Việt Nam Thời Báo

Đại sứ Mỹ tại VN Ted Osius: ‘Chúng ta có cơ hội to lớn với TPP’

“Đất nước chúng tôi đã chiến đấu cho sự tự do của hàng hải và đó là lợi ích cốt lõi trong vòng 238 năm qua”.

Tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Ted Osius, đã có chuyến thăm TP.HCM từ ngày 15 đến 19-1. Trưa 18-1, ông đã có buổi gặp gỡ và trả lời một số phóng viên báo chí tại Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, nhân dịp tiến tới kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ.

TPP – cơ hội tăng kim ngạch thương mại

. Pháp Luật TP.HCM: Quan sát của ông trong những lần gặp gỡ với các doanh nghiệp Mỹ đang đầu tư tại Việt Nam họ nhận định môi trường đầu tư tại Việt Nam như thế nào? Họ có đề xuất gì về những thay đổi trong thể chế, môi trường đầu tư…?



+ Đại sứ Ted Osius (ảnh): Nhìn trên diện rộng Đông Nam Á nước Mỹ là nhà đầu tư số một nhưng chúng ta phải tìm hiểu xem tại sao Mỹ không phải là nhà đầu tư số một tại Việt Nam. Tôi nghĩ có vài lý do. Chúng tôi có thể trở thành số một trong tương lai nhưng chúng ta phải làm việc nghiêm túc để đạt tới vị trí đó.

Tôi nghĩ Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cho chúng tôi cơ hội to lớn để gia tăng kim ngạch thương mại và đầu tư của Mỹ vào Việt Nam.

Khi tôi hỏi những doanh nghiệp Mỹ những gì khác sẽ là quan trọng nhất đối với họ, họ nói rằng họ thật sự muốn một sân chơi đẳng cấp, tính pháp lý của hợp đồng được tôn trọng, họ muốn công bằng, minh bạch.

Vài ngày trước đây, tôi nói với Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Lê Hoàng Quân, rằng: “Chúng ta có cơ hội to lớn với TPP. Đây là điều các nhà đầu tư Mỹ cũng hứng thú. Nên chăng có một cơ chế cụ thể cho các nhà đầu tư Mỹ khi gặp trở ngại thì nhà đầu tư đó có thể gặp ai, đến nơi nào để giải quyết vấn đề cụ thể đó”.Vị chủ tịch nói: “Chúng ta có thể có được cơ chế đó”. Do đó, chúng tôi sẽ làm việc ngay để thiết lập cơ chế đó.

Hiện tại chúng ta có nhiều cơ hội đối thoại hơn so với trước đây về vấn đề môi trường thương mại và đầu tư, cũng đồng thời có nhiều giao thương hơn hẳn trước đây. Giờ chúng ta đang nói về 30 tỉ USD kim ngạch thương mại hai chiều mỗi năm trong khi trước đây những hoạt động thương mại ít ỏi hơn.

Đại sứ Ted Osius đạp xe cùng các bạn trẻ ở Trung tâm tư vấn du học Hoa Kỳ trên tuyến đường Hoàng Sa (TP.HCM) vào chiều 18-1. (Ảnh do Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM cung cấp)

Gắn kết giữa người với người

VnExpress: Ông từng là một trong những người đầu tiên thúc đẩy quan hệ song phương hai nước từ 20 năm trước, những kinh nghiệm thời đó giúp đỡ gì ông trong vai trò mới?

+ Tôi nghĩ rằng nó giúp nhiều. Tôi có gắn kết sâu sắc với đất nước này. Tình cảm sâu sắc (nói bằng tiếng Việt). Tôi học tiếng Việt khi còn trẻ và bây giờ tôi có thể nói, hiểu tiếng Việt và ngày ngày vẫn học thêm tiếng Việt. Tôi có nhiều bạn khi ở đây. Tôi có thể đi khắp đất nước Việt Nam. Bây giờ với cương vị là đại sứ, tôi có những hiểu biết cơ bản về Việt Nam. Và tôi nghĩ rằng mọi người biết tôi quan tâm đến đất nước các bạn, tôn trọng lịch sử Việt Nam, văn hóa, ngôn ngữ, con người Việt Nam. Tôi nghĩ rằng nó cho tôi nhiều cơ hội thực tế để gắn kết hơn nữa, cơ hội để kết nối chặt chẽ với đất nước này.

. Thanh Niên: Trong nhiệm kỳ này, ông chú trọng đến những vấn đề nào để giúp quan hệ hai quốc gia sâu sắc hơn?

+ Chúng tôi có 20 năm về chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright tại TP.HCM và tương lai chúng tôi sẽ giúp tạo dựng không chỉ trường đại học tốt nhất ở Việt Nam mà còn là đại học mới tốt nhất trên thế giới tại TP.HCM. Đó là ĐH Fullbright. Quốc hội Mỹ nghĩ rằng đây là điều đáng để đầu tư nhiều triệu đôla.

Điều đó cũng cho thấy sự nghiêm túc như thế nào từ phía Mỹ đối với quan hệ hợp tác giáo dục giữa hai nước.

Bên cạnh đó còn là những hợp tác về kinh tế, y tế, môi trường… Trong những quan hệ đó, không chỉ là mối liên hệ trực tiếp giữa chính phủ và chính phủ mà đôi khi là mối liên hệ từ những nhân viên y tế cùng làm việc ở tổ chức nào đó hoặc những nghiên cứu sinh làm việc cùng nhau. Và quan trọng hơn nữa là gần 2 triệu người Việt đang ở Mỹ là nguồn lực quý giá để làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa con người với con người.

Mỹ quan tâm đến tiến trình giải quyết tranh chấp

Pháp Luật TP.HCM và Tuổi Trẻ: Báo cáo về giới hạn biển của Bộ ngoại giao Mỹ có phải là quan điểm mới của Mỹ về vấn đề biển Đông hay không? Mỹ có hướng đi gì trong chính sách hướng Đông để đảm bảo an ninh hàng hải quốc tế trong đó có Mỹ?

+ Đó không phải là một chính sách mới. 

Chiến lược của Mỹ trong khu vực có ba phần: Thứ nhất, tiếp tục sự hiện diện của hải quân Mỹ trong khu vực. Thứ hai, tiếp tục hỗ trợ các cơ chế pháp lý quốc tế để giải quyết tranh chấp lãnh thổ trong hòa bình. Chúng tôi không nói rằng lãnh thổ này thuộc quốc gia nào nhưng chúng tôi quan tâm đến tiến trình giải quyết tranh chấp. Chúng tôi muốn quá trình này là hòa bình. Thứ ba, Mỹ cam kết tăng cường mối quan hệ với các nước đồng minh trong khu vực: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Úc để giúp họ tăng cường năng lực quốc phòng. Và chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam nâng cao năng lực đặc biệt trong lĩnh vực hàng hải.

Đất nước chúng tôi đã chiến đấu cho sự tự do của hàng hải và đó là lợi ích cốt lõi trong vòng 238 năm qua. Chúng tôi tin rằng tự do hàng hải là mối quan tâm của mọi người và là nền tảng chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ ngày lập quốc. Vì vậy, chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ các quốc gia nâng cao năng lực bảo vệ chính mình và được cảnh báo về những gì đang xảy ra tại hải phận và không phận của các quốc gia đó.

. Pháp Luật TP.HCM: Vậy việc hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam trong những năm sắp tới như thế nào?

+ Điều quan trọng ở đây là chúng ta là đối tác. Chúng tôi tôn trọng việc Việt Nam muốn thúc đẩy mối quan hệ này đi lên. Bởi vậy ngay bây giờ chúng ta có một biên bản ghi nhớ trên năm lĩnh vực: Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, an ninh hàng hải, gìn giữ hòa bình và các cuộc đối thoại thượng đỉnh. Có những khu vực hợp tác mà chúng tôi đã thỏa thuận trong biên bản ghi nhớ. Chúng tôi rất tự hào về bản ghi nhớ cũng như ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy bản ghi nhớ.

. Xin cám ơn ông.

Trong chuyến thăm TP.HCM từ ngày 15 đến 19-1, Đại sứ Ted Osius đã có buổi chào xã giao Chủ tịch TP.HCM Lê Hoàng Quân; gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tại TP.HCM; tham gia sự kiện 20 năm chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright. Và trong chiều 18-1, ông đã đạp xe dạo quanh một số tuyến đường tại TP.HCM như Hoàng Sa – Trường Sa, Phạm Văn Hai, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Văn Trỗi… Trong hành trình đạp xe ông cũng đã dừng nhiều địa điểm như chợ Phạm Văn Hai, chùa Vĩnh Nghiêm… để tìm hiểu về đời sống, sinh hoạt của người dân TP.HCM nhằm gắn kết hơn với vùng đất mà luôn làm ông ngạc nhiên.
“Trong vòng 20 năm qua, tôi luôn ngạc nhiên về độ năng động, về sự tăng trưởng, năng lượng sống từ con người TP.HCM. Sự ngạc nhiên đến hài lòng này làm tôi hạnh phúc. TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung đang phát triển trên nhiều mặt… Rất nhiều người ở Mỹ từ tổng thống đến ngoại trưởng đều mong muốn Việt Nam cường thịnh, giàu có, độc lập… Đó cũng là một trong những lý do tôi trở lại đây” – ông Ted Osius cho hay.


(Theo Quỳnh Trang – Báo Pháp Luật)

Tin bài liên quan:

Cử người thay Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh

Phan Thanh Hung

Đề nghị kiểm tra kết luận và động cơ của việc thanh tra báo Người Cao Tuổi

Phan Thanh Hung

Cho Mỹ sử dụng cảng Cam Ranh có ý nghĩa gì?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo