Việt Nam Thời Báo

Vị thế Đảng và chuyến đi của ông Trọng

                    Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng đang thăm Mỹ từ ngày 6-10/7/2015.
Vị thế ‘uy tín’ của Đảng Cộng sản Việt Nam ‘gia tăng nhiều’ nhờ chuyến thăm Hoa Kỳ đang diễn ra trong tháng 7/2015 của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, theo ý kiến khách mời của Tọa đàm Trực tuyến của BBC hôm 09/7/2015.

Trao đổi với Bàn tròn thứ Năm tuần này về chuyến thăm ông Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ (mời quý vị theo dõi trên YouTube ở đây), Phó Giáo sư, Tiến sỹ Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nói:


nullCó một điều chắc chắn rằng sau chuyến đi này, uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam gia tăng rất là nhiều và nói chung nó sẽ tạo điều kiện có một sự ủng hộ tốt hơn của quần chúng với quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, cũng như với Đảng Cộng sản Việt Nam

PGS. TS. Cù Chí Lợi


“Có một điều chắc chắn rằng sau chuyến đi này, uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam gia tăng rất là nhiều và nói chung nó sẽ tạo điều kiện có một sự ủng hộ tốt hơn của quần chúng với quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, cũng như với Đảng Cộng sản Việt Nam.”

Trả lời câu hỏi liệu chuyến thăm của ông Trọng có tác động gì tới nhân sự của Đảng CSVN tại Đại hội lần thứ 12 dự kiến vào năm 2016 tới đây hay không, ông Cù Chí Lợi nói:

“Theo thể chế chính trị Việt Nam, ảnh hưởng đối với từng cá nhân là rất vừa phải, bởi vì thực ra là cơ chế thảo luận tập thể, tất cả các quyết định được thông qua một cách tập thể, cho nên những ảnh hưởng mang tính cá nhân cho một cá nhân nào đó, cho một nhiệm kỳ tới của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì tôi cho rằng chuyện đó không phải là một ảnh hưởng lớn lắm với cá nhân.

“Nhưng uy tín chung của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cộng đồng trong nước, ở nước ngoài cũng như ở Hoa Kỳ, tôi cho rằng cũng sẽ có ảnh hưởng tốt trong nhiệm kỳ tới.”

Khi được hỏi, liệu chuyến thăm có ảnh hưởng hay không tới việc ai sẽ ngồi vào chiếc ghế Tổng Bí thư của đảng cộng sản nhiệm kỳ tới, nhà nghiên cứu từ Hà Nội nói:

“Có một điều có thể nói rằng là những người theo đường lối cải cách mở cửa, những người theo đường lối hội nhập hoặc thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và phía Hoa Kỳ, thì có thể nó có ảnh hưởng với cá nhân đó, còn tôi không thể nói một con người cụ thể đó là ai, Tổng Bí thư là ai, tôi không nói trước được.

“Câu chuyện này có thể đến phút 89 vẫn chưa quyết định được, nhưng tôi tin chắc rằng nó có thể ảnh hưởng đến uy tín, cũng như vị thế của những người ủng hộ quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, cũng như ảnh hưởng đối với những người đứng ra trong quan hệ đối ngoại để mà thúc đẩy sự phát triển của trong nước,” nhà nghiên cứu nói với Tọa đàm.

‘Đối tác thân thiện nhất’

null
                 Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nâng cốc chúc mừng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Từ Đại học Thành thị Hong Kong, PGS. TS. Jonathan London, cho rằng chuyến thăm của ông Nguyễn Phú Trọng đem lại ‘thành công cho mỗi bên’ và đặc biệt ông nói Mỹ hiện nay đang là ‘đối tác thân thiện nhất của Việt Nam’.

Nhà nghiên cứu chính trị và bang giao Việt – Mỹ nói:

“Tôi nghĩ nói chung cuộc gặp gỡ này thành công cho mỗi bên, mà việc quan trọng là hai bên, tức là Việt Nam và Mỹ đã thấy rất rõ sự hợp tác giữa hai nước, giữa hai nhà nước, là hết sức cần thiết.

“Thậm chí nói là một việc rất nghịch lý có thể là Mỹ là đối tác thân thiện nhất của Việt Nam hiện nay.


nullMột việc rất nghịch lý có thể là Mỹ là đối tác thân thiện nhất của Việt Nam hiện nay. Và điều đó rất là thú vị về mặt lịch sử và cũng là về thực tế, bởi vì mỗi bên có những quyền lợi mà chia sẻ lẫn nhau và rõ ràng từ thương mại cho đến an ninh quốc phòng
PGS. TS. Jonathan London


“Và điều đó rất là thú vị về mặt lịch sử và cũng là về thực tế, bởi vì mỗi bên có những quyền lợi mà chia sẻ lẫn nhau và rõ ràng từ thương mại cho đến an ninh quốc phòng.

“Nói chung tôi nghĩ rằng đây là một quan hệ chiến lược dù vẫn gọi là một quan hệ hợp tác toàn diện.

“Nhưng rõ ràng quan hệ mới của Việt Nam và Mỹ là một quan hệ chiến lược qua nhiều mặt khác nhau và điều đó đã dẫn đến, đã được hai bên nhắc đến.

“Và tôi nghĩ đó là đặc điểm cơ bản nhất của quan hệ Mỹ và Việt Nam hiện nay,” ông Jonathan London nói.

‘Sắp xếp nhân sự mạnh lên’

Tiếp tục bình luận về liên hệ, ảnh hưởng của chuyến đi với Đại hội Đảng CSVN lần thứ 12 tới đây, từ Singapore, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nghiên cứu viên cao cấp khách mời của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, nói:

“Ảnh hưởng của nó với Đại hội Đảng sắp tới không có gì đặc biệt lắm đâu.

“Thế nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa là Tổng Bí thư, vừa là Trưởng Ban nhân sự có 7 người của Đại hội 12, cho nên những sắp xếp nhân sự với vai trò của ông…, nó sẽ mạnh lên theo hướng đã được thống nhất ở trong Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị theo nghĩa đó.

null
              Đây là chuyến thăm đầu tiên trong lịch sử của một Tổng bí thư Đảng CSVN tới Nhà trắng.

“Tức là họ đã thống nhất về nguyên tắc để lựa chọn những ứng cử viên, các cơ cấu và các cách thức tiến hành lựa chọn, từ nay cho đến trước đại hội.

“Đấy là cái mà chúng ta thấy khá là rõ trong nội dung của Hội nghị Trung ương 11 vừa rồi và các hoạt động nối tiếp theo đó trong vòng mấy chục ngày vừa qua. Nó rất là công khai.”

Khi được hỏi liệu sự kiện chuyến đi có tác động, ảnh hưởng gì không về mặt đường lối, chính sách của Đại hội đảng lần thứ 12 tới đây của Đảng CSVN, nhà nghiên cứu độc lập nói:


nullTổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa là Tổng Bí thư, vừa là Trưởng Ban nhân sự có 7 người của Đại hội 12, cho nên những sắp xếp nhân sự với vai trò của ông…, nó sẽ mạnh lên theo hướng đã được thống nhất ở trong Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị
TS. Hà Hoàng Hợp


“Tôi biết rằng nó sẽ không tác động gì nhiều cả vì việc chuẩn bị để cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi thăm và làm việc ở Mỹ đã được chuẩn bị từ lâu.

“Và việc thống nhất về mặt chính sách và đường lối nó không có thay đổi khi cuộc thăm đấy xảy ra và sau cuộc thăm ấy,” ông Hà Hoàng Hợp nói với Tọa đàm.

Khách mời

Các khách mời tham gia Chương trình Tọa đàm có:

– PGS. TS. Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

– TS. Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu độc lập và nghiên cứu viên khách mời tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore.

– Bà Phương Nguyễn, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Chiến lược & Quốc tế, Hoa Kỳ (CSIS), tham gia từ Washington DC.

– PGS. TS. Jonathan London, Giáo sư chính trị học, xã hội học, Đại học Thành thị Hong Kong.

– Bà Thảo Griffiths, Trưởng Đại diện Quỹ Cựu Chiến Binh Mỹ tại Việt Nam, tham gia từ Washington DC.

Mời quý vị theo dõi toàn bộ nội dung cuộc Tọa đàm tại đây.

(BBC sẽ tiếp tục giới thiệu ý kiến được trao đổi tại cuộc tọa đàm. Mời quý vị đón theo dõi.)

(BBC)

Tin bài liên quan:

Công du trục Nga- Belarus: TBT Trọng muốn hoàn thiện tam giác Nga – Trung – Việt? *

Phan Thanh Hung

Sẽ là tấm hình nào đây?

Phan Thanh Hung

VNTB – Tân Phó Tổng thanh tra Chính phủ từng có tì vết chi tiền “sai mục đích”?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo