Việt Nam Thời Báo

Việt-Trung chuẩn bị chuyển từ ‘đối thoại’ sang ‘đối đầu’

Người Việt

Tuy giới lãnh đạo Việt Nam không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về việc sẽ “đối đầu” với Trung Quốc song dựa trên một số nguồn tin, báo chí ngoại quốc bắt đầu đề cập đến điều này.

Một trong năm tàu ngầm Kilo mà Việt Nam đặt mua và đã nhận từ Nga. (Hình: VTC)
Tờ The Sydney Morning Herald của Úc vừa cho biết, theo thông tin thì Việt Nam đang chuẩn bị đưa một trong năm tàu ngầm Kilo mà Việt Nam đặt mua (tổng cộng sáu chiếc) và đã nhận từ Nga vào biển Đông. Chiếc tàu ngầm đó sẽ tuần tra tại khu vực mà Việt-Trung đang có tranh chấp về chủ quyền.

The Sydney Morning Herald dẫn ý kiến của Carl Thayer – một chuyên gia về Việt Nam, làm việc tại Học Viện Quốc Phòng Úc, cho biết, các tàu ngầm của Việt Nam có thể gây ra những khó khăn đáng kể cho Trung Quốc khi Trung Quốc tiếp tục xây dựng chuỗi căn cứ quân sự tại quần đảo Trường Sa.

The Sydney Morning Herald dẫn lại tuyên bố của một viên chức Việt Nam với Reuters hồi năm ngoái rằng, dù không muốn xung đột với Trung Quốc nhưng Việt Nam đã và đang chuẩn bị cho “tình huống xấu nhất.”

Hồi trung tuần tháng trước, Reuters từng có một bài viết đề cấp đến việc Việt Nam củng cố sức mạnh quân sự để đối mặt với Trung Quốc. Hãng này cho biết, Việt Nam đang trong giai đoạn chuẩn bị toàn diện nhằm đối phó với chiến tranh, không để rơi vào thế bị động trước những tình huống bất ngờ.

Theo Reuters thì các viên chức và sĩ quan cao cấp của Việt Nam xác nhận, thực tế đã khiến sự chuẩn bị của Việt Nam vượt xa hơn dự kiến. Những đơn vị quân đội, đặc biệt là những đơn vị đang trấn đóng ở khu vực giáp với biên giới của Trung Quốc đã được đặt trong tư thế “sẵn sàng chiến đấu.”

Mới đây, trên wsws.org – một trang web vốn thuộc loại thiên tả, ông John Braddock đã điểm lại nhiều sự kiện trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, Việt Nam-Nhật, Việt Nam-Ấn để chứng minh, Việt Nam đã có kế hoạch cho chiến tranh và đang trong quá trình tái vũ trang lớn nhất, tính từ sau năm 1975.

Ngoài những hỗ trợ của Hoa Kỳ, Nhật, Ấn, Việt Nam chủ động mua thêm chiến đấu cơ, tàu ngầm, chiến hạm, phi cơ tuần thám, trực thăng vũ trang, radar, các loại hỏa tiễn từ Nga, Israel, châu Âu, Hoa Kỳ. Quân đội Việt Nam hiện có khoảng 450,000 quân nhân hiện dịch và Việt Nam đã bắt đầu sản xuất vũ khí cá nhân theo công nghệ của Israel để trang bị cho lực lượng này. Chưa kể Việt Nam còn mua lại công nghệ của Israel và Châu Âu để nâng cấp các thiết giáp cũ do Nga sản xuất. Quốc Hội Việt Nam cũng mới thông qua luật nghĩa vụ quân sự mới. Nâng thời gian bắt buộc tại ngũ từ 18 tháng lên hai năm.

Tuy nhiên theo ông Braddock, dù chuẩn bị thế nào thì giới lãnh đạo Việt Nam cũng vẫn chưa thoát ra khỏi đám bùng nhùng, đó là muốn nghiêng về phía Hoa Kỳ nhưng vẫn chưa phải là đồng minh chính thức của Hoa Kỳ và sự lệ thuộc sâu vào Trung Quốc về kinh tế.


(Người Việt)

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo