VNTB – Ở Việt Nam, công dân nào đủ can đảm để công khai chống chính quyền?

VNTB – Ở Việt Nam, công dân nào đủ can đảm để công khai chống chính quyền?

Võ Hàn Lam

(VNTB) – Lời tuyên thệ của nhóm Hiến Pháp: “Quyết tử cho tổ quốc trường tồn” được nhắc nhiều trong phiên tòa xét xử họ. Xứ sở này bất tử.

Xin được luận bàn quanh “Tội phá rối an ninh” tại điều 118 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bản tin trên báo Công an TP.HCM hôm 31-7 tường thuật về một vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, theo khoản 1, điều 118 Bộ luật Hình sự 2015, “nhằm chống chính quyền nhân dân mà kích động, lôi kéo, tụ tập nhiều người phá rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức”, viết như sau (trích):

“Theo cáo trạng, đây là nhóm những người có tư tưởng bất mãn với chính quyền, thường xuyên tiếp xúc với các thông tin trên có nội dung xấu trên mạng xã hội. Các bị cáo (…) đã chia sẻ các video trên Facebook cá nhân để kêu gọi, kích động, lôi kéo người tham gia biểu tình.

Quá trình thực hiện hành vi phạm tội, các bị cáo đã tổ chức họp bàn để lên kế hoạch, phân công nhiệm vụ, kêu gọi tài trợ, chuẩn bị hung khí, công cụ hỗ trợ để tổ chức một cuộc biểu tình mang tính chất bạo động, gây bạo loạn với mục đích gây mất trật tự xã hội, an ninh chính trị nhằm chống phá chính quyền Nhà nước Việt Nam, nhưng đã bị các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện và ngăn chặn” (*).

“Nhằm chống chính quyền nhân dân” đó là mệnh đề thuộc vế phải có cho yêu cầu tiếp theo là ‘thực hiện’.

Câu hỏi đặt ra: thế nào là nhằm chống chính quyền nhân dân?

Đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, mục đích là dấu hiệu bắt buộc trong định tội. Mục đích chống chính quyền là mục đích chung phải có đối với tất cả các tội xâm phạm an ninh quốc gia.

Tuy vậy mục đích chống chính quyền chỉ có ý nghĩa xác định một hành vi cụ thể phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia.

Muốn xác định hành vi đó phạm tội gì phải căn cứ vào mục đích cụ thể. Biểu hiện của hành vi phạm tội và mục đích cụ thể giúp xác định khách thể trực tiếp của tội phạm.

Tất cả các tội xâm phạm an ninh quốc gia đều nhằm chống chính quyền, nhưng mục đích cụ thể thì khác nhau, và đó là căn cứ để định tội. Chẳng hạn hành vi thành lập tổ chức chống chính quyền, nếu mục đích nhằm lật đổ chính quyền thì phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; nếu nhằm thu thập bí mật Nhà nước cung cấp cho nước ngoài thì phạm tội gián điệp. Hành vi nói xấu Nhà nước, xuyên tạc chế độ XHCN, nếu nhằm gây chia rẽ tín đồ tôn giáo với chính quyền thì phạm tội phá hoại chính sách đoàn kết; nếu nhằm kích động người khác trốn đi nước ngoài thì phạm tội trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân.

Với vụ án mà tựa bài báo Công an TP.HCM đã đặt là “Xét xử 8 thành viên nhóm kín “Hiến Pháp” tội phá rối an ninh”, thì một thắc mắc là mục đích cụ thể của nhóm này là gì? Bài báo cho biết, “các bị cáo đã tổ chức họp bàn để lên kế hoạch, phân công nhiệm vụ, kêu gọi tài trợ, chuẩn bị hung khí, công cụ hỗ trợ để tổ chức một cuộc biểu tình mang tính chất bạo động, gây bạo loạn với mục đích gây mất trật tự xã hội, an ninh chính trị nhằm chống phá chính quyền Nhà nước Việt Nam”.

Cáo buộc với nội dung nêu trên cho thấy là điều không tưởng đối với hoàn cảnh thực tế ở Việt Nam. Bởi với một quốc gia chưa có luật về quyền biểu tình như Việt Nam, thì hầu như mọi manh nha cho ‘xuống đường phản đối’ đều bị nhanh chóng ‘dập tắt’ ngay từ đầu; thậm chí ngay cả khi ‘được xuống đường’, chắc chắn người dân nào dù có ‘gan bằng trời’, cũng hiểu là nếu xảy ra bạo động, thì họ sẽ là người bị trấn áp nhanh nhất bởi lực lượng vũ trang luôn trong tâm thế sẳn sàng.

Hơn nữa, một nhóm người thì khó thể nào lại chọn giải pháp ‘đối đầu’ với nhà chức trách, khi họ quyết định chọn việc biểu tình đề đạt yêu cầu, nguyện vọng nào đó. Lưu ý, ở Việt Nam có hẳn luật An ninh quốc gia, nên nhóm người dân khó thể ‘chống chính quyền nhân dân’ qua việc ‘xuống đường biểu tình gây rối’. Họ hiểu họ sẽ lập tức bị bắt giữ, thậm chí trấn áp thô bạo.

Cách giải thích hợp cả lý lẫn tình ở đây, là nhóm kín “Hiến Pháp” như tựa bài báo Công an TP.HCM, đang muốn biểu thị một quyền dân sự bằng hành động tổ chức biểu tình tự phát, qua đó gây sự chú ý của các cấp liên quan về yêu cầu cho chính sách/ quyết sách hay dự luật nào đó.

____________________

Chú thích:

(*) http://congan.com.vn/song-theo-phap-luat/xet-xu-8-thanh-vien-nhom-kin-hien-phap-toi-pha-roi-an-ninh_96803.html

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)