Việt Nam Thời Báo

Chúng ta đang đánh đổi sinh mạng của hơn 90 triệu dân, để lấy nguồn năng lượng không có tương lai?

Bluevn

Như đã biết, khói bụi từ nhà máy nhiệt than là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, gây ra sương mù, hiệu ứng nhà kính, tạo mưa a xít ngoài ra nó còn được ví như là “sát thủ” giết người thầm lặng vô cùng nguy hiểm. Để hạn chế số ca tử vong do khói bụi than gây ra, cả thế giới đã phải hướng đến sử dụng nguồn năng lượng sạch, thế nhưng Việt Nam lại đi ngược với xu hướng toàn cầu, phát triển mạnh mẽ nhà máy nhiệt than – nguồn năng lượng không có tương lai. Liệu hướng đi này có làm đất nước giàu hơn, cuộc sống người dân cải thiện hay phải sống trong cảnh nghèo đói, bệnh tật và chết chóc? 
Hiện cả nước có 20 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động, dự kiến đến năm 2030 cả nước sẽ có 80 nhà máy nhiệt điện than. Theo thống kê của Bộ Công thương lượng tro xỉ các nhà máy này thải ra khoảng 15,7 triệu tấn/năm, ước tính đến năm 2030 gần 66 triệu tấn. Đa phần các nhà máy này sử dụng nghệ lạc hậu nhiệt điện ngưng hơi, lò hơi tuần hoàn tự nhiên, công suất thấp, không đáp ứng yêu cầu về môi trường, đe do sức khoẻ và mạng sống của người dân.

Phát triển nhà máy nhiệt than – nguồn năng lượng không có tương lai. Liệu hướng đi này có làm đất nước giàu hơn, cuộc sống người dân cải thiện hay phải sống trong cảnh nghèo đói, bệnh tật và chết chóc?
Tất cả các giai đoạn tạo ra năng lượng điện đều thải ra các chất gây ô nhiễm không khí: các loại bụi, khí độc (SO2, NOx, CO…) và khí nhà kính (CO2, CH4…). Nguy hiểm hơn là trong bụi than có chứa một lượng đồng vị phóng xạ gây hại cho sức khỏe con người. Các kết quả nghiên cứu cho thấy “mức độ phóng xạ trong xỉ tro than cao gấp 5 lần so với đất bình thường, và gấp 10 lần so với than trước khi bị đốt”. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh như: đột quỵ, bệnh tim do thiếu máu cục bộ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm đường hô hấp dưới và ung thư phổi. Đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai và người cao tuổi.

Đứa trẻ thơ khóc ngặt đói ăn bên người bố bị ung thư
Ngoài ra, trong khói bụi than có chứa các hạt bụi lơ lửng (PM2.5 hay PM10) không thể nhìn bằng mắt thường, đây là kẻ giết người thầm lặng. Với kích thước siêu mịn nó có thể thâm nhập sâu vào tận phổi, đi vào máu gây ra những đột biến thường xuyên về DNA, dẫn đến ung thư. Theo kết quả của cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) và tổ chức Y tế thế giới (WHO) mật độ bụi PM 10 cứ tăng lên 10µg/m3 thì tỷ lệ ung thư phổi tăng lên 22%. PM 2,5 còn nguy hiểm hơn nhiều, cứ tăng thêm 10µg/m3 thì nguy cơ ung thư phổi tăng đến 36%. Mức độ ô nhiễm PM2.5 vào năm 2030 cực kỳ nghiêm trọng. PM (particulate matter ) là chỉ số đánh giá mức độ ô nhiễm không khí.
Bằng chứng tại nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 2 theo kết quả đo quan trắc môi trường cho thấy nồng độ bụi PM 2,5 đạt mức 67,8µg/m3, vượt nhiều so với quy chuẩn QCVN 05:2013/BTNMT là 50µg/m3. Hiện chỉ có một ống khói đi vào hoạt động, nếu cả năm ống khói hoàn thành và đi vào sản xuất cùng một lúc thì không biết tác hại đến mức nào? Người dân nơi đây và những người sống xung quanh nhà máy nhiệt than sẽ ra sao? Liệu họ có phải chết dần mòn vì những căn bệnh ung thư quái ác chăng?

Gia đình chị Trương Thị Thanh Hoa phải trốn vào phòng ăn cơm để tránh bụi.
Đại diện nhóm nghiên cứu Đại học Harvard Ông Lauri Myllyvirta cảnh báo: “Việt Nam cũng sẽ ô nhiễm không khí như Bắc Kinh, khi ra đường có thể không thấy mặt nhau, nếu Việt Nam bất chấp phát triển nhiệt điện than”. Các tổ chức quốc tế cũng đưa ra ước tính rằng mỗi kWh nhiệt điện than, làm tốn chi phí y tế đến 0,17 đô la Mỹ. Bà Ngụy Thị Khanh Giám đốc GreenID (Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh) cũng cho rằng: “nếu tính cả chi phí sức khỏe, y tế, môi trường… nhiệt điện than không hề rẻ”.
Hãy nhìn sang Trung Quốc, nơi có ngành công nghiệp nhiệt điện than phát triển nhất thế giới. Mỗi ngày, có 4.000 người chết, ở đó người ta ra đường không thể nhìn thấy mặt nhau, người giàu thì mua không khí sạch nhập khẩu từ các nước châu Âu đóng lon bán trong siêu thị, còn người nghèo thì phải chịu đựng một bầu không khí ô nhiễm có thời điểm mức độ độc hại gấp 100 lần giới hạn của Tổ chức y tế thế giới–WHO.

Mỗi ngày có 315 người Việt chết vì ung thư
Trang China Water Risk cho biết nguồn nước ngầm ở hơn 60% thành phố Trung Quốc được xác định ở mức “tệ và rất tệ”, hơn 1/4 các con sông chính ở Trung Quốc được khuyến cáo là “con người không nên tiếp xúc”. Cơ quan quản lý rừng quốc gia cho biết, khoảng 2,7 triệu km2 đất tại quốc gia này rơi vào tình trạng sa mạc hóa, ảnh hưởng cuộc sống của hơn 400 triệu người.
Số lượng các vụ biểu tình vì môi trường ở Trung Quốc trong năm 2013 là 712 trường hợp, tăng hơn 30% so với năm trước đó. Để xoa dịu dân chúng Bắc Kinh cũng cam kết đầu tư 275 tỷ USD trong 5 năm để làm sạch không khí, 333 tỷ USD để xử lý các nguồn nước ô nhiễm và đóng cửa hàng loạt các nhà máy nhiệt điện đốt than. Đồng thời ở các nước Châu Âu cũng tuyên bố xóa sổ hàng loạt các nhà máy nhiệt (Châu Âu 109 nhà máy nhiệt điện than đã bị đóng cửa, Mỹ 165 nhà máy nhiệt điện than đã ngưng hoạt động, 179 dự án xây mới bị hủy bỏ) thay thế bằng nguồn năng lượng sạch.

Ở Trung Quốc người ta ra đường không thể nhìn thấy mặt nhau, người giàu thì mua không khí sạch nhập khẩu từ các nước châu Âu đóng lon bán trong siêu thị, còn người nghèo thì phải chịu đựng một bầu không khí ô nhiễm.
Cả thế giới đều quay lưng với nhà máy nhiệt than, nhưng Việt Nam lại phát triển rầm rộ? Lạ một điều là các nhà quản lý kinh tế có thể hùng hồn tuyên bố công nghệ nhiệt điện than hoàn toàn có thể kiểm soát được vấn đề môi trường, sẽ có thiết bị lọc bụi tĩnh điện, xử lý khí thải độc hại…Không biết họ dựa vào đâu mà tuyên bố mạnh miệng như thế, trong khi Mỹ là quốc gia đứng đầu về công nghệ cũng không xử lý ô nhiễm, chưa kể thực tế có tới 78% dự án nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam do Trung Quốc làm tổng thầu và đương nhiên là họ mang theo công nghệ đến từ quốc gia này.
Người ta tự hỏi, tương lai của người dân sẽ ra sao nếu Việt Nam rơi vào tình trạng ô nhiễm môi trường của Trung Quốc như hiện nay? Liệu có ngày đất nước này trở nên giàu có để sử dụng những nguồn năng lượng sạch bằng con đường phát triển tăm tối hôm nay không? Phải chăng Việt Nam đang đánh đổi sinh mạng của hơn 90 triệu dân để đâm đầu vào nguồn năng lượng không có tương lai? Hãy dừng xây nhiệt điện than, dừng nhập khẩu ô nhiễm Trung Quốc.
Tường Vân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.