Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bình Chánh đang công nghiệp hoá?

Ngọc Linh Lan

 

(VNTB) – Chắc người ta sẽ nghỉ hết, chớ làm không có lời, không có ăn người ta đâu có làm!

 

Nhắc đến huyện Bình Chánh, trong ký ức của nhiều người, đó là một vùng quê của Sài Gòn phồn hoa náo nhiệt. Một vùng quê với thơm mùi rơm rạ; một vùng quê với chăn nuôi bò – heo – thỏ…; một vùng quê với hình ảnh sáng sáng thấy người ta chở từng can sữa đi giao, chiều chiều thấy người nông dân chuẩn bị vắt sữa bò, những đồng cỏ, những ruộng nương…

Thế nhưng, theo tốc độ của phát triển, ghi nhận dưới góc nhìn của người dân đang cư ngụ tại huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh, đất đai nông nghiệp đang thu hẹp dần; bò sữa cũng giảm số lượng; nuôi heo ở nhiều nơi trong Bình Chánh cũng “trống chuồng”.

Thay vào đó, hàng loạt những nhà xưởng mọc lên. Từ xưởng làm dệt may, xưởng làm nilon cho đến xưởng làm sắt, xưởng gò inox…

“Bây giờ bỏ công mình làm lời vậy thôi chứ. Giờ  đi làm hãng xưởng đồ cũng năm, bảy triệu một tháng vậy thôi. Ở nhà có chuồng trại sẵn,  nuôi hồi xưa giờ mình ráng mình nuôi luôn vậy đó”, nông dân Hồng Loan, một chủ chăn nuôi cho biết.

Cũng vì lý do chăn nuôi quá cực, thêm vào đó là chi phí thức ăn cho gia súc, rồi mục tiêu tiến tới “không sử dụng thức ăn thừa” nên theo sinh viên ngành Nông lâm Nguyễn An: “Đó là một lý do, bên cạnh đó, theo mình thấy, còn một lý do nữa, việc dỡ bỏ chuồng trại, xây lên xưởng cho thuê như vậy, người nông dân cũng khoẻ hơn. Không còn phải lo lắng cho gia súc ăn uống, lo lắng heo bò bị bệnh. Không còn lo lắng cảnh thức đêm đỡ đẻ cho bò cho heo… Cho thuê xưởng, mỗi tháng, chỉ ngồi chờ thu tiền là xong.

Thậm chí cho thuê xưởng, còn khoẻ hơn cho thuê nhà. Thuê nhà trọ, có trường hợp tối gom đồ, sáng mất tiêu. Còn xưởng thì không thể làm như vậy, vì biết bao nhiêu đồ đạc nên đâu phải nói muốn dọn xưởng là dọn liền”.

“Tương lai là chắc người ta sẽ nghỉ hết, chứ làm không có lời, làm không có ăn người ta đâu có làm. Với mọi người bây giờ, mấy người nuôi bò như chị đó là người ta lớn tuổi hết rồi nên sẽ nghỉ thôi, con cái người ta giờ thấy chăn nuôi cực, cho con nó đi học rồi nó làm nghề khác chứ nó không có chịu chăn nuôi đâu”, bà Hồng Loan tiếp lời.

Trong khi đó, thành phố đã đưa ra mục tiêu: “Đến cuối năm 2025, duy trì tổng đàn heo là 200.000 con; trong đó đàn nái sinh sản chiếm khoảng 20% tổng đàn, tổng đàn giống cụ kỵ đạt 2.750 con trên địa bàn huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè; các quận còn lại không còn chăn nuôi heo. Quy mô chăn nuôi bình quân đạt 200 con/hộ; tỷ lệ chăn nuôi heo được chứng nhận Viet Gap đạt trên 90% – 95%, phấn đấu 100% các hộ chăn nuôi thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.”

Mà theo người nông dân tên Đệ chuyên chăn nuôi bò thì nhà nước không còn hỗ trợ người chăn nuôi nhiều như trước đây nữa.

“Cách nay cỡ một năm là họ đã cắt cái nhu cầu chích mỗi lần là bò long móng, theo như tôi có sổ chăn nuôi đó, là hồi xưa là lở mồm long móng đó là nhà nước, huyện có đưa thú y lại hỗ trợ. Nhưng mà một năm nay là tôi có hỏi thú y đó, thú y kêu mướn lại chích, thuốc mình trả, họ kêu là bây giờ không có hỗ trợ nữa”.

Không biết rằng, liệu có phải huyện Bình Chánh đang dần công nghiệp hoá hay do chăn nuôi quá cực khổ nên nhiều thế hệ trẻ không muốn tiếp nối truyền thống của gia đình mình? Thế nhưng, có một điều thấy rõ nhất, công nghiệp hoá rồi đây sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng môi trường sống của người dân Bình Chánh…

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Sao không khai thác du lịch Dinh Tỉnh trưởng Kon Tum?

Do Van Tien

VNTB – ‘Games show’ của công an?

Do Van Tien

VNTB – Đảng viên có điều kiện sai phạm

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.