“…Tình trạng thỏa hiệp trong giới lãnh đạo thời gian qua đã làm cho các chính sách đều nửa vời. Duy trì tình trạng này thì rất khó có được một quyết sách làm chuyển hẳn hướng đi của đất nước và dân tộc. Lãnh đạo một nước nhỏ phải giỏi hơn về thuật trị quốc…”
Tặng các anh tên Dũng, tên Minh. |
Ngay sau chuyến đi của Bí thư Phạm Quang Nghị, phía Mỹ đã cử Thượng nghị sĩ John Mc Cain đi Hà nội. Điều đó chứng tỏ Hà nội và Washington đang cần đến nhau cấp thiết hơn. Hơi tiếc là nó chỉ xảy ra sau khi có sự cố giàn khoan.
Thông điệp mà Ngài John Mc Cain đưa ra trong chuyến đi là rất rõ ràng: « Việt nam và Hoa kỳ cần một chương trình nghị sự đầy tham vọng cho thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh những sự kiện đáng lo ngại gần đây ở Biển Đông ».
Ngài Thượng nghị sĩ đưa ra cam kết của Mỹ ở hầu hết những nội dung mà Việt Nam đang quan tâm : Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ở tiêu chuẩn cao; công nhận nền kinh tế thị trường; tăng cường hợp tác quân sự; nâng cao khả năng theo dõi trong lĩnh vực hàng hải và bảo vệ chủ quyền; nới lỏng lệnh cấm vũ khí sát thương.
Ai cũng có thể hiểu, chuyến đi của Ngài TNS còn ngầm chuyển một thông điệp đến với Trung Quốc, khi nước này đang ngày càng đe dọa đến lợi ích của chính Mỹ. Tuy nhiên, Ngài TNS rất khôn khéo, không gây lo ngại cho phía Trung Quốc khi cam kết chỉ giúp Việt Nam trong giới hạn của phạm vi khả năng phòng thủ.
Như vậy, giàn khoan đã cho thêm cơ hội, quan hệ Việt Nam-Mỹ có thể có bước tiến triển mới quan trọng, có lợi cho đất nước và dân tộc Việt Nam. Phía Mỹ đã đưa quả bóng vào chân giới lãnh đạo Việt Nam.
Câu chuyện còn lại là một sự lựa chọn thông minh. Vì quyền lợi dân tộc hay vì những toan tính khác?
Tổ quốc đang cần một sự lãnh đạo anh minh, đưa dân tộc Việt Nam ra khỏi những chập chững và sai lầm dẫn đến cuộc khủng hoảng toàn diện mà nhân dân đang phải hứng chịu hàng chục năm qua. Những cơ hội mới đã xuất hiện. Đất nước đang cần những bộ óc lãnh đạo nhận thức đủ rằng khi quyết định khó khăn đều có thách thức đi kèm.
Thách thức thứ nhất là, trong con mắt người Mỹ, Trung Quốc quan trọng hơn nhiều so với Việt Nam.
Viêt Nam đã nhiều lần trở thành con tốt trong ván bài của các nước lớn. Bao nhiêu đau thương của dân tộc nảy, đành rằng tiên trách kỷ hậu trách nhân, nhưng ta vẫn thấy rằng, lịch sử đã đầy đọa dân tộc này nhiều quá. Chúng ta bị chia cắt để thành bãi chiến trường trong chiến tranh lạnh, chúng ta là vật trao đổi trong mặc cả Thông cáo chung Thượng Hải 1972, chúng ta tự đưa mình làm thành mồi ngon trong thỏa thuận Thành Đô 1990.
Trong tư thế chủ động để dàn xếp trật tự thế giới, người Mỹ luôn coi Trung Quốc là đối tượng quan trọng bậc nhất cho tính toán chiến lược của mình. Nếu như Trung Quốc trỗi dậy một cách hòa bình và trở thành một cường quốc có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế thì đó là điều người Mỹ mong muốn. Tuy nhiên, người Mỹ đã quá lơ đãng hoặc quá bận rộn với các khu vực khác, để đến bây giờ họ bắt đầu phải nghĩ cách ngăn chặn sự trỗi dậy quá hung hăng của cường quốc này, khi nó đã đe dọa đến quyền lợi của Mỹ và các đồng minh ở khu vực này.
Lâu nay, người Mỹ luôn đặt quan hệ Mỹ-Việt trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung và lợi ích toàn cầu của Mỹ. Một điều dễ hiểu tại sao khi cần một bước thỏa hiệp họ dễ thỏa hiệp với Trung Quốc trước hơn là với Việt Nam.
Thách thức này nhắc đến Mỹ nhưng lại là để cảnh giác với Trung Quốc. Trong sự phán đoán đơn giản, một khi Mỹ điều chỉnh chiến lược, Trung Quốc sẽ điều chỉnh theo. Thách thức được đặt ra để chúng ta biết mình, biết người. Tránh rơi vào tình thế lại bị thí trên bàn cờ quốc tế. Tránh thế bị động trước điểu chỉnh lắt léo của Trung Quốc. Muốn vậy phải tạo ra một Việt Nam với bộ mặt mới, sáng sủa và đáng tin cậy hơn, chí ít so với Trung Quốc. Tiềm lực quốc gia phải dần dần cải thiện để mạnh lên.
Để đạt được những điều trên, lời khuyên khôn ngoan nhất mà chúng ta vẫn thường được nghe đó là « chơi với Mỹ ». Xây dựng mối quan hệ tin cậy, đủ để nước Mỹ sẵn sàng bảo vệ mối quan hệ Mỹ-Việt như bảo vệ lợi ích quốc gia của họ, chứ không dừng mức hiện nay chỉ để tránh cho Việt Nam rơi vào vòng lệ thuộc hoàn toàn với Trung Quốc.
Thách thức thứ hai là, sự lệ thuộc và những cam kết cả công khai lẫn bí mật với Trung Quốc đã quá sâu, để giới lãnh đạo phải thật dũng cảm mới thoát ra khỏi.
Thách thức này nằm ở vị trí thứ hai, nhưng lại khó nhất với giới lãnh đạo. Vì với họ cái mất thì quá nhiều và cái được thì quá ít. Cái mất đánh vào chính bản thân, gia đình, phe nhóm. Nhưng nếu vượt qua được thách thức này, họ sẽ được một cái vô hình nhưng vô cùng quí giá. Đó là sự tự giải thoát. Cái nhận được không trực tiếp đến với họ nhưng cho cả đất nước và dân tộc.
Sau giàn khoan, có lẽ « 4 tốt, 16 chữ vàng » sẽ được nghe thấy ít dần đi. Sự tự cởi trói nên được thực hiện dần dần, từng bước một. Nới lỏng dần sự lệ thuộc, trói buộc và kìm hãm mà Trung Quốc đã áp đặt lên Việt Nam hàng chục năm qua.
Bước đầu có lẽ là sự phá khóa. Đó là đa phương hóa các tranh chấp về chủ quyền mà lâu nay Việt Nam vẫn chiều theo ý Trung Quốc « các tranh chấp chủ quyền được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán song phương giữa các bên liên quan trực tiếp ».
Rồi thoát hẳn ra khỏi chính sách đong đưa, cố giữ cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, theo chính sách ba không « không tham gia liên minh quân sự với nước nào, không cho nước nào đặt căn cứ quân sự và không dựa vào nước này để chống nước kia ».
Bước kế tiếp là khởi động tấn công, kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài quốc tế. Đẩy mối quan hệ Việt-Trung thật sự đi vào nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và hai bên cùng có lợi.
Bước cuối cùng là sự tự cởi trói hoàn toàn, minh bạch hóa mọi thỏa thuận ngầm mà ta phải cam chịu trong lịch sử quan hệ với Trung Quốc. Cơ hội để ta đòi lại Hoàng Sa và Trường Sa như trước 19/1/1974.
Thách thức thứ ba là từ bỏ ý thức hệ, xây dựng chế độ thật sự dân chủ, tiền đề cho việc chấn hưng đất nước.
Không ít người, kể cả trong giới lãnh đạo, đi đến kết luận ý thức hệ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến thất bại của Việt Nam trong thời gian qua.
Một dân tộc cần cù, ham hiểu biết, thông minh, nhanh nhẹn sao mãi cam chịu làm chuột bạch trong một cuộc thí nghiệm mà không biết kết cục sẽ ra sao.
Ngài John Mc Cain chia sẻ niềm tin của ông : «Việt Nam, một nhà nước đáp ứng những kỳ vọng gia tăng của người dân về một nền dân chủ, pháp quyền và quản trị tốt, sự thịnh vượng và phát triển xã hội, môi trường trong lành và sức mạnh dân tộc. Đó sẽ là mẫu mực mà sẽ truyền cảm hứng cho những dân tộc khác trong khu vực, kể cả nước bạn phương bắc, để phải tự hỏi, tại sao chúng ta không thể giống như Việt Nam ». Đó là sự tưởng tượng đáng yêu của ông bạn người Mỹ. Nhưng đó là một niềm tin chân thực đáng được lan rộng.
Thách thứ này cùng dạng với thách thức thứ hai, chúng đều là điểm huyệt yếu nhất của ta mà Trung Quốc đang thao túng để đạt được mục đích mà chẳng cần chiến tranh.
Thách thức cuối cùng là, sự chia rẽ trong nội bộ lãnh đạo làm mất đi khả năng có được sự lựa chọn đúng đắn. Xuất hiện nhu cầu cần có một lãnh đạo dũng cảm và anh minh.
Sự xuất hiện phe đảng và phe chính phủ trong giới lãnh đạo, cùng với cơ chế tập thể trong Bộ Chính trị, đã làm suy yếu mọi quyết định của lãnh đạo đất nước.
Tình trạng thỏa hiệp trong giới lãnh đạo thời gian qua đã làm cho các chính sách đều nửa vời. Duy trì tình trạng này thì rất khó có được một quyết sách làm chuyển hẳn hướng đi của đất nước và dân tộc.
Lãnh đạo một nước nhỏ phải giỏi hơn về thuật trị quốc. Để có lãnh đạo giỏi, phải biết trọng dụng nhân tài. Con người phải có tự do mới phát huy toàn bộ tiềm năng của bản thân. Hãy nhìn sang bên kia địa cầu, Lương Xuân Việt, một thanh niên gốc Việt, đã trở thành vị tướng trong quân đội hùng mạnh Hoa Kỳ.
Các bài học về thuật trị quốc của Israel, Singapore, Nhật bản, Hàn Quốc, phải là những cuốn sách luôn có trên bàn của một lãnh đạo tương lai của đất nước.
Sai lầm trong quá khứ có thể giải nghĩa bằng sự eo hẹp trong nhận thức. Sai lầm trong hiện tại sẽ là sự ích kỷ của lãnh đạo đối với dân tộc.
Cơ hội đang đến trước mắt, bỏ lỡ cơ hội này, nhân dân sẽ thay thế để quyết định vận mệnh của cả dân tộc.
Đặng Xương Hùng