Hoàng Mai
(VNTB) – Cái hậu quả của “cách ly – giãn cách – xét nghiệm – bắt nhốt” đó lại ảnh hưởng dai dẳng đến tận bây giờ.
Tựa như một thói quen, cứ đến thời điểm thi xong học kỳ, khi những cánh mai bắt đầu nở, cái nắng quen thuộc xuất hiện, là biết hơi thở của Tết đang đến gần.
Nào chi còn quan tâm đến bài vở? Nào chi còn chịu khó lắng nghe lời thầy cô giảng? Thay vào đó là buổi ăn vụng; những buổi cúp tiết; những hẹn hò tết này gặp nhau mùng mấy, đi chơi ở đâu…. Tết mà…
Thầy cô có bắt được, có thấy được mấy đứa “thứ ba học trò” đi chăng nữa, cũng chỉ làm mặt nghiêm, đe dọa một tí, rồi… cũng thôi…. Tết mà…
Lớn hơn một tí, cũng vào giai đoạn thi cuối kỳ của những bộ môn trong trường đại học sắp sửa chấm dứt, là thấy đám bạn dân tỉnh rục rịch dọn đồ, chuẩn bị về quê. Những cái hẹn của ngày gặp mặt trở lại; những lời “nhắc nhở” về quê nhớ có quà cho tao nha mậy…, cứ ngỡ như chỉ mới của ngày hôm qua.
Rồi khi ra trường, bước vào guồng máy liên tục của cuộc mưu sinh, Tết dường như thật gần. Quay qua quay lại, Tết đến rồi.
Có thể thấy, cũng như đám giỗ, Tết cổ truyền là dịp để trở về nhà, quây quần sum họp bên gia đình, bên bàn thờ gia tiên, bên nồi bánh tét… Thế nhưng, năm nay, sao khó quá…
Có lẽ, cũng khó lường trước được, đợt bùng dịch lần này không chỉ lớn về quy mô, tăng cao số ca nhiễm, mà nó còn ảnh hưởng đến không ít đời sống của biết bao người dân. Cái ngày thành phố mở cửa lại với biết bao hy vọng, rồi liên tục nhận tín hiệu tốt, và giờ, thành phố đã là vùng xanh, thế nhưng, cái hậu quả của “cách ly – giãn cách – xét nghiệm – bắt nhốt” đó lại ảnh hưởng dai dẳng đến tận bây giờ. Đến cả Tết…
“Đi về một số tỉnh, dù là bà con họ hàng, họ vẫn đề phòng mình. Vì sao? Vì mình là dân thành phố, là nơi có nhiều ca nhiễm nhất nước. Không biết là chính quyền tỉnh tuyên truyền như thế nào, nhưng theo mình, số ca nhiễm cao nhất nước, cũng chẳng nói được gì, khi đó chỉ là quá khứ.
Nếu cho rằng cần đề phòng dân đến từ những khu vực có số ca nhiễm cao. Vậy thì sao chính quyền không tuyên truyền cách ly dân Hà Nội đi? Không thể vì 4 chữ “bảo vệ thủ đô” mà được đặc quyền này nọ được. Phải có sự công bằng như nhau”, một người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.
“Đi đến đâu cũng lo rằng không biết nơi đó có cách ly không, có xét nghiệm không? Không lẽ vô khách sạn, chọt; đi ăn, chọt; vô khu du lịch, chọt. Chọt, chọt nữa, chọt mãi à? Rồi lùm xùm vụ kit test Việt Á, liệu rằng, cái que chọt đó có an toàn hay không? Rồi không lẽ Việt Nam cứ kiểm soát dịch bằng chọt người dân? Chích hai, ba mũi hay bảy mũi, cũng chọt. Vậy chích làm gì?”, ông Tư, một người dân ở Bình Dương chia sẻ.
“Giờ tui không nói dịch, không nói ca nhiễm, tui chỉ cần biết tuân theo nghị quyết 128 thôi. Thành phố Hồ Chí Minh đã là vùng xanh, theo quy định, không chọt. Nơi nào buộc phải có PCR hay xét nghiệm kháng nguyên trong bao nhiêu giờ, cần xem lại, có tuân thủ đúng nghị quyết hay không? Vùng xanh anh cũng chọt, vậy thì còn địa phương nào anh không chọt?”, sinh viên Long chia sẻ.
“Về quê là mình… vô là vấn đề mình phải vô nhưng mà còn cái việc người ta cho đi hay không đi là về sau cũng đang lo chứ sao không lo. Tại mình đi về mà mình còn quay vô nữa mà. Nếu mình về mình ở ngoài quê luôn thì không lo chứ còn mình đi vô nữa mình phải lo chứ. Phải đi tự do thì mình quyết định mình về, còn nếu mà nó ràng buộc quá thì mình phải ở lại nữa”, ông Vương chia sẻ.
Chợt nhớ lại bài học khi xưa một giáo viên lớp 8 môn Văn đã dạy, ai cũng có một quê hương, một bà mẹ. Một nơi để trở về. Để ở đó, mỗi khi ta mỏi mệt với cuộc sống, lại trở về, bên bếp lửa, dưới hiên nhà, sống những giây phút thư giãn, thoải mái, ấm cúng của không khí gia đình.
Thế nhưng, đường về nhà, dường chừng như vẫn còn xa lắm khi hơi thở Tết đang gần kề từng ngày…
1 comment
Quê của tớ kinh bỏ mịa, nên chỉ dám kính nhi viễn chi thôi