VNTB – Ăn phở cũng bị đo nồng độ cồn

VNTB – Ăn phở cũng bị đo nồng độ cồn

Hoàng Mai

(VNTB) – Khách tấp vào quán phở để nhằm… né tránh kiểm tra?!

Sự việc được báo chí ghi nhận như sau: ở một quán phở, bất ngờ cảnh sát giao thông xuất hiện kèm một công an địa phương và yêu cầu vị thực khách nam ‘thổi nồng độ cồn’. Phía nhân viên công lực giải thích rằng họ phát hiện thực khách này đang trên đường, thấy cảnh sát dựng chốt ‘thổi nồng độ cồn’ nên đã tấp vào quán phở để nhằm… né tránh kiểm tra.

Giả dụ như ông khách đó chấp nhận ‘thổi ống’ và cho kết quả… ‘dương tính’, vậy thì có thể ‘cấu thành vi phạm’ được không, vì ở đây là tình tiết cho thấy thuộc dạng “hiện trường không có vi phạm”?

Ở Sài Gòn thi thoảng có những quán bán món “cơm rượu xôi vò”, liệu có thể chấp nhận xảy ra việc cảnh sát giao thông dựng chốt cho “chuyên đề thổi nồng độ cồn” đối với thực khách nào đã đi xe đến đây để ăn?

Luật gia Nguyễn Thị Sơn, cựu Phó Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, cho rằng: “Việc đo nồng độ cồn với người đang tham gia giao thông nhằm giúp họ tránh khả năng gây tai nạn cho mình và người xung quanh. Việc xử phạt nhằm răn đe là chính. Cứ cho là người này thấy cảnh sát, sợ bị phạt nên tránh né bằng cách vào tiệm phở, cảnh sát giao thông không nên và cũng không thể phạt được, vì họ đang ăn phở, không tham gia giao thông trong thời điểm đó”.

Có một lưu ý là không chỉ rượu, bia mà một số loại hoa quả rất phổ biến cũng khiến hơi thở của người sử dụng có nồng độ cồn cao hơn mức bình thường; ví dụ như trái vải, sầu riêng, nho, xoài, dứa… cũng chứa nồng độ cồn cao hơn các loại trái cây khác. Nguyên nhân dẫn đến điều này là do các loại trái cây trên chứa hàm lượng đường rất cao. Khi để ở môi trường không khí dễ bị lên men, dẫn đến hiện tượng đường hóa rượu vừa nhanh và nồng độ cũng cao hơn các loại trái cây khác.

Học trò trung học ở môn hóa hữu cơ chắc còn nhớ về lý thuyết giáo khoa là có một số ít đồ uống, thức ăn, dạng thuốc, có một chút ethanol trong đó. Các thức ăn, một số loại quả lên men có thể có như socola, thuốc siro cảm cúm, dung dịch sát trùng, viên sát trùng miệng, họng… một số đồ uống cũng có thể có một  lượng ethanol. Một chút ethanol trong hơi thở, thì sẽ rườm rà hơn một chút bởi đó chính là nồng độ cồn.

Một chuyên gia ẩm thực lên tiếng là không chỉ hoa quả, mà khi chế biến thức ăn, nhiều món thêm rượu như một thứ gia vị dù lượng rất nhỏ. Chẳng hạn, món cá hấp bia, thịt bê sốt rượu marsala, các món thịt hầm không có rượu sẽ mất hương vị thơm ngon. Thịt hấp nấu có bia rượu sẽ giữ lại 85% lượng cồn, thịt ướp giữ 70% lượng cồn, phải đun kỹ 150 phút thì lượng cồn mới giảm xuống còn 5% so với khi pha chế…

Trên truyền hình, một quan chức khẳng định, đại ý, cho dù ăn hoa quả thức ăn thì nồng độ cồn vẫn là nồng độ cồn. Với lý do “đã là luật thì khó hài hòa hết lợi ích”, ông quan này khuyên người dân nên nắm rõ loại hoa quả, thực phẩm nào có nồng độ cồn để tránh khi lái xe.

Một giải thích đang cho thấy rất nhiều vấn đề mà chúng ta đang phải, đang cần làm rõ để tránh những tranh luận, thậm chí bất bình xã hội không cần thiết. Bởi lẽ, một quy định luật mà lại xử phạt cả người ăn hoa quả, uống thuốc thì đó rõ ràng là quy định chưa hợp lý, nếu như không nói là phi lý và không thể chấp nhận được.

Một quy định buộc người dân phải làm người lái xe thông thái với kiến thức của một bác sĩ dinh dưỡng và hiểu biết luật ở trình độ luật gia sẽ rất khó để nói đến sự đồng thuận.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)