Sự bức xúc của người dân và doanh nghiệp về việc tăng phí giao thông qua các trạm BOT dường như đã lên đến đỉnh điểm khi liên tiếp xảy ra các vụ dân chúng chặn xe ở một số trạm thu phí để phản đối mức phí cao.
Việc tăng phí quá cao tại các trạm BOT dường như đang vượt quá sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp – Ảnh: Anh Quân |
Hôm qua 10-1, lần thứ hai chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày, người dân và một số doanh nghiệp tiếp tục đưa xe đến chặn tại trạm thu phí Quán Hàu, tỉnh Quảng Bình để phản đối việc tăng phí quá cao qua trạm này. Sau hơn hai giờ phản đối, người dân đã giải tán, tuy nhiên họ vẫn không đồng tình với cách giải thích từ phía cơ quan chức năng và nhà đầu tư.
Trước khi người dân đưa xe đến chặn tại các trạm thu phí, vào cuối năm 2015, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có văn bản đề nghị các nhà đầu tư BOT và Bộ Tài chính lùi thời hạn tăng phí đến 1-6-2016 thay vì tăng từ ngày 1-1-2016. Lý do Bộ GTVT đề nghị lùi thời hạn tăng phí là chỉ số giá tiêu dùng năm 2015 tăng thấp với mức 0,63% so với năm 2014; đây cũng là con số thấp nhất trong vòng 15 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, đề nghị này không được Bộ Tài chính chấp thuận với lý do đề nghị lùi thời hạn tăng phí của Bộ GTVT chưa phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ, và cam kết với nhà đầu tư trong hợp đồng BOT đã được ký. Ngoài ra, trong thông cáo báo chí phát đi hôm 7-1, Bộ Tài chính giải thích rằng, văn bản đề nghị lùi thời hạn tăng phí của Bộ Giao thông Vận tải gửi đến bộ này ngày 25-12-2015 (cách ngày tăng mức phí một tuần) là quá ngắn nên bộ này không kịp nghiên cứu, đánh giá xem xét để ban hành các thông tư mới. Hơn nữa, các trạm đã in và bán vé tháng, vé quý nên không thể thực hiện lùi thời gian tăng phí như đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải.
Giải thích này của Bộ Tài chính có vẻ lại đi ngược lại với chính thông tư 159 được bộ này ban hành. Cụ thể, Điều 6 của thông tư 159/2013/TT-BTC có ghi rõ: “Định kỳ 3 năm kể từ năm 2016 trở đi, căn cứ tình hình thực tế, chỉ số giá cả và đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính thực hiện điều chỉnh mức thu phí quy định tại Thông tư này bảo đảm nguyên tắc của pháp luật về phí, lệ phí”.
Chiếu theo điều này thì dường như Bộ Tài chính đang làm ngược lại khi chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp và Bộ GTVT cũng đã đề nghị lùi thời hạn tăng phí, song tất cả đều không được chấp thuận.
Điều đáng nói là phí đường bộ qua các trạm BOT đã tăng kể từ ngày 1-1-2014, trong khi thông tư 159 được ban hành ngày 14-11-2013, điều này có nghĩa là tính đến ngày 1-1-2016 vẫn chưa đủ định kỳ 3 năm theo quy định.
Chính vì vậy, đợt tăng phí lần này bị các doanh nghiệp vận tải phản đối rất mạnh và các doanh nghiệp cho rằng cơ quan quản lý tài chính đang lạm thu khi người dân và doanh nghiệp vừa phải đóng phí đường bộ hàng năm, vừa bị thu phí qua trạm BOT với mật độ trạm dày đặc.
Mức tăng phí từ 15.000 đồng/lượt lên 35.000 đồng/lượt (xe dưới 9 chỗ ngồi) và từ 120.000 đồng/lượt lên 200.000 đồng/lượt (xe tải nặng) – thậm chí nhiều trạm mức tăng còn gấp 2-3 lần so với mức thu trước đây – được cho là vượt quá sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp.
Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng, cho biết nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa ở Hải Phòng rất bức xúc khi phí qua hai trạm trên Quốc lộ 5 đã tăng lên 2-3 lần so với trước kia kể từ ngày 1-12-2015.
Tuy nhiên, từ 1-4 tới đây, mức phí này sẽ tiếp tục tăng, thấp nhất với xe 4 chỗ là 45.000 đồng và 200.000 đồng một lượt với xe 18 tấn trở lên. Mức phí tăng dồn dập khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, trong khi phía chủ hàng không chấp nhận tăng cước phí.
Tương tự, ông Trịnh Châu Khánh, Giám đốc Công ty vận tải Kim Lợi Minh, cũng cho biết từ đầu năm 2016 chi phí của doanh nghiệp ông bị đẩy lên khá cao do phí qua trạm BOT tăng. Tuy nhiên, các chủ hàng không chấp nhận mức tăng như vậy nên doanh nghiệp vận tải đành chấp nhận “móc” thêm tiền túi để đóng phí đến sau Tết Nguyên đán.
Nói về giải thích của Bộ Tài chính về việc vẫn tiếp tục cho tăng phí, ông Khánh cho rằng lý do Bộ Tài chính đưa ra hoàn toàn không thuyết phục, quy định do nhà nước ban hành, nếu muốn sửa thì hoàn toàn sửa được ngay trong thời gian ngắn chứ không phải đợi nửa năm hoặc cả năm mới sửa được.
“Với mức lạm phát thấp, nếu cho tăng phí từ đầu năm 2016 thì phải tính toán lại thời gian hoàn phí vì rõ ràng với mức tăng lên như vậy trong bối cảnh đầu vào đã tính ở mức cao nhất thì thời gian hoàn vốn phải được rút ngắn xuống”, ông Khánh đề nghị.
Sau khi giá xăng dầu giảm mạnh, cơ quan chức năng đã yêu cầu nhiều doanh nghiệp vận tải giảm giá cước. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách chạy tuyến TPHCM đi các tỉnh miền Trung cho biết, mặc dù giá xăng dầu giảm nhưng phí qua các trạm BOT lại tăng cao hơn rất nhiều so với trước nên không thể giảm giá cước. Thậm chí vào dịp tết giá vé phải tăng ở mức kịch trần là 60% so với ngày thường để bù chi phí.
Mới chỉ sau hơn 10 ngày tăng phí, bất cập của việc tăng phí đã bắt đầu nảy sinh qua một số vụ việc chặn xe tại Quảng Bình hay trước đó tại thị trấn Lương Sơn tỉnh Hòa Bình.
Sự việc tương tự chưa xảy ra tại các địa phương khác, song một khi sự bức xúc của người dân chưa được giải quyết thấu đáo thì rất có thể sẽ có nhiều cuộc chặn xe nữa xảy ra để phản đối việc tăng phí. Có thể thấy, trong việc phát triển ồ ạt các dự án BOT như thời gian vừa qua các cơ quan quản lý cũng chưa lường hết được hệ lụy.
Thông thường khi tăng phí, cơ quan quản lý đã dựa vào mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng để cân nhắc nhằm bù trượt giá, giúp nhà đầu tư thu đủ số vốn. Tuy nhiên khi chỉ số giá cả tăng thấp như năm 2015 thì các nhà đầu tư BOT nên xem xét tính toán lại lộ trình cũng như mức tăng phí cho phù hợp với thực tế, tránh gặp phải sự phản ứng không đáng có như thời gian qua.
Theo TBKTSG