Dự thảo bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã đưa ra một số chính sách mới, theo đó người bị kết án tử hình nhưng sau khi bị kết án nếu chủ động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra, ít nhất là 1/2 số tiền, tài sản do phạm tội mà có, thì có thể chuyển thành tù chung thân. Các luật gia nói gì về vấn đề này?
Ai giàu hơn thì công lý nhiều hơn?
Ngày 7/4 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Đáng chú ý, tại dự thảo Bộ luật Hình sự quy định: Nếu người bị kết án tử hình chủ động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra, tự nguyện giao nộp cho Nhà nước ít nhất một nửa số tiền, tài sản do phạm tội mà có thì có thể được chuyển hình phạt từ tử hình xuống chung thân.
Do vậy, nộp tiền có thoát được án tử hình hay không là nội dung đang gây nhiều tranh cãi trên công luận và trong giới chuyên gia những ngày qua.
Luật thiết kế để nảy sinh cách hiểu có thể dùng tiền để đổi chác, ai giàu hơn thì công lý nhiều hơn, dẫn đến cách vận dụng sai trên thực tế thì pháp luật hình sự có vấn đề.
-LS Trương Trọng Nghĩa
Nói về vấn đề này, ông Đặng Anh, một giảng viên Luật tại Hà nội cho biết suy nghĩ của ông. Ông nói:
“Hiến pháp lần này có một điều khoản như 1 tuyên ngôn, đó là điều 19 là mọi người có quyền sống và nhà nước phải bảo hộ quyền sống cho người ta. Tuy nhiên, lần này tôi thấy rằng tuyên ngôn này thể hiện ở đây chưa mạnh mẽ lắm và việc chúng ta tước đoạt quyền sống của con người vẫn còn nhiều, cần phải rà lại. Thậm chí chúng ta tiến tới bãi bỏ, đưa sang dạng chung thân không giảm án, tôi nghĩ như vậy cũng hợp lý”.
Nói về việc định hướng sửa đổi Bộ luật Hình sự, đó là giảm thiểu việc áp dụng hình phạt tù và mở rộng các hình phạt áp dụng bằng tiền. Một cán bộ lãnh đạo của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, yêu cầu dấu danh tính cho biết :
“Có thể nói trong định hướng chung của việc sửa đổi Bộ luật Hình sự có định hướng sửa đổi liên quan đến hình phạt, đó là giảm áp dụng hình phạt tù và hình phạt giam giữ và tăng các hình phạt bằng tiền, mở rộng các hình phạt áp dụng bằng tiền. Đây là một xu hướng thể hiện chính sách nhân đạo trong chính sách Hình sự của nhà nước ta. Có lẽ hình phạt giam giữ, hình phạt tù thì sẽ hạn chế áp dụng, mà sẽ mở rộng hình phạt áp dụng bằng tiền để áp dụng cho các đối tượng phạm tội ít nghiêm trọng như phạm tội trong lĩnh vực quản lý kinh tế, xâm phạm về môi trường v.v… Hình phạt tù sẽ không áp dụng với phạm tội lần đầu hoặc phạm các tội ít nghiêm trọng.”
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ về vấn đề này, luật sư Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP.HCM) cho rằng “Luật thiết kế để nảy sinh cách hiểu có thể dùng tiền để đổi chác, ai giàu hơn thì công lý nhiều hơn, dẫn đến cách vận dụng sai trên thực tế thì pháp luật hình sự có vấn đề. Nếu có chuyện khắc phục hậu quả để được giảm án từ tử hình xuống chung thân thì cũng nên hiểu đây là tình tiết giảm nhẹ.”
Tính răn đe của luật pháp sẽ ra sao?
Đại diện Viện Kiểm Sát trong một phiên tòa.
Trả lời câu hỏi tính răn đe của luật pháp sẽ ra sao, nếu người có tiền không sợ các hình phạt của pháp luật?
Nếu chúng ta lạm dụng hình phạt tiền để áp dụng với nhiều loại tội phạm, áp dụng mà không căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội từ hành vi của người phạm tội thì tính răn đe của pháp luật sẽ không cao. LS. Trần Thu Nam khẳng định:
“Từ trước đến nay đã có rất nhiều những cái án tử hình, thế nhưng mà nó không giảm bớt được việc phạm tội và nó cũng không răn đe được nhiều. Vấn đề ở đây là vấn đề thực thi pháp luật một cách nghiêm túc thì vấn đề nó sẽ khác hơn là việc dùng hình phạt để răn đe. Theo tôi nghĩ việc bỏ án tử hình nó không liên quan đến và không ảnh hưởng nhiều đến vấn đề mang tính chất răn đe hay tội phạm nó sẽ tăng lên. Tôi nghĩ nó không đồng nghĩa với nhau.”
Khi được hỏi, quy định này có thể dẫn đến việc người phạm tội có thể chuẩn bị tài chính để đối phó khi phạm tội hay không?
Đây là một vấn đề hết sức phức tạp cần phải xem xét kỹ dười nhiều góc độ khác nhau, để tránh tạo lỗ hổng của pháp luật khiến kẻ xấu có thể lợi dụng. Vị cán bộ lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao nhận định:
Từ trước đến nay đã có rất nhiều những cái án tử hình, thế nhưng mà nó không giảm bớt được việc phạm tội và nó cũng không răn đe được nhiều.
-LS Trần Thu Nam
“Ở chỗ này tôi nghĩ cần có sự cân nhắc xem riêng thêm về tội danh án tham nhũng, đã là tham nhũng thì theo tôi không nên đặt vấn đề áp dụng cái việc này. Bởi vì nếu áp dụng vấn đề này trong khí thế chúng ta chống tham nhũng như vậy có thể dẫn tới suy giảm chung cái niềm tin. Cái thứ 2 nữa là tuyên án tử hình rồi song lại nộp tiền – ½ số tiền do phạm tội gây ra thì có thể là việc xem xét án tử hình xuống chung thân thì tôi nghĩ cái này dễ dẫn đến một cách hiểu không chuẩn. Cho nên theo quan điểm của tôi khẳng định là, đối với án tham nhũng thì không nên đặt ra quy định này hoặc cần phải xem lại dự thảo này. Tuy nhiên đây là quá trình soạn thảo, thì đây cũng là một cái hướng mà tôi nghĩ rằng cần phải được cân nhắc.”
Tuy nhiên, những tài sản, tiền họ chiếm được đã được tẩu tán nên không thể thu hồi lại được các tài sản này, hình phạt này rất phù hợp đối với những loại tội phạm như tham nhũng. LS. Trần Thu Nam cho biết:
“Cái việc bỏ án tử hình là một vấn đề đúng đắn và nên làm, tuy nhiên việc vẫn giữ án tử hình nhưng áp dụng việc phạt ½ số tiền để khắc phục hậu quả để thoát án tử hình thì đấy nó là vấn đề đang gây ra rất nhiều tranh cãi. Bởi vì là nó liên quan đến một số tội danh liên quan đến vấn đề tham nhũng. Vấn đề là người có tiền để khắc phục thì họ thoát án tử hình, còn những người không có tiền thì chắc chắn họ sẽ phải chịu chết. Như vậy nó gây ra sự bất công giữa người giàu và người nghèo.”
Quy định này của dự thảo nên được hiểu việc khắc phục hậu quả của người phạm tội là tình tiết giảm nhẹ chứ không có nghĩa là đổi chác. Vị cán bộ lãnh đạo của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao khẳng định:
“Có thể khẳng định ngay là không thể có chuyện có tiền thì thoát án tử hình, nhưng mà phải nói rằng đúng là vấn đề hình phạt tử hình đang là một trong những vấn đề cần nghiên cứu kỹ trong việc soạn thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Nhưng cá nhân tôi khẳng định trong điều kiện tình hình VN hiện nay thì không thể bỏ hình phạt tử hình được, nhưng về xu hướng thì nên giảm và riêng về án tham nhũng thì quan điểm của tôi trong lúc này là không thể bỏ án tử hình được. Cho nên trong Dự thảo, tội về tham ô, tội về nhận hối lộ thì vẫn quy định có hình phạt tử hình.”
Tử hình là tước đi quyền sống – quyền cơ bản quan trọng nhất của con người, tước bỏ cơ hội phục thiện của người bị kết án cũng như loại trừ khả năng oan sai có thể xảy ra trên thực tế. Trong chủ trương giảm hình phạt tử hình, VN có thể nghiên cứu áp dụng biện pháp của các nước là tuyên án tử hình mà không thi hành và tù chung thân nhưng không giảm án.
Theo RFA
undefined