang mạng xã hội được cho là có tính chất phê phán chế độ; duy trì việc theo dõi những người bất đồng chính kiến; và tiếp tục hạn chế quyền riêng tư và quyền tự do hội họp, tự do lập hội, và tự do đi lại.

Luật đã có, nhưng không tôn trọng, vậy có phải nhân quyền bị vi phạm?

Mặc dù có quy định nhà chức trách phải thông báo cho luật sư bào chữa về các cuộc thẩm vấn thân chủ của mình, và cho phép họ tham gia các cuộc thẩm vấn đó, tuy nhiên, bị đơn trước hết phải yêu cầu sự có mặt của luật sư. Không rõ là nhà chức trách có luôn thông báo cho bị đơn biết quyền đó hay không.

Luật pháp cũng yêu cầu các nhà chức trách để luật sư tiếp cận với hồ sơ của vụ án và cho phép họ sao chụp lại các tài liệu. Các luật sư đôi khi đã có thể thực hiện quyền này, mặc dù những người đại diện cho người bị tạm giam nhạy cảm về chính trị cho biết họ không thể thực hiện trách nhiệm của mình với thân chủ, và thực hiện các quyền của họ theo quy định của luật.

Khi người dân thể hiện một cách hòa bình các quan điểm chính trị đối kháng, vẫn dễ dàng đối mặt với án tù của tội chống phá Đảng và Nhà nước.

Theo luật pháp, công dân muốn khiếu nại về hành vi vi phạm nhân quyền của một cán bộ nhà nước sẽ gặp nhiều cản trở khó khăn. Trước tiên phải kiến nghị tới cán bộ bị cáo buộc vi phạm để xin phép được khiếu nại lên tòa.

Nếu kiến nghị này bị từ chối, công dân có thể khiếu nại lên cấp trên của cán bộ đó. Chỉ khi cơ quan hoặc cấp trên của cán bộ đó đồng ý cho phép khiếu nại thì khiếu nại đó mới được trình lên tòa hành chính. Nếu tòa án hành chính đồng ý cho rằng vụ kiện này cần được giải quyết thì nó mới được đưa lên các tòa dân sự trong trường hợp có tổn thương thân thể và nạn nhân đòi bồi thường ít hơn 20% tổng chi phí chăm sóc sức khỏe do hành vi vi phạm nhân quyền gây ra, hoặc vụ việc sẽ được đưa ra tòa hình sự trong trường hợp mức đòi bồi thường cao hơn 20% chi phí này.

Trên thực tế, hệ thống chuyển đơn kháng nghị và phải được sự cho phép này khiến công dân ít có khả năng theo đuổi một cách hiệu quả các thủ tục tư pháp dân sự, hoặc hình sự nhằm khắc phục hậu quả của các hành vi vi phạm nhân quyền; bên cạnh đó, cũng chỉ có rất ít chuyên gia pháp lý có kinh nghiệm về hệ thống này.

Chính phủ Việt Nam tiếp tục ngăn cấm các vụ kiện tập thể kiện các bộ của chính phủ, do đó đã hạn chế quyền khiếu kiện của công dân về đất đai có liên quan đến nhiều cơ quan chính phủ.

Nhân quyền chính là phẩm giá con người

Nói gì đi nữa thì nhân quyền vẫn là ‘nhạy cảm chính trị’ khi người dân bàn ra – tán vào về một vụ việc cụ thể nào đó, ví dụ như ở nhiều nơi từng có hàng loạt “chiến lũy” xấu xí được dựng lên đầu các ngõ hẻm, nhiều nơi dùng cả dây thép gai và bê-tông cho việc gọi là ‘kiểm soát dịch’. Vậy thì nhân quyền ở đâu khi hàng triệu con người bị nhốt trong những khoảng không gian chật hẹp suốt mấy tháng?…

Dẫu biết rằng đó là vì chống dịch nhưng những hành động, hình ảnh như vậy vẫn làm cho chúng ta không khỏi đau và buồn. Tự hỏi, liệu có cách nào khác để vừa bảo vệ được sinh mệnh, vừa không làm phẩm giá con người tổn thương?

Trong đại dịch Covid-19, đằng sau những số liệu thống kê là hàng chục ngàn người Việt đã qua đời, hàng chục triệu phận người bị sang chấn tâm lý. Những mất mát, tổn thất vô cùng lớn ấy càng làm cho nhân phẩm của mỗi con người xứng đáng phải được tính đến đầu tiên trong mỗi câu chữ của pháp luật, trong mỗi hành động của nhân viên thực thi pháp luật.


Tin bài liên quan:

VNTB – Bao giờ mới có chính sách hỗ trợ người lao động thất nghiệp?

Do Van Tien

VNTB – Dân Biểu Alan Lowenthal cùng 6 Dân Biểu kêu gọi tân Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam lên tiếng về nhân quyền và tù nhân lương tâm

Phan Thanh Hung

VNTB – Thủ tướng Phạm Minh Chính lần đầu lên tiếng về hộ chiếu “tím than”

Trương Thế Tử

1 comment

Lê văn Phương 01.12.2021 2:52 at 02:52

Hãy nhìn vào cách hành xử rề rà – trốn tránh – vô cảm của csVN, từ Đảng – Chính phủ đến Sứ quán csVN ở Rumani, thì biết ngay là chế độ độc tài toàn trị hiện nay ở VN có quan tâm gì đến mạng sống người dân hay không!
Những việc chúng lao xao – bận rộn, một là vì từ đó chúng thu được lợi nhuận riêng tư hay cho bè nhóm lợi ích của chúng, hai là vì chúng muốn tạo hình thức tỏ ra là cũng có quan tâm đến người dân, ba là vì chúng nó dùng đó để tạo cơ hội qua mắt dư luận thế giới là chúng nó cũng là bè đảng tử tế.
Ông Phạm Minh Chính là đảng viên cộng sản, cho nên những điều ông ấy phát biểu tôi không thể tin ngay được, tôi phải chờ xem ông ấy làm gì với những hứa hẹn của ông ấy.

Reply

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo