VNTB – Bà Trương Mỹ Lan: tỷ phú bị tử hình vì lừa đảo 44 tỷ đô la

VNTB – Bà Trương Mỹ Lan: tỷ phú bị tử hình vì lừa đảo 44 tỷ đô la

Vân An dịch

(VNTB) – Lừa được 44 tỷ đô la là một trong những vụ lừa đảo ngân hàng lớn nhất thế giới

 

Phiên toà kịch tính nhất

Đằng sau mái cổng màu vàng trang nghiêm của tòa án thời thuộc địa ở Thành phố Hồ Chí Minh, một tài phiệt bất động sản 67 tuổi người Việt Nam đã bị kết án tử hình hôm thứ Năm vì tội cướp bóc một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam trong suốt 11 năm.

Đây là một bản án hiếm hoi – bà là một trong số rất ít phụ nữ ở Việt Nam bị kết án tử hình vì tham nhũng

Quyết định này phản ánh quy mô chóng mặt của vụ lừa đảo. Bà Trương Mỹ Lan bị kết tội vay 44 tỷ USD từ Ngân hàng Thương mại Sài Gòn. Toà yêu cầu bà phải trả lại 27 tỷ USD, số tiền mà các công tố viên cho biết có thể không bao giờ lấy lại được. Một số người tin rằng án tử hình là cách tòa án cố gắng khuyến khích bà trả lại một phần số hàng tỷ USD còn thiếu.

Chính quyền cộng sản vốn có thói quen bí mật đã thẳng thắn một cách khác thường về vụ án này, đi sâu vào chi tiết cho giới truyền thông. Họ cho biết 2.700 người đã được triệu tập để làm chứng, trong khi có 10 công tố viên và khoảng 200 luật sư tham gia.

Bằng chứng nằm trong 104 chiếc hộp nặng tổng cộng 6 tấn. 85 người khác bị xét xử cùng với bà Trương Mỹ Lan. Bà không nhận tội và có thể sẽ kháng cáo.

Tất cả các bị cáo đều bị tuyên có tội. Bốn người nhận án chung thân. Những người còn lại bị phạt tù từ 20 năm đến ba năm tù treo. Chồng và cháu gái bà Trương Mỹ Lan lần lượt nhận mức án 9 năm và 17 năm tù.

Ông David Brown, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã nghỉ hưu và có kinh nghiệm lâu năm ở Việt Nam, cho biết: “Tôi nghĩ chưa bao giờ có một phiên tòa trình diễn như thế này trong thời kỳ cộng sản. Chắc chắn không có gì ở quy mô này.”

Phiên tòa là chương kịch tính nhất cho đến nay trong chiến dịch  “đốt lò” chống tham nhũng của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng.

Là một nhà tư tưởng bảo thủ thấm nhuần lý thuyết Mác-xít, Nguyễn Phú Trọng tin rằng sự phẫn nộ của quần chúng đối với tình trạng tham nhũng vô lối sẽ gây ra mối đe dọa choi sự độc quyền quyền lực của Đảng Cộng sản. Ông bắt đầu chiến dịch tranh cử nghiêm túc vào năm 2016 sau khi đánh bại thủ tướng ủng hộ doanh nghiệp lúc bấy giờ để giữ được chức vụ cao nhất trong đảng.

 

4 tỷ đô la dưới tầng hầm

Chiến dịch đốt lò đã khiến hai Chủ tịch nước và hai phó thủ tướng bị buộc phải từ chức, và hàng trăm quan chức bị kỷ luật hoặc bị tù giam. Giờ đây, một trong những phụ nữ giàu nhất Việt Nam đã gia nhập hàng ngũ của họ.

Bà Trương Mỹ Lan xuất thân trong một gia đình gốc Việt ở Sài Gòn  – Thành phố Hồ Chí Minh. Sài Gòn từ lâu đã là trung tâm thương mại của nền kinh tế Việt Nam, kể từ thời còn là thủ đô chống cộng của miền Nam Việt Nam, với một cộng đồng người Hoa đông đảo.

Bà Trương Mỹ Lan ban đầu là một người bán hàng ở chợ, bán mỹ phẩm cùng mẹ, nhưng bắt đầu mua đất và tài sản sau khi Đảng Cộng sản mở ra thời kỳ cải cách kinh tế, được gọi là Đổi mới, vào năm 1986. Đến những năm 1990, bà Lan tham gia đầu tư rất nhiều khách sạn và nhà hàng.

Mặc dù Việt Nam nổi tiếng ở nước ngoài nhờ lĩnh vực sản xuất đang phát triển nhanh chóng, thay thế cho chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, hầu hết người Việt giàu có đều kiếm tiền từ việc phát triển và đầu cơ bất động sản.

Tất cả đất đai đều chính thức thuộc sở hữu nhà nước. Việc tiếp cận đất đai thường dựa vào mối quan hệ cá nhân với quan chức nhà nước. Tham nhũng gia tăng khi nền kinh tế phát triển và trở thành đặc hữu.

Đến năm 2011, Trương Mỹ Lan đã là một doanh nhân có tiếng ở TP.HCM và được phép thu xếp việc sáp nhập 3 ngân hàng nhỏ hơn, đang bị thiếu tiền thành một đơn vị lớn hơn: Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Pháp luật Việt Nam cấm bất kỳ cá nhân nào nắm giữ trên 5% cổ phần trong bất kỳ ngân hàng nào. Nhưng các công tố viên cho rằng thông qua hàng trăm công ty vỏ bọc và những người đại diện, bà Trương Mỹ Lan thực sự sở hữu hơn 90% cổ phần của  Ngân Hàng Thương mại Sài Gòn.

Bà Lan bị cáo buộc sử dụng quyền lực đó để bổ nhiệm người của mình làm quản lý, sau đó ra lệnh cho họ phê duyệt hàng trăm khoản vay cho mạng lưới các công ty vỏ bọc của bà.

Số tiền được rút ra thật đáng kinh ngạc. Các khoản cho vay của bà chiếm tới 93% tổng số tiền cho vay của ngân hàng.

Theo các công tố viên, trong khoảng thời gian ba năm kể từ tháng 2 năm 2019, bà đã ra lệnh cho tài xế của mình rút 108 nghìn tỷ đồng Việt Nam, hơn 4 tỷ USD tiền mặt từ ngân hàng và cất giữ dưới tầng hầm.

Số tiền mặt đó, ngay cả khi đều là tiền giấy 500.000, cũng sẽ nặng tới hai tấn.

Bà cũng bị buộc tội hối lộ rất nhiều để đảm bảo các khoản vay của mình không bao giờ bị xem xét kỹ lưỡng. Cựu chánh thanh tra ngân hàng trung ương bị kết án chung thân vì nhận hối lộ 5 triệu USD.

Việc dư luận chính thức công khai về vụ án đã khơi dậy sự phẫn nộ của công chúng về hành vi tham nhũng đối với bà Trương Mỹ Lan. Bà Lan trong có vẻ mệt mỏi khi không trang điểm trước tòa, trái ngược hoàn toàn với những bức ảnh công khai quyến rũ mà mọi người từng thấy trước đây.

Nhưng người ta cũng đặt ra câu hỏi tại sao bà Lan có thể gian lận lâu đến vậy.

 

Chiến dịch trấn áp miền Nam

Phiên tòa diễn ra tại TP.HCM, nơi Ngân hàng TMCP Sài Gòn đặt trụ sở

Lê Hồng Hiệp, người điều hành Chương trình Nghiên cứu Việt Nam tại ISEAS – Viện Yusof Ishak ở Singapore, cho biết: “Tôi rất bối rối. Bởi vì đó không phải là bí mật. Ai cũng đều biết rằng bà Trương Mỹ Lan và tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà đang sử dụng SCB làm con heo đất của riêng mình để tài trợ cho việc mua lại ồ ạt bất động sản ở những vị trí đắc địa nhất.

“Rõ ràng là bà Lan phải lấy tiền từ đâu đó. Nhưng đó lại là chuyện thường tình. SCB không phải là ngân hàng duy nhất bị lợi dụng như vậy. Vậy có lẽ chính phủ đã mất cảnh giác vì có quá nhiều trường hợp tương tự ở Việt Nam.” 

David Brown tin rằng bà được những nhân vật quyền lực bảo vệ, họ là những người đã thống trị kinh doanh và chính trị ở Thành phố Hồ Chí Minh trong hàng chục năm. Và ông nhìn thấy một yếu tố lớn hơn trong xử phiên tòa này: nỗ lực khẳng định lại quyền lực của Đảng Cộng sản đối với văn hóa kinh doanh tự do của miền Nam.

“Điều mà Nguyễn Phú Trọng và các đồng minh trong đảng đang cố gắng làm là giành lại quyền kiểm soát Sài Gòn, hoặc ít nhất là ngăn chặn Sài Gòn tuột khỏi tay họ.

“Cho đến năm 2016, đảng ở Hà Nội gần như đã để cho mafia Hoa-Việt này kiểm soát Sài Gòn. Họ sẽ làm rộn lên về những điều mà lẽ ra các nhà lãnh đạo cộng sản địa phương phải làm, nhưng đồng thời họ cũng đang vắt kiệt thành phố để có được một khoản đáng kể trong số tiền được kiếm ra ở đó.”

Ở tuổi 79, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có sức khỏe không ổn định và gần như chắc chắn sẽ phải nghỉ hưu tại Đại hội Đảng tiếp theo vào năm 2026, khi các lãnh đạo mới được bầu ra.

Ông là một trong những tổng bí thư tại vị lâu nhất và có nhiều ảnh hưởng nhất, khôi phục quyền lực của phe bảo thủ trong đảng đến mức chưa từng thấy kể từ những cuộc cải cách những năm 1980. Ông rõ ràng không muốn mạo hiểm cho phép sự cởi mở để làm suy yếu quyền lực chính trị của đảng.

Nhưng ông Trọng lại vướng lại. Dưới sự lãnh đạo của ông, đảng đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là trở thành nước giàu vào năm 2045, với nền kinh tế dựa trên công nghệ và tri thức. Đây là điều đang thúc đẩy mối quan hệ đối tác ngày càng chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, tăng trưởng nhanh hơn ở Việt Nam gần như chắc chắn đồng nghĩa với việc tham nhũng nhiều hơn. Chống tham nhũng quá nhiều, sẽ có nguy cơ dập tắt nhiều hoạt động kinh tế. Đã có những phàn nàn rằng bộ máy quan liêu đã chậm lại, khi các quan chức né tránh những quyết định có thể khiến họ dính líu đến án tham nhũng.

Lê Hồng Hiệp nói: “Đó là điều nghịch lý.  Mô hình tăng trưởng của họ phụ thuộc vào các hành vi tham nhũng trong một thời gian dài. Tham nhũng là chất bôi trơn giúp bộ máy hoạt động. Nếu họ ngừng bôi trơn, mọi thứ có thể không hoạt động được nữa.”

_______________

Nguồn: 

BBC – Truong My Lan: Vietnamese billionaire sentenced to death for $44bn fraud


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)