Việt Nam Thời Báo

Quan hệ Việt – Tàu trong suốt dòng lịch sử

Bs Nguyễn Đan Quế
* Tác giả gửi bài trực tiếp cho VNTB

Một ngàn năm đô hộ giặc Tầu, một trăm năm nô lệ giặc Tây, ba mươi năm nội chiến từng ngày…(nhạc Trịnh Công Sơn). Điều đó nói lên khái quát những đau thương trong lịch sử Việt Nam suốt 20 thế kỷ qua. Nhưng chúng ta cũng có vài trăm năm thịnh trị và oai hùng trải từ Ngô Quyền thắng quân Nam Hán (938), Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn sứ quân (980), Lê Đại Hành thắng Tống (981), sang Triều Lý với 215 năm độc lập (1010 – 1225), Triều Trần 175 năm (1225 – 1400) với bao chiến công lẫy lừng của Hưng Đạo Đại Vương hai lần đại thắng quân Nguyên, rồi Triều Lê Sơ gần 100 năm (1428 – 1527) với anh hùng áo vải Lê Lợi, Triều Hậu Lê (hay Lê trung hưng) với Trịnh – Nguyễn phân tranh gần 200 năm (1592 – 1789) có công của Chúa Nguyễn khai khẩn mở mang bờ cõi xuống phương Nam, Triều Tây Sơn (1778 – 1783) thống nhất sơn hà về một mối với Quang Trung đại thắng 20 vạn quân Thanh trong trận Đống Đa. Quang Trung mất, Gia Long phục nghiệp lên ngôi (1802) và Triều Nguyễn kéo dài 143 năm đến 1945 với biết bao biến động thăng trầm khi đụng nền văn minh cơ khí Âu Châu do Pháp xâm chiếm Việt Nam mang vào.

1858 dưới triều Tự Đức, Pháp nổ phát súng đầu tiên đánh vô Đà Nẵng. 1884 đặt ánh thống trị trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Chống Pháp bắt đầu. Chúng ta có thể chia thành mấy giai đoạn:

– Giai đoạn từ khi Pháp xâm lựơc Việt Nam (1858) đến trước thế chiến II.

– Giai đoạn trong thế chiến (1939-1945).

– Giai đoạn sau thế chiến: Chiến tranh Việt Nam lần thứ nhất. Kết cuộc, chấm dứt Pháp thuộc, nhưng đất nước bị chia đôi ở vĩ tuyến 17, miền Bắc thuộc về phe Cộng Sản và miền Nam thuộc phe Tư Bản do Mỹ cầm đầu.

– Giai đoạn chiến tranh Việt Nam lần thứ hai: Xung đột võ trang ác liệt của phe Cộng Sản với Mỹ, thông qua hai giới lãnh đạo Hà Nội và Saigon.

– Giai đoạn giải quyết cuộc chiến tranh Việt Nam trong bối cảnh Thế Chiến Lược Toàn Cầu chuyển từ Đối đầu Đông – Tây sang Hợp tác Bắc – Nam.

Giai đoạn từ khi Pháp xâm lược Việt Nam (1858) đến trước thế chiến II.

Khi Pháp chiếm Việt Nam, nhiều phong trào chống Pháp đã nổ ra, nhưng đều thất bại vì phạm những lỗi lầm cơ bản sau đây :

– Không đặt được cuộc xâm lược của Pháp trong khung cảnh hai nền văn minh đụng nhau, mà lại coi cũng giống như những cuộc xâm lăng từ phương Bắc xuống trong quá khứ. Cuộc xâm lăng của Pháp hoàn toàn khác hẳn, vì Pháp đại diện cho nền văn minh cơ khí ở Âu Châu.

– Đánh vào sở trường của địch: Ưu thế quân sự của Pháp lúc đó là tuyệt đối nên khó thành công, chống đối bằng vũ lực mang tính cách tự sát để tỏ lòng trung quân ái quốc nhiều hơn.

– Trước văn minh Tây Phương, Tầu thành lạc hậu. Dịp rất tốt để thoát ảnh hưởng của Tầu nhưng cha ông chúng ta đã để lỡ cơ hội .

– Tầng lớp thống trị phong kiến vì mất quyền lợi, đánh Pháp chỉ nhằm khôi phục địa vị, chứ không có dấu hiệu gì cho thấy họ có quyết tâm cũng như có khả năng Kỹ-nghệ-hóa đất nước, vì khi Kỹ-nghệ-hóa diễn ra thì phong kiến sẽ mất vai trò lãnh đạo xã hội.

Vấn đề đáng lẽ phải được đặt ra như sau:

Tìm hiểu & học hỏi khoa học của Âu Châu để giải quyết dần dần quan hệ bất bình đẳng với Pháp, bằng cách đưa ngay những tư tưởng Tự Do – Dân Chủ – Cộng Hòa thay thế tư tưởng phong kiến & tiến hành Kỹ-nghệ-hóa dất nước. Tiếc thay những nhà yêu nước Việt Nam chỉ khu trú vào thượng từng nhằm dành lại ưu quyền thống trị, không nhìn thấy đại cuộc trong bối cảnh hai nền văn minh đụng nhau.

Trong thế chiến II (1939 – 1945)

Thế chiến bùng nổ, Pháp bị Đức chiếm. Thực dân Pháp ở Đông Dương như rắn mất đầu. Các phong trào chống Pháp giành độc lập bùng lên. Có bốn khuynh hứơng, tất cả đều mắc những sai lầm nghiêm trọng sau đây:

– Nhiều nhóm nhỏ phản ứng theo cảm tính, họat động tự lập, rải rác, bị mật thám Pháp đàn áp mặc dầu lúc này chúng rất yếu.

– Trông chờ vào Tầu: Sau Cách mạng Tân Hợi 1911, ở Tầu xuất hiện hai khuynh hứơng: tư sản & vô sản. Ở Việt Nam cũng thế, một số các đảng phái quốc gia đi theo khuynh hướng tư sản Tầu (thí dụ Nguyễn Thái Học lập Việt Nam Quốc Dân Đảng, giống Quốc Dân Đảng Tàu), còn Hồ Chí Minh đi theo Cộng Sản Tầu. Khi Mao Trạch Đông thắng Tưởng Giới Thạch trên Hoa Lục, Mao tận tình giúp đỡ Hồ Chí Minh lên ở miền Bắc và sau đó tiếp tục giúp chiếm miền Nam. Sự lệ thuộc Tầu đã đưa đến mất khoảng 1000 km2 vùng biên giới giáp Tầu và mất Hoàng Sa cùng một số đảo của Trường Sa.

– Trông chờ vào Nhật : Nhật từ giữa thế kỷ 19 Kỹ-nghệ-hóa theo nền văn minh Âu Châu. Thay Pháp bằng Nhật cùng trong nền văn minh với Pháp mà tham vọng thực dân còn mạnh hơn, đúng là cái vòng luẩn quẩn. Nhật bại trận (15-8-1945), khuynh hướng này cũng tắt ngấm theo .

– Những người chủ trương cộng tác với Tây nhưng chỉ thừa hành chứ không có đường lối tích cực giải quyết vấn đề độc lập và chậm tiến của xã hội Việt Nam.

Khi thế chiến II đi vào giai đoạn cuối, ngày 9-3-1945 Nhật đảo chính Pháp, lập chính phủ Trần Trọng Kim thân Nhật. Gần sáu tháng sau 15-8-1945 Nhật đầu hàng phe đồng minh (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Tầu Tưởng Giới Thạch). Pháp chưa quay trở lại Đông Dương kịp. Ngày 2-9 Hồ Chí Minh làm cách mạng tháng tám thành công.

Giai đoạn sau thế chiến II

Phe đồng minh thắng trận không công nhận Hồ Chí Minh mà vẫn coi Đông Dương thuộc Pháp, nên Pháp trở lại. Hồ Chí Minh tung ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946 rồi lên Việt Bắc. Từ 1946-1949 Việt Minh rất yếu. Nhưng tháng 12-1049 sau khi Mao Trạch Đông thiết lập chế độ cộng sản trên Hoa Lục, liền giúp Hồ Chí Minh tổ chức Đảng cộng sản & quân viện khí giới đánh Pháp ở Điện Biên Phủ (Hai Tướng Trần Canh & Vị Quốc Thanh được phái sang cố vấn). Pháp nay đã mất thế đế quốc đụng Việt Minh được Tầu Cộng ủng hộ, nhưng chưa công khai. Điện Biên Phủ là phép toán để Pháp có thái độ dứt khoát:

– Nếu Tầu Cộng không trực tiếp nhúng tay vô thì Pháp sẽ thắng Việt Minh không mấy khó khăn.

– Nếu Tầu Cộng trực tiếp yểm trợ thì nhiệm vụ đối phó là Mỹ, chứ không phải Pháp vì giữ được Đông Dương thì Mỹ hưởng, còn không giữ nổi, nền kinh tế Pháp suy sụp thì Pháp chịu. Tất nhiên không ai chịu ăn cơm nhà vác ngà voi. Khi Điện Biên Phủ thất thủ Pháp ký ngay Hiệp định Genève 20-7-1954, chia đôi Việt Nam ở vĩ tuyến 17, nhường cho Mỹ đối phó với Cộng Sản, nhưng lại chủ trương trung lập ở Lào & Campuchia để duy trì quyền lợi của mình.

Giai đoạn cuộc chiến tranh Việt Nam lần thứ hai: Xung đột của hai khối cộng sản và tư bản trên đất nước Việt Nam thông qua hai giới lãnh đạo Hà Nội và Saigon

Hiệp định Genève qui định hai năm sau hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nứơc. Nhưng việc này đã không xẩy ra.

Từ 1956-1960, cả hai miền Nam-Bắc đều không có đường lối rõ ràng để thống nhất đất nứơc .

Nói về Tầu Cộng

Sau khi Mao lên ở Bắc Kinh năm 1949, Hoa Lục chịu thế gọng kìm: bao vây bằng quân sự của Mỹ và sự khống chế của Liên Xô (Tầu Cộng không có tiếng nói tại Liên Hiệp Quốc, muốn gì phải nhờ qua đàn anh Liên Xô). Trong thập niên 1950 Tầu Cộng dốc toàn lực Kỹ-nghệ-hóa, sản xuất được xe tăng, pháo… và 1964 cho nổ quả bom nguyên tử đầu tiên, là nước thứ năm có nguyên tử sau Mỹ, Liên Xô, Anh, Pháp .

Cuối thập niên 1950 đầu thập niên 1960 Tầu Cộng cho thi hành ‘học thuyết ba thế giới’. Học thuyết này cùng một lúc vừa chống đế quốc Mỹ vừa chống khuynh hướng xét lại của Liên Xô (chủ trương sống chung hoà bình với Mỹ). Tầu Cộng tung ra 2 đòn:

* Đòn quân sự : Lập các Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng ở các nơi. Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) là thí điểm đầu tiên & quan trọng nhất. Cuối 1959 Hồ Chí Minh họp đại hội đảng lần III ra nghị quyết ‘dùng bạo lực để giải phóng miền Nam Việt Nam’. Ngày 20-12-1960 MTDTGPMNVN ra đời mở đầu cuộc chiến tranh Việt Nam lần thứ hai, với Mỹ giúp Nam Việt Nam thành lập guồng máy chiến tranh kiểu tư sản chủ về hoả lực & Tầu Cộng giúp Bắc Việt Nam với guồng máy chiến tranh kiểu vô sản chuyên đánh du kích.

* Đòn ngọai giao : Thành lập Phong Trào Phi Liên Kết (1961) ở thủ đô Belgrade (Nam Tư) với hai khẩu hiệu chính ‘không liên kết với Mỹ & Liên Xô vì cả hai đều là đế quốc’ & ‘ủng hộ Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng’ ở các nơi trên thế giới.

Tầu Cộng thi hành học thuyết ba thế giới trong bối cảnh Mỹ & Liên Xô đã nắm được những phát minh khoa học mới (phóng phi thuyền không gian), báo hiệu cuộc Cách mạng Kỹ-thuật-cao sắp diễn ra. Nếu muốn được hưởng những tiến bộ và hạnh phúc do cuộc cách mạng này mang lại, thì Mỹ & Liên Xô phải duyệt xét lại thế chiến lược toàn cầu Yalta chia đôi thế giới, nếu không Tầu Cộng sẽ giúp các Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc đánh phá các nơi gây ‘thiên hạ đại loạn’.

Do thấy có những phát minh khoa học mới, các nước giầu nói chung bắt từ đầu năm 1968 ngả dần sang khuynh hướng chạy đua áp dụng Kỹ-thuật-cao phát triển kinh tế hơn là muốn tiếp tục duy trì đối đầu:

> Ở Âu Châu, nhiều tiếng nói cất lên đòi một ‘Âu Châu nhất thể’, muốn Nga & Mỹ giảm bớt ảnh hưởng để Đông Âu và Tây Âu trao đổi ngoại giao, văn hóa, kinh tế.

> Hòa hoãn trong giọng điệu của điện Cẩm Linh với phương Tây và đặc biệt là ký tài giảm vũ khí chiến lược với Mỹ qua Hiệp Định chống phi đạn đạn đạo ABM (1972).

> Tầu Cộng đả kích bọn xét lại Liên Xô, lên đến cao điểm là cuộc pháo kích qua lại dọc theo Hắc Long giang năm 1969.

> Nhật & Tây Đức nhanh chóng trở thành những cường quốc kinh tế áp dụng Kỹ-thuật-cao.

> 1971 Tầu Cộng thay Đài Loan trong vai trò hội viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc có quyền phủ quyết.

> Đặc biệt Mỹ & Tầu Cộng ký thông cáo chung Thượng Hải ngày 28-2-1972. Vì đạt được Thượng Hải mới ký được hiệp định Paris ngày 27-3-1973 cho thấy hướng giải quyết chiến tranh Việt Nam trên cơ sở: Các yếu tố ngoại nhập rút ra và để dân tộc Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của mình.

TOÀN BỘ TIẾN TRÌNH GIẢI QUYẾT CUỘC CHIẾN TRANH VIỆT NAM NAM NẰM TRONG BỐI CẢNH THẾ CHIẾN LƯỢC TOÀN CẦU ĐANG XOAY CHUYỂN TỪ ĐỐI ĐẦU ĐÔNG – TÂY SANG HỢP TÁC BẮC – NAM


Nghĩa là 2 chế độ con đẻ của hai khối đối đầu hai hết vai trò lịch sử và phải theo nhau ra đi, chỉ có kẻ trước người sau mà thôi.

Cụ thể hóa, tiến trình này gồm 3 giai đoạn:

– Chính quyền thân Mỹ ở Saigon ra đi (từ Tết Mậu Thân đến 30-4-1975)
– Đảng và chính quyền cộng sản ở Hà Nội ra đi (30-4-1975 cho đến ngày N sắp tới đây). Hiện chúng ta đang ở giai đoạn này.

– Một thể chế chính trị mới tự do – dân chủ sẽ ra đời.

Hội nhập toàn cầu làm thay đổi hẳn hạ tầng cơ sở xã hội Việt Nam. Hạ tầng mới sẽ quyết định thượng tầng khác. Điều này rất thuận cho Phong trào đấu tranh đòi Nhân quyền và Dân chủ Việt Nam (bầu cử – ứng cử tự do, tam quyền phân lập, xã hội dân sự độc lập).

Trong tương lai, các siêu cường kinh tế đều hiện diện làm ăn buôn bán, đầu tư tại Đông Nam Á – Thái Bình Dương qua các chính sách điều phối của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), Tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Theo dự kiến, sang năm 2015, ASEAN trở thành một Cộng đồng Kinh tế Chung, dựa trên ba trụ cột: hợp tác kinh tế – văn hoá – an ninh tập thể (mỗi thành viên phải bỏ tiền lo quốc phòng. Khi cần Liên Hiệp Quốc có thể huy động để giữ gìn an ninh vùng).

Chúng ta có quyền tin rằng: Thể chế mới tự do – dân chủ sẽ ra đời ở Việt Nam khoảng thời gian này. Đây là điều cần thiết để phát triển ASEAN và là nhiệm vụ lịch sử của Phong Trào Dân Chủ Việt Nam./.


Kỳ tới: NHỮNG BIÊN GIỚI ‘MÔI HỞ RĂNG LẠNH’ – Bs Nguyễn Đan Quế

Tin bài liên quan:

VNTB – Tương lai nào cho thế giới?

Phan Thanh Hung

VNTB – Tương lai nào cho ASEAN?

Phan Thanh Hung

VNTB – Một chuyến công du đáng chê trách

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.