Việt Nam Thời Báo

‘Thủ tướng Dũng rút là kịch hết sớm’

BBC

Image copyrightHoang Dinh Nam AFP
Image captionĐại hội đã chấp thuận đơn xin rút lui của ông Dũng vào chiều 25/1
Công tác kiểm phiếu chọn các ứng viên được giới thiệu bổ sung tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 được thực hiện tại Hà Nội tối 25/1.
Đa số đại biểu của Đại hội XII đã đồng ý cho 29 ứng viên (trong đó có Thủ tướng Dũng) rút khỏi danh sách bầu cử cả ủy viên chính thức và dự khuyết.
Các nhà quan sát trong nước bình luận với BBC về việc Đại hội XII chấp nhận Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rút khỏi danh sách ứng cử viên Trung ương khóa tới hôm 25/1.

‘Tính toàn trị, độc tài sẽ bị thách thức’

Hôm 26/1, từ Hà Nội, luật sư Lê Quốc Quân bình luận với BBC: “Tôi hơi tiếc là ‘vở kịch’ Đại hội Đảng XII kết thúc sớm, chuyện bầu bán tổng bí thư nay chỉ còn một người mà ai cũng biết đấy là ai. Tôi cho rằng ‘vở kịch’ này là do Trung Quốc đạo diễn và việc ông Dũng rút là đúng kịch bản”.
“Theo quan điểm của tôi, giữa ông Dũng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người dân có khuynh hướng chọn ông Dũng vì ông có khuynh hướng ít bảo thủ hơn người kia. Thủ tướng cũng được cho là người đại diện cho sự phát triển của đất nước, có sự giằng xé trong chuyện cá nhân, hôn nhân của con gái, cũng như kế tục tinh thần của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nên nếu thành tổng bí thư, ông được tin là sẽ đưa đất nước hội nhập với quốc tế.
Image copyrightReuters
Image captionTổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều khả năng tiếp tục tại vị sau Đại hội XII
Còn về phần ông Nguyễn Phú Trọng, người vẫn kiên định bảo vệ Đảng, chế độ, đường lối Xã hội Chủ nghĩa thì khiến người ta mù tịt, không biết ông sẽ dẫn đất nước này cắm đầu đi về đâu”, luật sư phân tích.
Ông Quân nhận định: “Hậu Đại hội Đảng XII, tính toàn trị và bộ máy độc tài của Đảng sẽ bị thách thức khi người dân ngày càng ý thức được tầng lớp lãnh đạo cấp cao đều do Bộ Chính trị quyết định và chỉ đạo, người dân chỉ được bầu cấp thôn mà thôi”.
Ông cũng dự báo: “Dù kết quả Đại hội Đảng thế nào, các nhà hoạt động sẽ vẫn tiếp tục con đường đấu tranh dân chủ, dù có bị chính quyền tăng áp lực bắt bớ, tù đày. Vì đấy là cái nghiệp, chính nghĩa và cũng là lợi ích của nhân dân, mà ngay cả một số người cộng sản trong nội bộ Đảng cũng phải thừa nhận xu hướng này”.

Image copyrightGetty
Image captionLuật sư Lê Quốc Quân nói ông Nguyễn Tấn Dũng được phương Tây đánh giá cao về trình độ quản trị

‘Kỳ vọng của người dân’

Hôm 26/1, trong cuộc trao đổi với BBC từ Đà Nẵng, nhà báo Trương Duy Nhất cho hay: “Tôi không ngạc nhiên về việc ông Dũng ra đi. Vì công tác nhân sự đã được làm trước Đại hội, kết quả đã đâu vào đấy khi Hội nghị 14 kết thúc theo nguyên tắc bầu cử của Đảng”.
Theo ông Nhất, dù ai là tổng bí thư thì sau Đại hội Đảng XII, xu hướng tất yếu là “vẫn phải ngả về Hoa Kỳ, rời xa Trung Quốc”.
Ông giải thích: “Mọi quyết định đối nội, đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể do một cá nhân mà do số đông ấn định. Đó là chưa kể khái niệm bảo thủ hay cấp tiến trong Đảng chỉ mang nghĩa tương đối mà thôi”.
“Tôi cũng không cho rằng việc ông Dũng ra đi sẽ khiến tình hình kinh tế và hoạt động dân chủ khó khăn hơn trong những năm tới, mà ngược lại. Hãy nhìn vào tình hình kinh tế lụn bại và việc bắt bớ các nhà hoạt động trong hai nhiệm kỳ do ông ấy điều hành”, ông Nhất nói.
Image copyrightOther
Image captionÔng Dũng còn làm thủ tướng cho tới khi có Quốc hội mới vào giữa năm nay
Ông cho biết thêm: “Điều tôi lưu ý nhất không phải là chuyện ông Dũng ra đi hay thành tổng bí thư, mà là Đại hội Đảng XII đã đánh thức sự quan tâm của dân chúng về tình hình chọn lựa lãnh đạo và tác động đến tương lai của đất nước.
Dù ông nào làm tổng bí thư, mà bây giờ người ta rõ là ông Trọng rồi, thì ông ấy cũng phải lắng nghe được những kỳ vọng của người dân và Đảng Cộng sản không thể còn như trước Đại hội được nữa”.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo