VNTB – Ai là người đề xuất cấm mua bán vàng bằng tiền mặt?

VNTB – Ai là người đề xuất cấm mua bán vàng bằng tiền mặt?

Ngọc Linh Lan

 

(VNTB) – Cần công khai danh tính quan chức nào trong Tổng cục Thuế đã đưa ra ý kiến bắt buộc mua, bán vàng bằng chuyển khoản.

 

Tính đến hiện tại thì truyền thông chỉ đưa tin chung chung là để nhằm minh bạch hoạt động kinh doanh vàng, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch mua bán vàng.

Cá nhân người viết bài này cho rằng cần rõ hơn về cụ thể quan chức nào ở ngành thuế đã ký văn bản kiến nghị như trên, vì người ta được quyền ngờ vực tầm nhìn quản trị chuyên ngành của quan chức này. Rất đơn giản, với kiến nghị trên cho thấy trong mắt quan chức đó, nói thuần chuyên môn chút, thì đó là thị trường vàng chỉ dành cho ‘mua bán vàng đầu tư’, không phải là của đại chúng xem vàng là tài sản dành dụm phòng khi hữu sự, mà chuyện mua sắm vàng là theo từng đơn vị phân vàng, cho đến cao lắm là chỉ vàng với người lao động bình dân.

Trước đó, hồi tháng 3 năm nay, cũng liên quan đề xuất mua, bán vàng qua tài khoản, phía Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TP.HCM đưa ra kiến nghị Ngân hàng Nhà nước là cần có chính sách hạn chế thanh toán, mua bán vàng miếng bằng tiền mặt; đồng thời cần sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP theo hướng tăng nguồn cung và bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC; cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu, nhất là cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nữ trang vàng trong nước khỏi thu gom hàng trôi nổi.

Như vậy điểm khác biệt ở đây rất rõ là yếu tố đầu tư vàng miếng, so với mua, bán vàng chung chung như quan điểm của Tổng cục Thuế.

Ghi nhận ý kiến từ ông Nguyễn Thế Hùng – phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng, cho rằng dù giao dịch mua, bán vàng miếng qua tài khoản thì cũng cần phải bỏ được độc quyền vàng miếng. Chính việc duy trì việc độc quyền sẽ vẫn dẫn đến sự chênh lệch rất lớn về giá vàng trong nước với thế giới.

Vị chuyên gia cũng cho rằng nếu giống các nước trên thế giới, coi vàng là một loại hàng hóa thì Ngân hàng Nhà nước không quản lý trực tiếp thị trường vàng nữa. Gốc vấn đề ở đây vẫn là hướng tới một thị trường mà người dân không còn muốn tích trữ vàng miếng.

Người viết cho rằng sự vận động của thị trường không lệ thuộc vào ý chí chủ quan nào cả. Tuy nhiên ý chỉ chủ quan ở đây trước khi đưa ra bằng văn bản phát hành với dấu mộc đỏ và chữ ký quan chức trách nhiệm, cần thiết được cân đo, phản biện đa chiều ở chính cơ quan chuyên trách đó; tránh việc đưa đến nhận xét là chính sách thiếu tầm nhìn tổng thể.

Lý thuyết cho biết tầm nhìn theo nghĩa đen là khả năng nhìn, sức nhìn (thị lực), cái nhìn, sự nhìn, hướng nhìn, là khoảng cách mà con người có thể nhìn thấy. Theo nghĩa bóng, đó là cái nhìn về tương lai, là sự hình dung của một người hay một tổ chức về mục tiêu cần đạt được, về điểm cần đến trong một khoảng thời gian nào đó.

Tầm nhìn thường được hình tượng hóa bằng một hình ảnh của tương lai, mang tính lựa chọn (một tiêu chuẩn hoàn hảo, một điều lý tưởng có định hướng) và ám chỉ đến khát vọng tạo ra một điều gì đó đặc biệt. Nếu cái tương lai quá xa, không thể hình dung ra nó thì tầm nhìn như thế là viển vông, không thiết thực. Vì thế, khi xác định chủ trương, mục tiêu, không được thiển cận, tầm nhìn quá ngắn mà cần có tầm nhìn xa nhưng tránh ảo tưởng. Muốn vậy, tầm nhìn phải có khả năng hiện thực hóa và không được quá trừu tượng hay mơ hồ.

Nếu nói theo ngôn ngữ chính trị tuyên giáo, thì ý kiến cấm mua, bán vàng bằng tiền mặt của Tổng cục Thuế là không tuân thủ Nghị quyết 26-NQ/TW của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 19-5-2018, “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

Suy diễn, khi chống chỉ thị của Tổng bí thư có thể xem là yếu tố chống Đảng, cần phải xem xét đến nơi, đến chốn để trị tận gốc rễ, tránh chế độ bị đe dọa lung lay (!?).

 


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)