VNTB – Án bỏ túi của Ban Phòng chống tham nhũng, tiêu cực trung ương

VNTB – Án bỏ túi của Ban Phòng chống tham nhũng, tiêu cực trung ương

Nguyễn Huỳnh

(VNTB) – Với bản án tuyên ở phiên hình sự sơ thẩm, cho thấy “chuyến bay giải cứu” nhiều khả năng là “án bỏ túi”.

 

Vụ án “chuyến bay giải cứu” nằm trong danh sách các vụ án được chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trung ương.

Với bản án tuyên ở phiên hình sự sơ thẩm, cho thấy “chuyến bay giải cứu” nhiều khả năng là “án bỏ túi”.

“Án bỏ túi”, có thể hiểu thế này, đó là đưa ra xét xử một vụ án nhưng mức án dành cho các bị cáo lại được thống nhất từ trước giữa công an, viện kiểm sát, tòa án và lãnh đạo trung ương. Tình tiết này thấy khá rõ trong suốt quá trình diễn ra xét xử, đó là việc phiên tòa chấp nhận dừng lại để các bên liên quan ‘ngã giá’ về số tiền bạc tỷ phải nộp cho… nhà nước.

Nếu không là “án bỏ túi” thì có lẽ với cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng cần phải được “hài hòa” cả “chứng” và “cung”.

Luật gia N.T.S., lập luận:

1. Nếu không làm rõ các lời khai của ông Tuấn – cựu phó giám đốc Công an Hà Nội) và bà Hằng – Phó tổng giám đốc Công ty Bluesky (cung) thì khó thể tìm (manh mối) hình ảnh cái clip ông Hưng nhận cái cặp (chứng).

2. Nếu bà Hằng khai có đưa tiền cho ông Tuấn để nhờ vả (…), ông Tuấn xác nhận có nhận tiền của bà Hằng để chạy việc thì tội môi giới sẽ có thể được định danh nếu vi phạm pháp luật khi sự việc hoàn thành theo yêu cầu của người đưa tiền. Nhưng công việc không đạt được ý muốn, bà Hằng có thể kiện ông Tuấn tội lừa đảo, nhưng chưa thấy kiện.

3. Ông Tuấn khai đưa cái cặp khóa số cho ông Hưng trong đó có tiền. Ông Hưng thừa nhận có nhận cái cặp nhưng bên trong có 4 chai rượu. Sau đó là nhiều cuộc gọi điện thoại – tất cả vẫn chỉ là “cung”.

Cần phải làm rõ “chứng”: Cuối cùng 4 chai rượu ở đâu? Ai là người uống rượu cuối cùng. Cái cặp có tiếp tục đựng 4 chai rượu để biếu cho ai không. Cái cặp đó có phải là cái cặp khóa số không? Nếu cái cặp đựng tiền thì tiền đó được ông Hưng tiếp tục đưa cho ai? Hoặc là ông Hưng tự ý giữ lại?

Lưu ý, hai tình huống giả định trên sẽ có hai khung định tội khác nhau.

Ông V.V.T., cựu phó viện trưởng Viện kiểm sát thành phố Tây Ninh, đặt vấn đề: Điều 354 Bộ luật hình sự có quy định, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn đòi hoặc nhận tiền, lợi ích vật chất có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc lợi ích phi vật chất để làm hoặc không làm công việc có lợi cho người khác…

Quy định trên cho thấy nếu cơ quan chức năng kết luận Hoàng Văn Hưng chỉ nhận quà hối lộ là 4 chai rượu, rồi lợi dụng chức vụ và công vụ của mình để làm hoặc không công việc có lợi cho các đối tượng đang bị điều tra, thì hành vi đó đã phạm Tội nhận hối lộ theo quy định tại Điều 354 rồi.

Nếu hành vi chỉ thỏa mãn cấu thành cơ bản thì Hưng sẽ đối diện với khung hình phạt quy định ở khoản 1 Điều 354 với mức án 2-7 năm tù, nếu quy kết Hưng đã nhận số tiền USD lớn như thế thì Hưng sẽ bị áp dụng khung hình phạt ở khoản 4 Điều 354 Bộ luật hình sự.

Không hiểu tại sao cơ quan tố tụng lại khởi tố, truy tố Hoàng Văn Hưng về Tội lừa đảo, trong khi hành vi ấy là phạm vào Tội nhận hối lộ.

Ông V.V.T. ý kiến: “Tôi thấy còn một tội phạm nữa cần phải được xử lý nghiêm minh mới giải được bài toán thu hồi tiền bất chính trả cho các bị hại, đó là Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Điều 355 Bộ luật hình sự.

Rất dễ giải thích như thế này, các doanh nghiệp tham gia tổ chức các chuyến bay giải cứu rõ ràng có lợi dụng tình hình dịch bệnh, chủ trương của chính phủ và nhu cầu cấp bách của những công dân xa xứ muốn được về quê hương đã cố ý nâng giá vé cao trót vót để trục lợi bất chính, để có tiền bôi trơn cho các cá nhân có thẩm quyền cấp phép bay.

Các nạn nhân biết mình bị thiệt hại, nhưng không còn cách nào khác là phải mua các tấm vé giá trên trời ấy, buộc phải cho doanh nghiệp móc túi mình. Từ quan hệ mang tính miễn cưỡng và có tính chất bóc lột (có thể gọi là trấn lột) và cũng nhờ việc đó, doanh nghiệp thu được một lượng tiền chênh lệch phi pháp, thì chúng ta có kết luận là đã có hành vì lợi dụng công vụ để chiếm đoạt tài sản được thực hiện trên thực tế.

Như vậy, trong vụ án “chuyến bay giải cứu”, tội phạm nguồn là tội phạm quy định tại Điều 355 Bộ luật hình sự, các tội về đưa, nhận hối lộ chỉ là tội phạm phát sinh. Phải khởi tố, xử lý các lãnh đạo doanh nghiệp bay thêm 01 tội nữa mới toàn diện vụ án.

Khi xử lý các cá nhân của doanh nghiệp thêm tội phạm trên thì các công dân mua vé giá trên trời sẽ là bị hại của hành vi chiếm đoạt tài sản, và khi đó các bị hại sẽ được bồi hoàn số tiền chênh lệch”.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)