Việt Nam Thời Báo

Nguy cơ: Đảng lại tăng cường lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân

Thảo Vy

* Tác giả gửi bài trực tiếp cho VNTB

Thực chất của Quy định 170 và Nghị định 98 chính là đưa việc thực hiện nhiệm vụ chính trị từ DNNN sang DNTN, đưa cái vòng kim cô XHCN lên đầu khu vực doanh nghiệp này.

Kể từ ngày 10-12-2014, tất cả các loại hình doanh nghiệp (DN), kể cả tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài, đều phải thành lập tổ chức Đảng.

Đó là một trong những nội dung của Nghị định 98/2014/NĐ-CP (Nghị định 98).

Cùng với Quy định 170-QĐ/TW 2013 (Quy định 170) trước đó, đã đưa khối doanh nghiệp tư nhân (DNTN) vào một thế khó, khi vừa thực hiện hoạt động kinh doanh, vừa tiến hành hoạt động chính trị theo sự chỉ đạo của Đảng và nhà nước.

Cơ sở Đảng trong doanh nghiệp: Không lạ

Sự ra đời của Nghị định này là hướng dẫn “thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội tại DN thuộc mọi thành phần kinh tế”.

Nội dung về xây dựng cơ sở Đảng trong các loại hình DN là không lạ khi trước đó, Chỉ thị số 07 của BCT khóa VIII, và gần đây nhất là Quy định 170 đã có đề cập đến.

Điều 1, Quy định 170, “Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong DN tư nhân là hạt nhân chính trị lãnh đạo đảng viên, các tổ chức chính trị – xã hội trong DN; tuyên truyền, vận động chủ sở hữu, các thành viên hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, giám đốc hoặc tổng giám đốc và các chức danh quản lý khác do điều lệ DN quy định (gọi chung là người quản lý DN) và NLĐ chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, DN và NLĐ”.

Như vậy, việc tổ chức cơ sở Đảng trong DN chính là sự chú trọng tuyên truyền, vận động và định hướng DN thực hiện theo đường lối, chủ trương, chính sách có lợi cho Đảng, nhà nước.

Theo đó, các DNTN buộc phải thực hiện nhiệm vụ “Công tác tổ chức, cán bộ” (theo điều 5) và “Công tác xây dựng đảng” (theo điều 6), phải “Thường xuyên kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên chấp hành điều lệ, nghị quyết, chỉ thị của Đảng; quy định của cấp ủy cấp trên và Quy định của Trung ương về những điều đảng viên không được làm.” Song song với hoạt động kinh doanh của mình.

Định hướng DN theo chính sách có lợi cho việc phát triển kinh tế là điều cần làm, nhưng trong trường hợp này, sự tuyên truyền và định hướng đó chỉ nhằm mục đích xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN vốn có quá nhiều bất ổn và đầy khuyết tật chỉ khiến cho bản thân khối DN bị bó buộc về mặt chính sách phát triển, kinh doanh trong khi môi trường kinh doanh cần sự tự do để cạnh tranh.

Nó không khác gì cái cách mà nhà nước hiến định vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong nền kinh tế thông qua Điều 55, Hiến pháp 2013. Nhưng thực chất, DNNN không phục vụ cho mục tiêu kinh tế đơn thuần, mà nó còn thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong đó là sự “quán triệt sâu sắc mục tiêu” của Cương lĩnh Đảng Cộng Sản Việt Nam về: “Mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội…, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh và hạnh phúc”.

Do đó, thực chất của Quy định 170 và Nghị định 98 chính là đưa việc thực hiện nhiệm vụ chính trị từ DNNN sang DNTN, đưa cái vòng kim cô XHCN lên đầu khu vực doanh nghiệp này, trong khi những hỗ trợ về chính sách, nguồn vốn nhằm xóa bỏ sự bất bình đẳng giữa hai khối DN lại chưa được quan tâm đúng mức. Chính vì vậy, khối DNTN không mặn mà lắm với việc có thêm cơ sở Đảng, nên bấy lâu, hầu như không thông qua thành lập hoặc tìm cách hạn chế hoạt động của tổ chức Đảng, đoàn.

Vì vậy, thông qua điều 4.3 (Nghị định 98) đã buộc “DN nếu chỉ có 1 hoặc 2 người lao động (NLĐ) là đảng viên chính thức, cấp ủy đảng cấp trên cơ sở chuyển số LĐ là đảng viên đó về tổ chức Đảng cấp trên cơ sở, quyết định lập chi bộ ghép hoặc phân công đảng viên của tổ chức Đảng cấp trên cơ sở về sinh hoạt và lập tổ chức Đảng tại DN”.

Thậm chí ở trường hợp “DN chưa có NLĐ là đảng viên, cấp ủy đảng cấp trên cơ sở chỉ đạo cấp ủy đảng cơ sở nơi DN đặt trụ sở chính, phân công cấp ủy viên, đảng viên có kinh nghiệm phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội trong DN phát hiện, bồi dưỡng tạo nguồn, kết nạp đảng viên, khi đủ điều kiện theo quy định của Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam, cấp ủy đảng cấp trên cơ sở quyết định thành lập tổ chức Đảng tại DN” (Điều 4.4).

Nghị định 98, vì thế, cũng chỉ là bước đi mang tính cưỡng ép hơn là hướng dẫn, ràng buộc hơn là tự nguyện. Nó cho thấy sự chi phối của Đảng về mặt định hướng chính sách, thông tin trong khối DNTN nói riêng, và các loại hình DN khác nói chung. Thậm chí, sự “cưỡng ép” lần này, khiến cho sản xuất – kinh doanh trở thành một hoạt động… chính trị không hơn không kém.

Ông chủ DN phải cúi đầu trước Bí thư chi bộ?

DNTN chiếm 97% tổng số DN tại Việt Nam với 650.000 DN hoạt động vào cuối năm 2013, và đang mở rộng quy mô ngày càng lớn. Đóng góp tới 50% GDP, sử dụng tới 86% lực lượng lao động trong nước nhưng vẫn chỉ là con ghẻ trong mắt Đảng và nhà nước. Thay vì tôn trọng và bảo đảm quyền tự do kinh doanh của các DNTN, cũng như đổi mới phương thức quản lý kinh tế nhằm đạt được hướng có lợi nhất cho nền kinh tế. Trong đó xác định đúng vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân, đảm bảo nguồn vốn, trợ giúp chính sách giúp cho khu vực này tăng cường năng lực cạnh tranh bình đẳng, nhất là đối với khối DNNN, trong các lĩnh vực như bưu chính viên thông, điện lực, khoáng sản…

Đặc biệt, trong khi nền kinh tế còn đang trong giai đoạn khó khăn, “Môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh cải thiện còn chậm. Thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc. Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn. DN còn khó tiếp cận vốn tín dụng.

Năng lực tài chính và quản trị của phần lớn DN trong nước còn hạn chế. Số DN giải thể, ngừng hoạt động còn lớn. Tỷ trọng đầu tư của khu vực ngoài nhà nước giảm” như trong báo cáo tình hình KT-XH của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII. Nhưng nhà nước lại mải mê với việc tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong DNTN, và đưa khu vực doanh nghiệp này đi theo con đường kinh tế không tưởng – kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Khó có thể nói trước nền kinh tế sẽ ra sao, nếu như sự phát triển của kinh tế tư nhân lại nằm trong “chiến lược lâu dài của Đảng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” như trong Điều 3, Quy định 170.

Nhưng rõ ràng, việc gắn mác chính trị lên sản phẩm kinh tế đã không cho thấy một tương lai tốt đẹp nào cho nền kinh tế nước nhà. Nhất là khi chính ông Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bùi Quang Vinh, khi được hỏi thế nào là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ông thẳng thắn: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”.

Trong khi đó, Điều 6.1 của quy định 170 vẫn tiếp tục xác định những “hạt nhân chính trị” và đặt ra yêu cầu “nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên”, đã đưa đến việc chi bộ đảng trao quyền “ngồi ngang ghế” với giám đốc DN và được cả “quyền trượng” nhân danh tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam để can thiệp sâu vào toàn bộ quá trình điều hành của DN, nhưng lại không phải chịu bất cứ trách nhiệm vật chất và pháp lý nào về hậu quả xảy ra đến từ “quyết định” của cấp ủy, thì quả là quá mạo hiểm cho cả nền kinh tế.

Nghị định 98 ra đời, tiếp tục buộc DNTN tiếp nhận cơ sở Đảng và sự lãnh đạo của Đảng. Thông qua Điều 7, với việc hướng dẫn, giúp đỡ DN chưa thành lập tổ chức Đảng, đồng thời “Kiểm tra, đôn đốc việc thành lập tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị – xã hội tại doanh nghiệp”.

DNTN vốn đã khó vì bị đối xử bất bình đẳng trong địa vị, cơ hội và bảo hộ so với DNNN, mặc cho điều 33 – Hiến pháp 2013 vẫn nêu cao quyền tự do kinh doanh. Lần này, thông qua việc đưa sự lãnh đạo kinh tế của Đảng về cơ sở DNTN, thì “rào cản” đối với DNTN tiếp tục được dựng lên, dẫn đến khó khăn lớn hơn đối với các doanh nghiệp khu vực này, khi tiếp tục chịu ràng buộc về chủ trương, chính sách phục vụ cho nền kinh tế định hướng không tưởng với những nghị quyết chính trị thay vì quyết định thị trường.

Tin bài liên quan:

VNTB- Tín dụng thân hữu: đâu chỉ chuyện của ca sĩ họ Đàm

Phan Thanh Hung

VNTB – Cơ quan thuế đã thu bao nhiêu tiền thuế TNDN ở VCPMC?

Phan Thanh Hung

Bác sĩ cử tuyển: Tham nhũng chính sách?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.