Việt Nam Thời Báo

Tư duy phát triển

Huỳnh Thế Du

 

Cách đây khoảng hai thập kỷ, thầy Van Bui ở trường Fulbright đã có một tính toán gây chú ý lúc bấy giờ là giá trị cà phê chỉ chiếm dăm ba phần trăm trong một cốc cà phê Starbuck bán ở New York. Điều này cũng đúng với hầu hết các sản phẩm nông nghiệp khác. Ví dụ, một giá trị của đường trong chai nước ngọt (thực chất là nước pha đường) của Coca Cola cũng rất nhỏ.

Những con số nêu trên đưa ra một cách nhìn nghe chừng có lý và rất cám dỗ rằng giá trị cà phê hay đường nếu có tăng gấp đôi (từ 5 lên 10% chẳng hạn) thì cũng chẳng ảnh hưởng đến giá cốc cà phê hay chai nước đường bán ra. Như vậy, phần của người nông dân sẽ được rất đáng kể mà người tiêu dùng không hề quan tâm.

Thực tế là giá các sản phẩm nông nghiệp cơ bản liên tục giảm theo thời gian và đời sống của đa phần những người làm nông nghiệp vẫn có sự tiến triển chậm nhất trong xã hội.

Lý do là việc sản xuất các sản phẩm nông nghiệp là rất đơn giản. Công đoạn từ gieo trồng đến thu hoạch ra sản phẩm thô về cơ bản giống như công đoạn làm gia công các sản phẩm công nghiệp (như may một chiếc áo hay lắp ráp một con chíp tối tân).

Với sự tiến triển của khoa học công nghệ thì việc gieo trồng ngày một đơn giản. Điều này đồng nghĩa với việc biên lợi nhuận cho công việc này ngày một nhỏ hơn. Lợi nhuận chỉ tăng cho khâu đổi mới sáng tạo mà thôi chứ đến công đoạn của người nông dân thì ngày một teo tóp.

Có một sự ngộ nhận khác là nông nghiệp cần tập trung vào các sản phẩm độc đáo và lạ. Ví dụ việc tạo ra các hình thù độc đáo của trái cây hay hoa cho dịp tết sắp tới. Thực ra điều này chỉ đúng với các lứa đầu vì chúng rất dễ bắt chước và nhân rộng nên vài năm sau là đổ đống và giá lại là điệp khúc được mùa mất giá.

Từ hồi tôi biết nghe đài và xem tivi đến giờ, tôi thường xuyên được nghe về các điển hình tiên tiến hay mô hình sản xuất nông nghiệp giỏi. Tuy nhiên, các mô hình thường là chóng nở chóng tàn.

Thực tế cho thấy, những hộ nông dân khá giả hay có thu nhập cao là các hộ có nhiều đất. Nói cách khác thu nhập của những người làm nông nghiệp ở khắp nơi trên thế giới là do diện tích đất mà họ có trong tay. Đất đương nhiên là không thể nở ra nên để tăng diện tích đất trên một nông dân thì giải pháp là giảm số nông dân.

Một ví dụ đơn giản là để tăng gấp đôi thu nhập (sau khi đã trừ chi phí) cho nông dân ĐBSCL trong thời gian tới thì cần phải giảm hơn một nửa số lượng nông dân để những người còn lại có nhiều đất sản xuất hơn. Một nửa nông dân kia có thể lên phố bán trà đá hoặc làm những việc đơn giản trên phố sẽ có đời sống tốt hơn.

Thu nhập của người bán trà đá trên phố cao hơn người nông dân một nắng hai sương là do năng suất hay giá trị mà họ tạo ra cho xã hội cao hơn người nông dân kia chứ không phải là ngược lại như một vị đại biểu quốc hội đã phát biểu có ý coi thường những công việc đơn giản ở phố – nơi tạo ra sự đổi đời cho số đông.

Thân phận ly trà đá

Chất lượng của trà đá tại quán cà phê Nhỏ Em ở thị trấn Châu Thành (miền Tây có rất nhiều thị trấn Châu Thành) về cơ bản không khác nhiều so với trà đá của quán vỉa hè xung quanh cao ốc Bitexco tại trung tâm Sài Gòn và trà đá tại chỗ bán đồ ăn trưa trong tòa nhà này.

Tỷ phần chi phí trực tiếp (gồm trà và nước đun sôi) của trà đá ở ba nơi trên về cơ bản là không đáng kể.

Sức người phục vụ trực tiếp những ly trà đá này trên thực tế ở quán Nhỏ Em là nhiều nhất vì khoảng cách các bàn xa nhau và số lượng người uống ít.

Tính diện tích không gian và những nguồn lực liên quan khác (điện, nước, người phục vụ…), rất có thể nguồn xã hội dành cho một ly trà đá ở quán cà phê Nhỏ Em là cao nhất.

Tuy nhiên, trà đá ở Nhỏ Em được phục vụ miễn phí đối với khách hàng của họ; trong khi quán vỉa hè dưới chân cao ốc Bitexco bán hàng nghìn đồng; và quán trong cao ốc đó bán hàng chục nghìn đồng.

Vị trí, vị trí và vị trí chính là nhân tố tạo ra sự khác biệt về mặt giá trị nêu trên.

Những người làm tại các văn phòng ở Bitexco (như E&Y chẳng hạn) có mức thu nhập tính bằng tiền tỷ mỗi năm; những người uống trà đá tại quán vỉa hè dưới chân Bitexco có thu nhập hàng trăm triệu đồng hàng năm; và thu nhập bình quân của những người có thể ngồi nhiều giờ tại Nhỏ Em thấp hơn rất nhiều.

Giá trị của ly trà đá nêu trên phụ thuộc vào người dùng nó và điều này cũng đúng với thu nhập của những người phục vụ ở ba nơi trên. Những người phục vụ cà phê ở những nơi như Nhỏ Em có thu nhập thấp hơn ở quán vỉa hè và thấp hơn ở trong toà nhà Bitexco.

Từ ví dụ nêu trên cho thấy giải pháp là rất đơn giản (nhưng rất khó thực hiện). Đó là nâng cao chất lượng khách hàng. Ở đây có nghĩa là biến những người ngồi ngáp ruồi hàng ngày ở Nhỏ em không có nhiều việc để làm, mong đổi đời qua những tờ vé số thành những người làm chuyên môn có thu nhập tiền tỷ nêu trên.

Thu nhập của một người về cơ bản được quyết định bởi năng suất hay giá trị mà người đó mang lại cho xã hội. Khi biến đổi được vị trí nêu trên thì năng suất của một người và kéo theo năng suất của cả xã hội sẽ tăng rất nhiều.

GIÁO DỤC chính là chìa khoá. Đó chính là chìa khóa quan trọng nhất giúp cho nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore hóa rồng chỉ sau một thế hệ (30 năm). Nhìn vào chất lượng giáo dục thì có thể giải thích tại sao Việt Nam chưa thể hóa rồng sau hơn 30 năm đổi mới.

Thẳng thắn mà nói, đa phần người Việt Nam hiện nay đều có cơ hội để học hành tử tế và có được vị trí xứng đáng trong xã hội. Nếu bạn chưa có được một chỗ như ý thì phần lớn là do bạn; nếu xã hội có nhiều người chưa có được đời sống như ý là lỗi thuộc về chúng ta. Trong cái gọi là chúng ta thì Nhà nước với vai trò làm cho nguồn lực xã hội được sử dụng hiệu quả và công bằng hơn có trách nhiệm lớn nhất.

Nông dân đi bán trà đá

Cụ thể cái tút về nông dân và bán trà đá hôm qua, tôi cung cấp số liệu của một số nước để cả nhà cùng hình dung và thảo luận.

Ở Mỹ, GDP của nông nghiệp và các ngành liên quan (chế biến và tiêu dùng lương thực thực phẩm…) vào năm 2019 là 1.109 tỷ đô-la, chiếm 5,2% tổng GDP của nước Mỹ. Trong đó, các sản phẩm nông nghiệp chỉ có 136,1 tỷ đô-la, chiếm 0,6% GDP của Mỹ, trong khi dịch vụ ăn uống vào khoảng 500 tỷ đô-la; và còn lại là ngành chế biến.

Tổng lao động của nông nghiệp và các ngành liên quan là 22,2 triệu người, chiếm 10,9% lực lượng lao động của nước Mỹ. Trong đó, có 2,6 triệu nông dân, 1 triệu ngư dân và người trồng rừng, 5,6 triệu người làm trong ngành công nghiệp chế biến và 13 triệu người làm trong ngành dịch vụ ăn uống. Như vậy, tính ra tỷ lệ 100 lao động làm trong ngành nông nghiệp thì có 360 người làm trong dịch vụ ăn uống.

GDP/lao động nông nghiệp của Mỹ là 52,35 nghìn đô-la Mỹ, bằng 46,2% GDP/lao động của toàn nền kinh tế.

Vào năm 2019, Nhật có 1,7 triệu nông dân với 70% có độ tuổi từ 65 trở lên. Tổng sản phẩm ngành nông nghiệp là 83 tỷ đô-la, chiếm 1,5% GDP của Nhật. GDP bình quân/lao động nông nghiệp là 48,8 nghìn đô-la và bằng 67,5% GDP/lao động của toàn nền kinh tế. Cơ cấu kinh tế 3 ngành nông nghiệp- công nghiệp- dịch vụ của Nhật là: 1,24-29,07-69,31.

Hàn Quốc vào năm 2019, có 1,35 triệu người lao động làm trong ngành nông nghiệp (chiếm 4,77% tổng số lao động) và tạo ra 27,87 tỷ đô-la (1,69% GDP quốc gia). Như vậy, GDP/lao động nông nghiệp là 20,5 nghìn đô-la, bằng 35,4% bình quân cả nước. Cơ cấu kinh tế 3 ngành nông nghiệp- công nghiệp- dịch vụ của HQ là: 1,7-33-56,8.

Vào năm 1991, khi trở thành nước có thu nhập cao, 15% lực lượng lao động của Hàn Quốc làm trong ngành nông nghiệp và tạo ra 6,82% GDP.

Nói về chuyển đổi, Trung Quốc có bước tiến hết sức ngoạn mục trong một thập kỷ qua. Năm 2009, cơ cấu lao động của ba ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ là 38,1- 27,8-34,1;đến năm 2019 là 25,1-37,5-47,4. Lao động trong ngành công nghiệp chỉ tăng hơn 2 triệu người, trong khi gần 100 triệu lao động nông nghiệp đã chuyển sang ngành dịch vụ và xu hướng này vẫn đang rất mạnh mẽ. Cơ cấu kinh tế của TQ năm 2009 của ba ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ là 10,33-46,24-43,43; và năm 2019 là 7,1-39-53,9.

Ở Việt Nam, năm 2019, có 18,8 triệu người làm trong ngành nông nghiệp, chiếm 34,5% tổng lực lượng lao động. Ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống chỉ có 2,7 triệu người, chiếm 5% lực lượng lao động. Nếu tính riêng ngành dịch vụ ăn uống còn thấp hơn rất nhiều. Như vậy, tỷ lệ lao động nông nghiệp và dịch vụ ăn uống của Việt Nam là 7 hay ngược lại, 100 người làm nông nghiệp chỉ có 14 người làm dịch vụ lưu trú và ăn uống.

GDP của toàn ngành nông nghiệp Việt Nam vào năm 2019 là 36,4 tỷ đô-la, chiếm 13,96% GDP của cả nước. Như vậy, GDP/lao động chỉ có 1,9 nghìn đô-la và bằng 40,5% bình quân của cả nước.

Nếu đến năm 2045 Việt Nam được như Hàn Quốc năm 1990, tức là trở thành nước có thu nhập cao và nông nghiệp chỉ còn 15% lực lượng lao động thì số lượng nông dân sẽ giảm hơn 10 triệu người và thay vào đó là số người làm trong ngành dịch vụ. Trong đó, dịch vụ ăn uống sẽ có một lực lượng lao động gia tăng rất lớn.

Như vậy xã hội phát triển đồng nghĩa với việc nông dân trở thành người bán đồ ăn và thức uống (nói vui là đi bán trà đá). Việt Nam sẽ rất phát triển nếu hai con số 18,8 và 2,7 triệu người nêu trên hoán đổi vị trí cho nhau. Khi đó, cả nước có 18,8 triệu lao động trong ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống và chỉ còn 2,7 triệu nông dân mà thôi.

Nụ cười Stan Shih

Thú thực, trước đây tôi chỉ nghĩ là VN gia công ở các ngành công nghiệp, nhưng nhìn kỹ thì gần như tất cả (nông nghiệp và dịch vụ) đều đang gia công dựa vào lao động giá rẻ và vẫn mãi loay hoay không leo lên được các nấc thang giá trị cao hơn do năng lực của mình. Đến địa phương nào cũng nghe nông nghiệp công nghệ cao, thấy có gì đó sai sai, nhưng gần đây tôi mới có thể cắt nghĩa được.

Trong nông nghiệp, về lượng VN luôn tự hào thuộc các top, nhưng về giá trị lại không được bao nhiêu. NNCNC thực chất vẫn chỉ là quanh quẩn trong công đoạn chế biến/lắp ráp mà thôi chứ không phải chất xám của mình. Nhìn theo chuỗi giá trị cho thấy rất rõ điều này.

Nụ cười Stan Shih (như hình vẽ) là đường cong mô tả giá trị gia tăng của các công đoạn sản xuất (nghiên cứu … thiết kế … lắp ráp … marketing … dịch vụ). Người Đài Loan sáng lập Hãng máy tính Acer tìm ra quy luật này nên được đặt tên. Theo đó, GTGT thường cao nhất ở hai đầu, trong khi lắp ráp/gia công được ít nhất.

Sử dụng đường cong này có thể giải thích được lý do ĐBSCL đã và đang tạo ra một lượng lương thực thực phẩm đủ cho số người đông hơn dân số ở đó rất nhiều lần mà tại sao đời sống của rất nhiều gia đình ở đó chẳng khá lên được là bao.

Đầu vào (giống, vật tư…) chúng ta chủ yếu phải mua hay sử dụng công nghệ do người khác làm ra và đầu ra chủ yếu là bán sản phẩm thô hay sơ chế để người khác làm đầu vào hay đóng gói thành sản phẩm của mình. Do vậy, giá trị gia tăng phần lớn vào túi người khác.

Để lên được các nấc thang giá trị cao hơn, cần có năng lực đổi mới sáng tạo mà nó dựa trên chất xám (giáo dục và nghiên cứu phát triển). Đây đang là điểm rất yếu của Việt Nam và ĐBSCL lại càng yếu hơn.

Muốn nâng cao năng lực thì cần phải tập trung ở các đô thị trung tâm. Do vậy, một lần nữa tôi lại nhấn mạnh điều mà tôi đã nói đi nói lại rất nhiều lần là bài toán phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam là ở các đô thị trung tâm.

Muốn giải bài toán đời sống của ⅔ số hộ gia đình hiện đang sống ở nông thôn là ở các đô thị chứ không phải ở nơi họ đang sống. Bài toán của tây nam Bộ thực ra là đang nằm ở đông nam Bộ. Đương nhiên, giáo dục cùng với năng lực nghiên cứu phát triển là cái gốc.

Mô hình nhà nước – số đông so với thiểu số cai trị

Thực tiễn cho thấy thu hút và tập hợp được những người tài năng quản trị quốc gia mới là chìa khóa của một nhà nước hiệu quả chứ không phải là mô hình số đông (dân chủ) hay thiểu số cai trị.

Kinh tế thị trường tự do có gần 30 thập niên hoàng kim và được xem là lựa chọn tốt nhất khi Reagan và Thatcher phát pháo cổ vũ cho mô hình này. Tuy nhiên, những trục trặc của mô hình này đã bộc lộ vào cuộc khủng hoảng 2007-2008.

Mô hình dân chủ (số đông cai trị) gắn với tam quyền phân lập đã có gần ba thập kỷ hoàng kim và được xem là lựa chọn tốt nhất kể từ khi bức tường Berlin và hệ thống XHCN sụp đổ từ cuối thập niên 1980. Tuy nhiên những trục trặc nghiêm trọng của mô hình này đã bộc lộ với sự nổi lên của dân túy gần đây.

Có một thực tế, ít nhất là từ sau thế chiến thứ hai đến nay, các nước đang phát triển có thể thành công và đi đến thịnh vượng trong vòng 30-50 năm (nhất là các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương) đều theo mô hình thiểu số cai trị (quả đầu) gắn với vai trò của tư bản nhà nước (được gọi là nhà nước kiến tạo/phát triển ở các nước đông Á). Tuy nhiên, mô hình này cũng có những trục trặc rất nghiêm trọng ở rất nhiều các nước.

Dịch Covid làm cho những yếu điểm của thị trường tự do và mô hình dân chủ bộc lộ rõ hơn và nó cho thấy vai trò của nhà nước và sự hưởng ứng của số đông. Những xã hội mà số đông người dân ý thức/chấp nhận một số giới hạn về tự do cá nhân và tuân thủ/phải theo tập thể có vẻ hiệu quả trong việc phòng chống dịch bệnh hơn.

Thế giới đang ở giai đoạn khủng hoảng về các học thuyết phát triển. Với những gì đang xảy ra, giờ đây rất ít ai có thể mạnh miệng nói về một mô hình nào đó.

Thực ra, trong lịch sử mấy nghìn năm kể từ khi nhà nước ra đời, loài người vẫn đang mò mẫm đi tìm những mô hình quản trị xã hội tối ưu. Làm thế nào để thu hút và tập hợp được những người tài năng quản trị quốc gia vẫn là câu hỏi chưa có lời giải tường minh.

Mô hình số đông hay thiểu số cai trị đều có cả hai mặt. Chìa khóa của một nhà nước tốt là khả năng thu hút và tập hợp được những người tài năng. Hai mô hình tổ chức nhà nước kinh điển trên thế giới: số đông và thiểu số cai trị cùng những biến thể của chúng được Aristotle nêu ra trong “Chính trị luận” cách đây 2400 năm.

Theo nguyên bản của Aristotle thì sự khác biệt giữa quả đầu và dân chủ là ở chỗ giàu và nghèo (có và không có tài sản). Tuy nhiên, nhìn từ lăng kính ngày nay, dân chủ là chế độ theo phổ thông đầu phiếu để chọn người có số phiếu cao nhất; trong khi quả đầu là chế độ mà ở đó xã hội được lãnh đạo bởi tầng lớp ưu tú (thiểu số tinh hoa) và mỗi người cần phải thỏa mãn những điều kiện hay có những “tài sản” nhất định để có thể được chọn vào một vị trí nào đó trong hệ thống.

Ví dụ, ở Mỹ, bất kỳ ai (luật sư, doanh nhân, diễn viên điện ảnh, hay chính trị gia lão luyện…) đều có thể trở thành Tổng thống qua một quá trình cạnh tranh và thu hút phiếu bầu của cử tri. Nhiều người đã từ “tay ngang”, không cần có “tài sản” vẫn trở thành người đứng đầu quốc gia. Trái lại, lựa chọn lãnh đạo tối cao của Singapore, về cơ bản, là chuyện nội bộ của Đảng Nhân dân Hành động (PAP). Người được chọn phải là người của PAP, có bề dày và thành tích hoạt động qua quá trình phấn đấu và cạnh tranh trong Đảng.

Aristotle cho rằng dân chủ hay quả đầu đều có thể thích hợp cho các bối cảnh khác nhau. Ông cho rằng: “Những chính quyền nào mà quan tâm đến phúc lợi chung của mọi người là những chính quyền được thiết lập đúng theo công lý, hiểu theo nghĩa nghiêm nhặt nhất, và đó là những chính quyền đúng đắn; còn những loại chính quyền nào chỉ lo quyền lợi của kẻ cai trị là những loại chính quyền đầy rẫy khuyết điểm và bại hoại…Trong chế độ dân chủ, dân số đông đảo là nhân tố giúp chế độ được bảo tồn, còn chế độ quả đầu chỉ được bảo tồn khi sự tham gia vào chính quyền của người dân được đặt trên tài năng.”

Với phân tích của Aristotle gắn với thời đại ngày nay thì mô hình được xem là đúng đắn, và mô hình chính quyền tối hảo phải do những người tài ba nổi trội hơn những người khác cai trị. Ông cũng đã chỉ ra những trục trặc của dân túy đang rất đúng trong thời đại ngày nay.

Trên thực tế, không có chế độ dân chủ hay quả đầu một cách thuần túy. Ví dụ, mô hình dân chủ kiểu Mỹ cũng có nhiều yếu tố quả đầu và mô hình quả đầu của Singapore cũng có nhiều yếu tố dân chủ (Winters & Page, 2009). Do vậy, lập luận chỉ có mô hình này đúng và phù hợp và mô hình kia không phù hợp với tất cả các nước là không có cơ sở.

Chính quyền tốt nhất, như Aristotle chỉ ra, là một chính quyền trong đó mọi người, bất kể là ai, đều có thể sinh hoạt theo đúng khả năng cao nhất của họ và sống một đời sống hạnh phúc.

Trên thực tế, hai mô hình nhà nước cùng các biến thể của chúng đã cho những kết quả hỗn hợp. Kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, kinh tế thị trường và dân chủ phổ thông (mô hình phi tập trung) đã thắng thế (Acemoglu & Robinson, 2012).

Tuy nhiên, thị trường tự do thái quá đã trục trặc nghiêm trọng với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008 (Stiglitz, 2010); và dân chủ phổ thông đã lộ ra tử huyệt với sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy gần đây (Rajan, 2019).

Trái lại, sự thành công của một số quốc gia, nhất là ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho thấy những cách thức khác nhau để đi đến thịnh vượng (Perkins, 2013; Stiglitz & Yusuf, 2001). Các nước này đã không thuần túy theo kinh tế thị trường và dân chủ phương Tây mà là chế độ quả đầu được dẫn dắt bởi tầng lớp tinh hoa cùng với tư bản dân tộc, nhất là trong giai đoạn cất cánh.

Tóm lại, khoa học đã chứng minh rằng trải qua hàng nghìn năm tiến hóa, bộ gien của con người chỉ thay đổi rất ít (Heifetz, 1994). Do vậy, những hành xử của chúng ta không khác nhiều ngày xưa. Những lý luận cơ bản về nhà nước và xã hội ngày nay, về cơ bản được dựa trên những lý thuyết của những nhà tư tưởng cổ xưa, đặc biệt là ba triết gia Hy Lạp gồm: Socrates, Plato (2006, 2008), Aristotle (2006). Với những biến động trên thế giới ngày nay, lật lại những lập luận nền tảng từ xưa và so với thực tiễn có thể soi rọi rất nhiều điều.

Thiếu ưu tiên và trọng điểm

Hạ tầng đóng vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển của một quốc gia. Vốn đầu tư xây dựng hạ tầng thường rất lớn và không thể cơi nới nên cần phải tính toán kỹ việc sử dụng hiệu quả trong thời gian dài. Điều hết sức quan trọng là cần phải tập trung vào những nơi có khả năng phát huy tốt và hiệu quả nhất để tạo ra các hiệu ứng lan tỏa.

Đây là một vấn đề rất lớn của Việt Nam. Tỷ lệ đầu tư so với GDP và đầu tư cho hạ tầng của Việt Nam trong mấy chục năm qua là rất lớn. Tuy nhiên, việc đầu tư manh mún với tư duy cơi nới và chia đều dẫn đến tình trạng tắc nghẽn khắp nơi.

Giao thông Hà Nội và TPHCM năm nay đỡ căng thẳng hơn là do Covid nên nền kinh tế chậm lại. Tuy nhiên, vấn đề của hai đô thị này vẫn còn kéo dài vì không có đủ hạ tầng để phát huy lợi thế, nhất là TPHCM. Tắc nghẽn đang rất nghiêm trọng.

Đô thị này gần như không có những tuyến đường lên đến 20 làn xe (đương nhiên là cần giao thông công cộng công suất lớn nữa) nên tắc nghẽn khắp nơi là khó tránh khỏi. Thêm vào đó, các nút thắt cổ chai cũng làm cho vấn đề nghiêm trọng hơn.

Ví dụ nếu cách đây hơn hai thập kỷ, các tuyến đường như Nguyễn Hữu Thọ hay Phạm Hùng được xây dựng hay ít nhất là chừa đất xây dựng 10 làn như đường Nguyễn Văn Linh thì nam Sài Gòn hiện tại dễ thở hơn rất nhiều.

Trong hơn 2 thập kỷ, Seoul đã có thể phát triển phía nam sông Hàn thành khu đô thị có quy mô 5 triệu người (gần bằng Singapore hiện nay). Nam Sài Gòn hoàn toàn có thể phát triển như Gangnam, nhưng thành công thực sự chỉ gói gọn trong Phú Mỹ Hưng với mấy chục nghìn người, còn lại là phát triển hết sức manh mún.

Tương tự, Thượng Hải đã thành công với Phố Đông sau gần ba thập kỷ để phát triển thêm một Singapore mới. Trái lại TPHCM chỉ có một khu mấy cây số vuông ở Thủ Thiêm mà gần như vẫn chưa thể phát triển gì cả.

Hệ thống sân bay, cảng biển cũng ở tình trạng như vậy. Nâng cấp mở rộng vài năm lại quá tải, tắc nghẽn. Rất khó tìm được những đầu tư cơ sở hạ tầng phát huy tốt kéo dài vài ba thập kỷ.

Hạ tầng viễn thông cũng đang ở tình trạng chắp vá và luôn ở trong tình trạng có thể dẫn đến quá tải hoặc tắc nghẽn.

Đây dường như là vấn đề của cả nước và khắp mọi nơi chứ không phải là vấn đề trung ương, địa phương hay ưu tiên vùng miền. Việt Nam cần giải bài toán ưu tiên càng sớm càng tốt chứ không nên để cái quán tính hiện tại kéo dài.

____________

Tài liệu tham khảo

Acemoglu, D., & Robinson, J. (2012). Why Nations Fail: The Origins of Power, Prosperity, and Poverty. Crown.

Aristotle. (2006). Chính trị luận. Học viện công dân.

Heifetz, R. A. (1994). Leadership Without Easy Answers. Harvard University Press.

Perkins, D. H. (2013). East Asian development : foundations and strategies. Harvard University Press.

Plato. (2006). Cộng Hòa. Alphabook.

Plato. (2008). Ngày Cuối Trong Đời Socrates. NXB Thế Giới.

Rajan, R. (2019). The third pillar: how markets and the state leave the community behind. Penguin Random House.

Stiglitz, J. E. (2010). Freefall: America, free markets, and the sinking of the world economy. W.W. Norton & Co.

Stiglitz, J. E., & Yusuf, S. (2001). Rethinking the East Asian Miracle. World Bank Publications.

Winters, J. A., & Page, B. I. (2009). Oligarchy in the United States? Perspectives on Politics, 7(4), 731–751.


Tin bài liên quan:

VNTB – Thu phí trước khi thực hiện xong cơ sở hạ tầng?

Phan Thanh Hung

Cần nhìn nhận một cách biện chứng về chủ nghĩa tư bản: tư hữu

Phan Thanh Hung

VNTB – Mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN ngày càng rõ nét, nhưng rõ nét gì?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.