Luật sư Lê Trọng Hùng
(VNTB) – Luật sư Lê Trọng Hùng hiện sinh sống tại Sài Gòn đã phản biện về việc Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các xe khi lưu thông trên đường, đều bắt buộc phải mở đèn, dù đó là ban ngày khi nắng đang gay gắt nhất của xứ nhiệt đới.
Bộ Giao thông vận tải đưa điều khoản bắt buộc mở đèn xe máy ban ngày để toàn dân thực hiện với hai căn cứ đưa ra:
1- Phù hợp với Pháp luật Quốc tế mà Việt Nam có tham gia. Cụ thể là Công ước Viên về giao thông đường bộ (8-11-1968) có hiệu lực từ 21-5-1977.
2- Bật đèn xe máy ban ngày sẽ hạn chế được tai nạn giao thông căn cứ vào thống kê của các nước đã áp dụng.
Xin phản biện với Bộ Giao thông vận tải về hai căn cứ này:
1- Đọc kỹ về Công ước Viên 1968 có thể thấy rằng đó là các quy định nhằm đồng bộ về khái niệm, cũng như quy định các phương tiện giao thông để lưu thông trên lãnh thổ các nước tham gia hiệp ước. Nội dung căn bản nhất là quy định về xe romoc và xe cuper (dưới 50cm3).
Điều đó có nghĩa là phương tiện của nước A lưu thông qua nước B hoặc C (có tham gia Công ước) buộc phải tuân thủ các quy định chung. Ví dụ: xe máy (có đăng ký tại Việt Nam) khi sang các nước khi lưu thông buộc phải mở đèn.
Như vậy Công ước Viên mục đích rất rõ là để các phương tiện lưu thông liên thông các nước thực hiện. Không phải là điều bắt buộc các nước phải làm theo. Người học luật nói rằng đây là dạng quy phạm tuỳ nghi, không phải quy phạm bắt buộc.
Họ làm như vậy vì: mật độ xe máy lưu thông là rất thấp so với ô tô, hai là khí hậu của họ một năm chỉ có 1-2 tuần có nắng. Đối với Việt Nam nắng chói chang trên 3/4 thời gian trong một năm, mật độ xe máy lại chiếm tỉ lệ áp đảo thì việc áp dụng Công ước Viên là quá máy móc, không khả thi và không phù hợp.
Vậy chúng ta có sai luật quốc tế không? Xin trả lời là không!
Một ví dụ điển hình: xe của Vương quốc Anh và các nước thuộc Liên hiệp Anh (cũ) lưu thông bên lề trái, trong khi chúng ta lưu thông bên lề phải. Khi tham gia vào quốc gia nào buộc phải tuân thủ pháp luật và tập quán nước đó.
Đã 43 năm trôi qua từ khi Công ước có hiệu lực chưa có bất cứ một ghi chú nhắc nhở nào đối với giao thông Việt Nam.
2- Bật đèn ban ngày của xe máy giảm tai nạn giao thông? Điều đó có thể đúng khi ở các nước tốc độ lưu thông cao, thời tiết khiến tầm nhìn hạn chế, mật độ xe máy lại thấp. Còn ở Việt Nam? Bộ Giao thông vận tải chưa hề đưa ra một nghiên cứu nào trong nước về vấn đề này, nên căn cứ nêu ra không có tính thuyết phục.
Đã nhiều quy định đưa ra không khả thi như: xe tải phải có bình chữa cháy, phải có bảng xe trên kính trước… chết yểu là một ví dụ.
Có những quy định của quốc tế rất hay mà Việt Nam cần học tập đưa vào luật thì không thấy bàn luận và áp dụng:
Thứ nhất, xe có logo chữ P màu đỏ, màu xanh dán ở kính trước kính sau báo hiệu cho các tài xế khác biết rằng tài xế xe có logo đó mới nhận bằng lái dưới 3 tháng (màu đỏ), dưới 6 tháng (màu xanh) các tài xế khác sẽ nhường và thông cảm.
Thứ hai, xe chở khách sẽ bị phạt nặng nếu không có búa phá kính khi xe gặp tai nạn.
Thứ ba, xe phải có biển báo nguy hiểm phản quang (biển tam giác) để tài xế đặt cách xe ít nhất 20m nếu xe bị hư hỏng dọc đường. Hiện tại khi lưu thông mọi người có thể thấy các xe để thùng xốp, cành cây để báo hiệu rất nhếc nhác và mất vệ sinh.
Xin góp ý đôi điều như vậy với Bộ Giao thông vận tải, biết rằng dù chỉ là nước đổ lá khoai, nhưng vẫn phải nói ý kiến chủ quan của mình.
3 comments
Tai nạn giao thông xảy ra là do người ta không tuân thủ luật giao thông, mạnh ai nấy chạy, không ai nhường ai. Chưa kể là những người coi thường tính mạng của người khác, coi người dân như cỏ rác. Vấn đề là phải giáo dục ý thức tự giác tuân thủ luật lệ giao thông, mà đó là lại là vấn đề của cả giáo dục, đạo đức…
Chứ giờ có bật hết đèn hay gắn thêm đèn như cây thông nô en mà người đi xe thiếu ý thức thì tai nạn vẫn xảy ra.
Ở xứ Bắc Âu trời mùa đông ít nắng, sương mù nhiều thì không có luật họ cũng buộc phải bật đèn lên để mà chạy. Còn mùa hè chả ai bật đèn.
Trời thêm cái luật trời ơi!