Anh Khoa dịch
(VNTB) – Hàng rào điện, bên trên có dây thép gai và camera khiến băng đảng buôn người tìm chỗ mới.
Tác giả:
Hà Nội, Việt Nam – Khi đến bang Shan phía bắc Myanmar, với mong muốn bắt đầu công việc mới, Diep*, một phụ nữ Việt Nam 19 tuổi, mới nhận ra mình đã bị bán đi.
Bị nhốt một mình trong phòng, cô có thể nghe thấy tiếng những người khác nhưng không nhìn thấy ai. Nhà cô ở có người cầm súng canh gác.
Diệp luôn phải tìm cách mưu sinh.
Lớn lên trong một gia đình nghèo có năm anh chị em, cha mẹ không có khả năng nuôi con ăn học nên cô bỏ học năm 14 tuổi để đi làm công nhân nhà máy. Sau 3 năm, Diệp chuyển qua làm việc tại các tiệm quần áo và nhà hàng tại TP.HCM. Nhưng tiền lương thấp và tình hình tài chính hầu như không được cải thiện.
Năm 2019, một ông bạn của một người bạn đã liên hệ với cô trên Facebook, giới thiệu cho cô việc làm ở Myanmar.
Sau nhiều lần gặp và nói chuyện làm bồi bàn được trả lương cao – cuối cùng cô quyết định nhận việc và bay cùng anh ta qua Myanmar.
“Cơ hội thật tốt. Tôi sẽ có thể tiết kiệm tiền và… giúp bố mẹ, mua quần áo mới cho họ,” Diệp nói.
Tới sân bay, Diệp được chở đi bằng nhiều xe hơi khác nhau suốt 24 tiếng đồng hồ tới bang Shan.
Bị nhốt trong phòng, Diệp mới biết công việc của cô là bán dâm. Cô rất tức giận và từ chối.
Những kẻ bắt giữ cô, quyết tâm khuất phục cô, chúng đánh đập cô rất dã man nhưng dù đau đớn, cô vẫn tiếp tục chống cự, nhất quyết không để bị ép làm gái mại dâm.
Chỉ sau khi những người bảo vệ đến và cưỡng hiếp cô, Diệp mới chịu nhượng bộ. Cô được cho biết nếu không đồng ý bán dâm thì hình phạt hàng ngày sẽ là bị hiếp dâm.
Trong khi Diệp hiện được phép tiếp xúc với những phụ nữ khác ở những nơi khác trong nhà – một vài người trong số đó cũng là người Việt Nam, tất cả đều bị ép sử dụng ma túy đá. Những kẻ bắt giữ họ nói loại thuốc này làm tăng sức chịu đựng và ham muốn tình dục của phụ nữ.
Cô ấy muốn trốn thoát nhưng liền biết rằng điều đó có thể nguy hiểm như thế nào – và rằng nếu bỏ trốn cô sẽ bị giết chết.
“Tôi không thể tin mình lại ở trong hoàn cảnh đó,” Diệp nói. “Ngay cả trong những cơn ác mộng tồi tệ nhất, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng cuộc đời mình sẽ trở nên như vậy.”
Tuy nhiên, một ngày nọ, với sự giúp đỡ của Tổ chức Blue Dragon, một tổ chức phi chính phủ ở Hà Nội chuyên giải cứu các nạn nhân của nạn buôn người, một phụ nữ khác mà Diệp kết bạn đã trốn thoát.
Cuối cùng, chính Blue Dragon đã lên kế hoạch giải cứu Diệp. Cô đã được phép sử dụng điện thoại.
Khi cô trở lại Việt Nam, Diệp 22 tuổi và đã bị bắt làm nô lệ tình dục hơn ba năm.
“Nhận ra rằng tôi đã được tự do, rằng tôi đã về nhà, rằng tôi sẽ có thể gặp lại cha mẹ mình, rằng nỗi đau đã chấm dứt… Đó thực sự là một cú sốc. Tôi không thể tin được”, Diệp nói.
“Đôi khi, tôi hy vọng khoảng thời gian của tôi ở đó chỉ là một ác mơ,” cô nói thêm. “Nhưng sau đó, khi về nhà rồi đôi khi tôi nghĩ tôi đang mơ… và tôi sợ đó không phải là sự thật, tôi sợ rằng tôi chỉ đang mơ, và tôi vẫn bị mắc kẹt ở đó.”
Tổ chức Rồng Xanh cho biết họ không thể chia sẻ chi tiết chính xác về những cuộc giải cứu như vậy vì sẽ có nguy cơ gây nguy hiểm cho những nỗ lực đưa những phụ nữ này trở lại Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, không phải chỉ có một chuyện của Diệp. Blue Dragon gần đây đã đưa tin về số lượng phụ nữ Việt Nam bị buôn bán sang Myanmar gia tăng.
Các mô hình buôn người đang thay đổi một phần do hàng rào khổng lồ Trung Quốc đã xây dựng dọc biên giới phía nam với Việt Nam, Lào và Myanmar. Hàng rào điện cao ba mét, bên trên có dây thép gai, được trang bị cảm ứng và kéo dài ít nhất 1.000 km đã có tác động đáng kể đến việc di cư không chính thức.
Michael Brosowski, người sáng lập Blue Dragon, nói với Al Jazeera: “Hàng rào biên giới khiến những kẻ buôn người khó vượt qua giữa các quốc gia hơn rất nhiều. “Trước đây, chúng sẽ đưa nạn nhân băng qua những con đường mòn trên núi và băng sông vào Trung Quốc mà không bị phát hiện. Bây giờ họ không thể làm như vậy, những kẻ buôn người đã đưa nạn nhân đến những đích đến mới. Chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng hoạt động buôn người ở miền bắc Myanmar, Campuchia và ở Lào.
Trong khi nạn buôn bán phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc để cưỡng bức hôn nhân hoặc bóc lột tình dục vẫn tiếp tục ở mức thấp hơn nhiều, thì số lượng cá nhân bị buôn bán để bóc lột sức lao động ở Campuchia đã gia tăng rõ rệt. Campuchia đang phải đương đầu với cuộc tội phạm mạng do các băng đảng cầm đầu. Và ở Myanmar thì số người, chủ yếu là phụ nữ, bị ép bán dâm cũng tăng cao.
Hàng rào biên giới cũng có nghĩa là những người Việt Nam sống ở vùng núi xa xôi gần biên giới Trung Quốc đã bị mất đứt cơ hội kiếm việc làm thông thường trong khi họ từng dựa vào việc qua lại và đi làm phi chính thức ở Trung Quốc để kiếm thu nhập. Tuyệt vọng vì thiếu tiền, họ ngày càng trở nên dễ bị những kẻ buôn người dụ dỗ về công việc lương cao ở nước ngoài.
Năm 2020, Tổ chức Blue Dragon đã giải cứu được 274 nạn nhân buôn người người Việt ở Trung Quốc, trong khi con số này giảm xuống còn 110 vào năm 2022. Tổ chức đã giải cứu 62 người ở Campuchia và 44 người ở Myanmar vào năm 2022 – năm 2018, con số ở hai quốc gia này là số không.
Dù số nạn nhân gia tăng những không có tin tức gì về người Việt Nam bị buôn bán sang Myanmar trên các phương tiện truyền thông nhà nước, hầu hết báo chí tập trung vào việc người Việt Nam bị ép làm nô lệ ở Campuchia cũng như cảnh báo của Bộ Công an Việt Nam về những lời hứa hẹn việc làm “dễ kiếm tiền” ở Campuchia.
Giống như Điệp, Hạnh*, một nạn nhân tình dục khác ở Myanmar, cho biết cô bị ép làm gái mại dâm, bị đánh đập và bị ép uống ma túy đá. Cô phải đối mặt với mối đe dọa bạo lực liên tục và chứng kiến nhiều vụ xả súng xung quanh mình. Cô cho biết có công dân Việt Nam trong số những nhà thổ được canh phòng.
Một ngày nọ, một người phụ nữ cố trốn đi. Hạnh cho biết những kẻ bắt giữ cô đã bắt được người phụ nữ này, lột hết quần áo cô trước cửa nhà, không cho cô ăn và “xiềng cô như chó để cho mọi người xem”.
Hạnh gặp khó khăn về tài chính trong đại dịch COVID-19 và cô đã bị bán sang Myanmar vào nửa cuối năm 2021. Cô trở về Việt Nam nhờ sự giúp đỡ của Blue Dragon vào tháng 9 năm 2022.
Băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia
Nhà thổ ở Myanmar có thể do cùng một băng nhóm lừa đảo trực tuyến và sòng bạc ở Campuchia điều hành. Hoạt động lừa đảo trực tuyến và sòng bạc đã mở rộng nhanh chóng trong đại dịch COVID khi nhiều người dễ dàng trở thành mục tiêu của các vụ lừa đảo và đánh bạc trực tuyến.
“Các báo cáo từ hàng trăm người mà chúng tôi đã nói chuyện cho thấy rằng băng nhóm điều hành nhà thổ ở Myanmar và những vụ lừa đảo trực tuyến ở Campuchia là xã hội đen Trung Quốc. Bọn này hoạt động ngoài tầm kiểm soát của chính phủ, những chính phủ sẽ không bao giờ cho phép chúng thực hiện những tội ác này ở quê nhà,” Brosowski nói.
Ở Campuchia, Lào và Myanmar, các nạn nhân bị buôn bán chủ yếu được đưa đến các đặc khu kinh tế (SEZ) ở vùng biên giới có quy định lỏng lẻo hơn. Tại Myanmar, cuộc xung đột do cuộc đảo chính quân sự vào tháng 2 năm 2021 gây ra đã làm phức tạp thêm tình hình.
Zachary Abuza, một chuyên gia an ninh Đông Nam Á tại Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington, DC, cho biết ông không nghĩ rằng có sự khác biệt về chất giữa các hoạt động lừa đảo trên mạng ở Campuchia và các Đặc khu kinh tế do Trung Quốc hậu thuẫn ở Kokang và Lashio, ở bang Shan của Myanmar cũng như Boten và Bokeo ở Lào.
Những khu vực do Lực lượng Biên phòng có liên hệ với quân đội hoặc các nhóm vũ trang sắc tộc khác không tham gia cuộc kháng chiến chống đảo chính kiểm soát.
Richard Horsey, cố vấn cấp cao về Myanmar tại Crisis Group, cho biết: “Cuộc đảo chính ở Myanmar đã làm suy yếu quyền kiểm soát của quân đội ở một số vùng đặc biệt là vùng ngoại vi, đồng thời thúc đẩy triển vọng hoạt động của các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia ở đó.
Theo Báo cáo về nạn buôn người năm 2022 của Hoa Kỳ tại Myanmar, các nỗ lực chống nạn buôn người “đã giảm đáng kể sau cuộc đảo chính khi chế độ quân sự chuyển trọng tâm ưu tiên ra ngoài lĩnh vực tư pháp và hướng tới việc đàn áp phe đối lập ủng hộ dân chủ”.
“Các đối tác xã hội dân sự báo cáo vào năm 2021 ước tính có khoảng 500 phụ nữ Việt Nam hành nghề mại dâm ở Đặc khu Hành chính Bang Wa”, báo cáo cho biết, “một khu vực chính phủ gần như không kiểm soát được; một số phụ nữ này có các dấu hiệu bị buôn bán tình dục”.
Báo cáo cảnh báo tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn.
“Nếu không có các biện pháp giám sát và thực thi ở các khu vực không do chính phủ kiểm soát, thường là ở các khu vực biên giới, phụ nữ và trẻ em gái từ các khu vực biên giới này và các nơi khác ở Đông Nam Á có thể dễ bị buôn bán tình dục trong các sòng bạc và Đặc khu kinh tế do EAO, Trung Quốc và Thái Lan sở hữu hoặc điều hành,” báo cáo cho biết thêm, đề cập đến các tổ chức vũ trang sắc tộc và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Theo tổ chức Blue Dragon, người Việt đang bị bán vào bang Shan phía bắc Myanmar, nơi các nhóm vũ trang địa phương cho phép các nhà chứa và sòng bạc bất hợp pháp hoạt động.
Theo Crisis Group, Bang Shan “từ lâu đã là trung tâm xung đột và sản xuất ma túy bất hợp pháp”, đặc biệt là “tại những nơi trú ẩn an toàn… do dân quân và các đơn vị bán quân sự khác liên minh với quân đội Myanmar nắm giữ”.
“Để người Việt thoát ra khỏi các bang phía bắc này và trở về nước là một hành trình dài xuyên rừng, vượt núi và vượt sông – ai cũng đều có nguy cơ bị bắn hoặc bị bắt và bị bán lại. Những gì đang xảy ra trong khu vực này thật gây sốc, nhưng hầu như không được thế giới biết đến,” Brosowski nói.
Đinh Thị Minh Châu, trưởng bộ phận tâm lý của Blue Dragon, cho biết: “Tất cả những phụ nữ mà chúng tôi đã giải cứu ở Myanmar đều phải nỗ lực hơn bất kỳ ai khác. Họ không còn quan tâm đến rủi ro, họ không còn quan tâm đến cái chết, họ chỉ cố tìm cách trốn thoát. Họ đang rất, rất tập trung vào việc cố tìm cách thoát ra. Tình hình quá khủng khiếp không ai có thể chịu đựng được”.
* Một số tên đã được thay đổi để bảo vệ danh tính.
Nguồn: Aljazeera – Traffickers switch to Myanmar after China erects border fence.