Việt Nam Thời Báo

Chuyên gia phản bác dự án lấn sông Đồng Nai

Cùng các nhà khoa học, Tổng cục Thủy lợi cho rằng đây là dự án lấn sông ảnh hưởng đến dòng chảy, cần dừng lại để đánh giá lại tính pháp lý, cơ sở khoa học và tham vấn nhiều hơn nữa.

Sau khi UBND tỉnh Đồng Nai phát đi thông điệp tiếp tục thực hiện dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” khi các quy trình, thủ tục đã đúng pháp luật, Tiến sĩ Vũ Ngọc Long – Viện trưởng Sinh thái học miền Nam – cho rằng, dự án lấn sông khi triển khai cần nhìn nhận về mặt kỹ thuật có cho phép hay không. Tiếp đó là giá trị phát triển bền vững và “cái tâm khi đưa ra quyết định”.

Hoạt động san lấp sông Đồng Nai vẫn được tiếp tục.

“Công trình này không phải làm cho 5-10 năm, mà phải nghĩ đến thời gian lâu hơn. Một dự án như vậy nói không ảnh hưởng dòng chảy và tác động môi trường thì rất vô lý. Tôi nghĩ cái tâm của dự án chưa có”, ông nói.

Về ảnh hưởng của dự án, theo Tiến sĩ Long, ngoài ảnh hưởng đến dòng chảy, xói mòn bờ sông thì môi trường sinh thái cũng sẽ có nguy cơ biến mất. Khi tạo vật cản bêtông lớn, lấn chiếm ra 100 m trên mặt sông, theo nguyên tắt sẽ hình thành bậc thang trụ. “Như vậy việc lấn sông thực tế sẽ ra tới 400-500 m. Khi đáy sông thay đổi sẽ tạo dòng xoáy hàm ếch phía dưới, gây tình trạng sạt lở bờ bên kia là điều không tránh khỏi”, ông Long lý giải.

Viện trưởng Sinh thái học miền Nam lập luận, thường dự án cải tạo cảnh quan ven sông chỉ làm trong bờ, giữ được nền đất nên luôn tạo được mối liên hệ giữa bờ với sông. Còn dự án nằm hoàn toàn trên mặt sông sẽ ảnh hưởng nhiều đến môi trường sinh thái của sông. Sinh thái sông gồm hệ sinh thái thủy sinh ven bờ, sinh vật trôi nổi, động vật dưới đáy sông… có vai trò điều hòa chất lượng nước ở khu vực. Đặc biệt, ở đây có cù lao – một dạng sinh thái rất đa dạng nhưng cũng nhạy cảm.

“Dự án cũng chưa chú ý đến nhóm người dân nghèo mưu sinh bên sông. Họ thường hoạt động ven bờ để đánh bắt các loại cá nhỏ. Đây là những người dễ bị tổn thương, sống bằng tài nguyên trên sông. Khi hệ sinh thái thay đổi sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của họ”, ông Long nói thêm.

Ngoài môi trường, nhiều nhà khoa học còn lo ngại vấn đề mưu sinh của một bộ phận của người dân nghèo trên sông. Ảnh: Hoàng Trường

Cùng quan điểm, GS.TS Đào Trọng Tứ – nguyên phó tổng thư ký Ủy ban sông Mekong, cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam – cho rằng, sông Đồng Nai là dòng liên tỉnh, hàng triệu cư dân đang sống phụ thuộc vào nguồn nước của nó. Trong khi đó, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án không đề cập việc tham vấn ý kiến của Ủy ban lưu vực sông Đồng Nai và người dân các tỉnh thành liên quan.

Ông Tứ khẳng định khi dự án triển khai sẽ tác động đến hành lang tiêu thoát lũ nên phải tuân theo Luật đê điều năm 2006, quy định không được tác động gây cản trở dòng chảy và thoát lũ. “Nhìn chung báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án không quan tâm tới tính pháp lý, chỉ chú ý phân tích về mặt kỹ thuật”, GS Tứ nói.

Theo ông, đây là dự án lấn sông qui mô lớn đầu tiên tại Việt Nam sau khi Luật Tài Nguyên nước được ban hành năm 2012. Mà theo luật này, dự án đã phạm vào Điều 9, khoản 4, qui định về các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: đặt vật cản, chướng ngại vật, xây dựng công trình kiến trúc, trồng cây trái phép gây cản trở dòng thoát lũ, lưu thông nước ở các sông, suối, hồ, kênh, rạch. Trong khi đó dự án lại cho xây dựng lấn sông với diện tích 7,7 ha chắc chắn sẽ gây cản trở thoát lũ, lưu thông nước sông Đồng Nai và một số tỉnh lân cận.

Mặt khác, theo GS Tứ, với quy mô, tầm cỡ và tính chất của dự án thì các bên liên quan như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Ủy ban lưu vực sông, Ủy ban sông Đồng Nai cùng các cộng đồng dân cư có hoạt động sinh kế liên quan đều không được tham vấn.

Hiện chủ đầu tư vẫn tiếp tục đổ đất đá xuống sông với những khối đá rất to để hoàn thành việc lấn sông. Ảnh: Hoàng Trường

Trao đổi với Vnexpress sau chuyến thực địa công trường, PGS.TS Lê Mạnh Hùng – Phó tổng cục trưởng thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – khẳng định, dự án lấn sông sẽ ảnh hưởng rất lớn đến dòng chảy, sự xói mòn hai bên bờ sông và vùng hạ lưu.

“Dòng sông rộng hẹp là quy luật tự nhiên, phù hợp với dòng chảy. Khu vực này không ngẫu nhiên mà có diện tích rộng như vậy. Nếu chúng ta tác động đến thì chắc chắn nó sẽ thay đổi dẫn đến ảnh hưởng nhiều vấn đề liên quan, tùy theo mức độ khác nhau”, ông Hùng nhấn mạnh.

Ông Hùng cho hay, trong buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai hôm 24/3, đoàn đã có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhưng chưa được cung cấp đầy đủ các hồ sơ cứ liệu liên quan đến dự án. “Dự án này vẫn chưa nghiên cứu hết các cơ sở khoa học, tính pháp lý nên cần thiết cần tạm dừng để xem xét đánh giá lại thấu đáo. Hiện, Chi cục Phòng chống thiên tai đang làm báo cáo để gửi lãnh đạo Bộ xem xét đánh giá vụ việc”, ông nói.

Dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” được khởi công vào tháng 9/2014, tổng vốn đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng, với các hạng mục chính như: bờ kè, công viên, dãy nhà phố, cao ốc văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại… Dự án có chiều dài 1,3 km; đoạn xa nhất lấn ra ngoài sông Đồng Nai là 100 m.

Theo Thái Hà – Trí Tín
Vnexpress

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.