Trường Sơn
(VNTB) – 100 người dân tộc thiểu số được cho là tham gia tấn công vào trụ sở UBND ở Đắk Lắk, giết chết 4 cán bộ công an xã, làm bị thương 2 cán bộ công an xã khác.
Theo nội dung vụ án, vào đêm 10-6-2023, khoảng 100 đối tượng là người dân tộc thiểu số, tấn công vào trụ sở UBND xã Ea Ktur và Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, giết chết 4 cán bộ công an xã, làm bị thương 2 cán bộ công an xã khác.
Các cơ quan tiến hành tố tụng đã quyết định đưa ra xét xử lưu động 100 bị cáo, trong đó, có 53 bị cáo về tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền Nhân dân”; 39 bị cáo về tội “Khủng bố”; 1 bị cáo về tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép”; 1 bị cáo về tội “Che giấu tội phạm”. Ngoài ra, có 6 bị cáo ở nước ngoài là Y Mút Mlô, Y Bút Êban, Y Niên Êya, Y Čik Niê, Y Chanh Byă và Y Quynh Bdap bị xét xử vắng mặt tội “Khủng bố”.
Dự kiến phiên tòa kéo dài trong 10 ngày.
Theo nội dung vụ án, vào đêm 10-6-2023, rạng sáng 11-6-2023, khoảng 100 đối tượng là người dân tộc thiểu số, chia thành 2 nhóm tấn công vào trụ sở UBND xã Ea Ktur và Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, giết chết 4 cán bộ công an xã, làm bị thương 2 cán bộ công an xã khác. Trên đường rút chạy, các đối tượng tiếp tục phá hoại nhiều tài sản của người dân, uy hiếp 3 người dân làm con tin, chặn xe giết chết 2 cán bộ xã cùng 3 người dân khác.
Cơ quan công tố cho rằng đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe cán bộ, người dân, phá hủy tài sản cơ quan, tổ chức cá nhân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk với mục đích nhằm lật đổ chính quyền Nhân dân để thành lập cái gọi là “Nhà nước Đêga”.
Dự đoán là các bản án tuyên sẽ không quá nặng nề khi ở họp báo trước phiên xét xử, phía đại diện chính quyền tỉnh đã thông báo rằng: Trong quá trình xét xử, Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk sẽ đánh giá toàn bộ tài liệu chứng cứ, nguyên nhân và điều kiện phạm tội, tính chất, mức độ phạm tội để quyết định hình phạt phù hợp đối với từng bị cáo. Qua đó, vừa đảm bảo sự nghiêm minh, tính răn đe, vừa đảm bảo sự khoan hồng, tính giáo dục, nhân văn của pháp luật, đồng thời thể hiện được đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về dân tộc, tôn giáo trong tình hình hiện nay.
Sau khi có bản án, Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài nước thực hiện việc chuyển giao 6 đối tượng đang bị truy nã quốc tế về Việt Nam để thi hành án.
Ở vụ án này, lần đầu tiên cho thấy xuất hiện cụm từ “Lính Đêga”.
Theo quan sát bước đầu của luật sư N.L.P., phía tố tụng đưa ra cụm từ “Lính Đêga” có ít nhất là hai ẩn tình: thứ nhất, ‘chuyển giao’ trách nhiệm giữ gìn an ninh trật tự từ ‘phe cánh Công an’ sang cho bên ‘Quân đội’. Trước đó Bộ trưởng Công an Tô Lâm được Bộ Chính trị phân công kiêm nhiệm giữ chức vụ Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên. Và điều này cho thấy xảy ra ‘biến loạn Tây nguyên’ đưa đến thương vong là có trách nhiệm quản lý của tướng Tô Lâm.
“Tôi cho rằng phía tố tụng sử dụng cụm từ ‘Lính Đêga’ mang tính trung dung theo kiểu tự hiểu đây có thể là tổ chức thuộc “Nhà nước Đê Ga” hay “Cộng hòa ĐêGa” đều được. Bởi “Đêga” còn được hiểu là “người Thượng”. Và phía Hà Nội đã từng đưa ra cáo buộc Quỹ người Thượng (tên tiếng Anh: Montagnard Foundation, Inc.), còn gọi là Sáng Hội Người Thượng hoặc Tổ chức Người Thượng, đã đứng sau lưng hậu thuẫn các cuộc bạo loạn Tây nguyên.
Trong khi đó thì Quỹ người Thượng chỉ là một tổ chức với mục tiêu chống Nhà nước Việt Nam và “bảo vệ cuộc sống và văn hóa người Thượng ở Tây Nguyên, Việt Nam thông qua các biện pháp hòa bình”. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập năm 1990 có trụ sở ở Nam Carolina (Hoa Kỳ) và do Ksor Kok, một người dân tộc Jarai đứng ra làm chủ tịch.
Giờ dùng ‘Lính Đêga’ là cụm từ trung dung cho nhiều hàm ý tùy vào trường hợp để phản hồi công luận từ phía tố tụng trong vấn đề nhân quyền” – luật sư N.L.P., chia sẻ cảm nhận ban đầu khi tiếp nhận thông tin về phiên hình sự sơ thẩm như nêu trên.