Việt Nam Thời Báo

‘Bọ Lập’ đăng gì trước khi bị bắt?

Blog Quê Choa hiện không còn truy cập được theo cách thông thường

Bộ Công an Việt Nam nói trên trang web của họ rằng nhà văn Nguyễn Quang Lập đã bị bắt “quả tang” và bị “tạm giữ hình sự” hôm 6/12/2014.

Họ nói: “Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục điều tra làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của Nguyễn Quang Lập để xử lý theo quy định của pháp luật.”

Hiện không rõ nhà văn vẫn được bạn bè gọi là ‘Bọ Lập’ đang viết hay chuẩn bị đưa lên blog những gì khi bị bắt nhưng ít nhất có thể điểm lại những gì ông đăng tải cho đến khi bị bắt.

Dù trang blog hiện đã bị khóa nhưng nếu dán đường dẫn http://bolapquechoa.blogspot.com vào trang lưu trữ http://www.cachedpages.com sẽ thấy hiện ra 25 bài đăng tải cuối cùng.

Bài chót là ‘Vì sao cần cảnh giác với Viện Khổng tử?’, thực tế là một trong ba bài mà ông Lập dẫn lại của BBC Tiếng Việt.

Tuy nhiên 13 trong tổng số 25 bài còn tìm lại được liên quan tới vụ án Hồ Duy Hải, người thoát chết một ngày trước khi ông Lập bị bắt.

Các đường dẫn tới những bài viết đều không hoạt động nhưng nếu di chuột tới tít mỗi bài và nhắp chuột phải để sao chép đường dẫn và dán vào

http://www.cachedpages.com sẽ vẫn đọc được các nội dung vốn khá giống với những gì có trên trang Facebook vẫn còn truy cập được của nhà văn.

Năm trong số 13 bài liên quan tới vụ án Hồ Duy Hải được trích từ các báo và trang tin trong nước trong đó có Đài Tiếng nói Việt Nam, Giáo dục Việt Nam, Lao Động và Một Thế giới.

Các bài còn lại là từ các trang Dân Luận, Đài Á Châu Tự Do RFA cũng như Facebook của các luật sư.


Viết riêng cho Quê Choa

Trong toàn bộ 13 bài, có duy nhất một bài được viết riêng cho Quê Choa với tít ‘Thông báo của Văn phòng luật sư Trịnh Minh Tân’ và tít phụ ‘Về việc vi phạm pháp luật trong bản án phúc thẩm xét xử vụ án Hồ Duy Hải “giết người”, “cướp tài sản” xảy ra tại bưu điện Cầu Voi, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.

Sau đây BBC Tiếng Việt đăng lại phần chính của bài duy nhất viết riêng cho Quê Choa trong 25 bài còn tìm thấy được.

Bản án hình sự phúc thẩm số 281/2009/HSPT ngày 28/04/2009 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và các giai đoạn tố tụng hình sự đã có những vi phạm nghiêm trọng

“Xin trích nội dung nhận định của bản án phúc thẩm tại trang 5:

“Xét, mặc dù qua điều tra không thu giữ được thớt tròn là hung khí đập vào đầu nạn nhân Ánh Hồng, dao Thái Lan là hung khí dùng để cắt cổ các nạn nhân song những cung khai của bị cáo Hải đều phù hợp với bản ảnh hiện trường có con gấu nhồi bong, bịch trái cây, tấm nệm, có thớt tròn bằng gỗ, có ghế inox, có việc bị cáo cho anh Võ Minh Dương sim card của bị cáo, có việc bị cáo đốt quần áo, dây thắt lưng ở vườn sau nhà chị Len….. Các nhân chứng Võ Văn Hùng, Nguyễn Văn Thu, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Váng là các đội viên dân phòng được bưu cục Cầu Voi thuê dọn dẹp hiện trường sau khi khám nghiệm thu con dao Thái Lan tại kẹt vách chỗ tấm bảng sau đó có báo với Công an nhưng do dao không dính máu nên không thu giữ…”

Như vậy, án phúc thẩm xác định “thớt tròn” và “dao Thái Lan” là công cụ mà bị án Hồ Duy Hải sử dụng để thực hiện tội phạm. Cũng có nghĩa đây là vật chứng được coi là chứng cứ quan trọng nhất để kết luận bị án Hồ Duy Hải thực hiện hành vi giết người.

Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục luật định. Tuy nhiên, hai công cụ coi là vật chứng được xác định là chứng cứ thì chỉ hiện hữu trên lời khai của Hồ Duy Hải và các đội viên dân phòng, không có tính xác thực cần có để đánh giá đó là chứng cứ.

Con dao Thái Lan trên thực tế không được thu giữ mà chỉ được mô tả qua các lời khai của đội viên dân phòng. Do đó không thể coi lời mô tả đồ vật không được kiểm chứng là vật chứng được. Ngay cả cái thớt tròn có trong bản ảnh nhưng không được thu giữ, không có mô tả kích thước thì trong trường hợp này không thể khẳng định đó là vật chứng của vụ án.

Án Phúc thẩm xác định các đội viên dân phòng được thuê dọn dẹp hiện trường là nhân chứng trong vụ án là một sai lầm nghiêm trọng. Khoản 1 Điều 55 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: “Người nào biết được những tình tiết liên quan đến vụ án đều có thể được triệu tập đến làm chứng”. Việc các đội viên dân phòng tìm thấy con dao sau khi đã khám nghiệm hiện trường (dao không được thu giữ) không thể coi là người đã biết được những tình tiết liên quan đến vụ án nên không thể là nhân chứng trong vụ án này.

Như vậy, Bản án hình sự phúc thẩm số 281/2009/HSPT ngày 28/04/2009 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và các giai đoạn tố tụng hình sự đã có những vi phạm nghiêm trọng:

1. Kết luận trong bản án không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án, chỉ căn cứ vào duy nhất lời khai nhận tội của bị cáo tại cơ quan điều tra, mà những lời khai đó bị án đã phủ nhận tại phiên tòa phúc thẩm. Vật chứng được coi là chứng cứ để buộc tội bị án Hồ Duy Hải không xác thực.

2. Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử. Cụ thể cả ba giai đoạn (điều tra, truy tố, xét xử sơ và phúc thẩm) đều xác định không đúng tư cách người tham gia tố tụng, bằng việc đưa các đội viên dân phòng tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng.

Từ những ý kiến nêu trên, chiếu theo Điều 273, căn cứ Điều 274 Bộ luật tố tụng hình sự, Văn phòng luật sư Trịnh Minh Tân xin thông báo đến ngài Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao và ngài Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao những vi phạm phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án và trong bản án phúc thẩm số 281/2009/HSPT ngày 28/04/2009 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh để Quý Ngài xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.”


(BBC)

Tin bài liên quan:

Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc bị che phủ bởi bóng đen của cuộc chiến tranh biên giới bạo tàn năm 1979

Phan Thanh Hung

Thường vụ quốc hội muốn “chặn” 4 quyền của thủ tướng?

Phan Thanh Hung

Bảo vệ LS Võ An Đôn: Liên đoàn Luật sư Việt Nam “tham chiến” *

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo