Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cái rọ mõm – Maulkorb

tự do ngôn luận

Ngụy Hữu Tâm

 

(VNTB) – Maulkorb – tiếng Đức là cái rọ mõm, nhắc lại kỷ niệm với bản dịch cuốn „Việt Nam, tình yêu của tôi“ của Ernst Frey.

 

Nhớ lại ngày này, 7.5.2014 đến nay, thế là cũng đã đúng 7 năm rồi. 

Kỷ niệm trận thắng phát xít Đức của phe Đồng minh 9.5.1945 tại Berlin và trận Điện Biên Phủ lịch sử với người anh hùng Võ Nguyên Giáp ở đó 7.5.1954 (cho đến nay thì chứng minh chưa chắc hoàn toàn đúng như vậy, nhưng dẫu sao nhắc lại lịch sử là điều cần thiết, và chỉ có như vậy, rọi chiếu dưới nhiều lăng kính, chúng ta mới tìm ra sự thật, cái sự thật vô cùng khó nhưng ai cũng muốn vươn tới, vì sống trong dối trá là…chết)…

Ngày này năm đó, chúng tôi ra được cuốn „Việt Nam, tình yêu của tôi“, nguyên bản tiếng Đức là Vietnam, mon amour. Nhưng còn phải nhắc thêm câu …một người Do Thái thành Vienna phục vụ Hồ Chí Minh nữa cơ, nhưng để khỏi dài dòng, lạc đề, tôi tạm chưa nhắc tới.

Chúng tôi vô cùng phấn khởi vì cuốn sách này ở Việt Nam chắc ít người đọc, bởi nó là cuốn tiểu sử tự biên của tác giả Ernst Frey, người Áo nguyên lính Lê Dương Pháp, đảng viên Cộng sản Pháp và hoạt động cùng Đảng cộng sản Việt Nam từ năm 1940 đến 1951. Thế nên ông Đại sứ Áo tài trợ cuốn sách và vì mới sang Việt Nam, ông nhiệt tình thúc giục để nó sớm ra, chứ không thì NXB nào muốn in khi …lỗ là cái chắc! mà vẫn in ra được, nhưng không chỉ có thế!

Cho đến nay, sau tròn 7 năm, vẫn còn tồn ở NXB nhiều cuốn, dù chỉ in 1000 cuốn và Đại sứ quán Áo tại Hà Nội tổ chức một buổi ra mắt sách hết sức long trọng và đã mời rất nhiều cơ quan truyền thông, báo chí, đài phát thanh và truyền hình tới dự. 

Sau đó tôi nhớ Đài VTV 6 còn dành một buổi phỏng vấn cho người dịch nữa cơ, và có một cô bạn còn nhắc tôi chuyện đó nữa: „Anh đã thành người nổi tiếng!“.

Nhưng trở lại vấn đề, vì sao truyền thông quảng bá như vậy mà cuốn sách vẫn không đến tay người đọc được?

Tôi nhớ có một lần dự triển lãm tranh, dĩ nhiên là cũng chẳng liên quan tới tôi nhiều, chỉ vì tôi đam mê tranh nên đi dự thôi, nhưng lại có một thanh niên tôi chưa hề quen biết ghé tai tôi bảo, bác là NHT dịch cuốn „Việt Nam, tình yêu của tôi“, cháu có cảm giác nhiều chỗ dịch thiếu, hay tác giả không muốn nhắc tới, cố ý bỏ qua?

Đây là bạn đọc mà người dịch rất muốn hướng tới: đọc kỹ nó chứ không lướt qua cho xong chuyện, điều mà tôi sợ nhiều bạn đọc ngày nay mắc phải ở những chuyện trên mạng mà lỗi ở mạng là quá rõ vì lượng thông tin ở mạng quá nhiều mà phần lớn lại là những điều không có gì kiểm chứng, rất nhiều „thuyết âm mưu“…!

Dĩ nhiên tôi và bạn đọc đó gặp nhau ngay ở những đoạn mà tôi và nhà xuất bản phải bỏ vì chính phụ trách nhà xuất bản có nói tôi: „Anh có muốn cuốn sách ra hay không“: Tự kiểm duyệt ở nước ta là chuyện thường ngày ở huyện nếu không muốn lôi thôi với kiểm duyệt.

Đầu tiên phải nói tới là tác giả Frey alias Nguyễn Dân rất mê VNG vì là người có học nhất trong giới lãnh đạo nước ta thời đó, nói tốt tiếng Pháp – nguyên giáo sư sử học cơ mà! Lại có chi tiết nữa là cùng trẻ như nhau, Frey lại đã từng lấy vợ Việt… hụt vì… hóa ra đó là cô gái bán hoa trên đồn Tây đóng ở Sơn Tây! VNG thì sau khi vợ trước mất, vừa lấy được vợ kế là con gái yêu của GS Đặng Thai Mai lừng danh, nên toát ra nhiều sinh lực, Frey sống động tình người nên cảm xúc đồng cảm với VNG rất rõ trong truyện, cũng như ½ đầu tiên cuộc đời Frey ở ngoài Việt Nam thì chúng tôi có thể giữ nguyên. 

Nhưng còn những đoạn với HCM chúng tôi phải bỏ vì Frey có ấn tượng rất xấu thể hiện ra hết trong lời văn. Vì là thanh niên trí thức Do Thái thành Viên nên Frey không thiện cảm với „ông lão nông dân xứ Nghệ“ sống không thật lòng cũng là cái quá ư…dễ hiểu! 

Những đoạn mà chúng tôi còn phải bỏ nữa là những sai lầm thời đầu chống Pháp: nhìn ai cũng là Việt gian, bắn giết lung tung, đến phơi cái khăn trắng cũng cho là gián điệp chỉ điểm cho máy bay đến ném bom, phá cửa nhà để …tiêu thổ kháng chiến. Nhắc đến những chuyện này các bạn trẻ ngỡ ngàng lắm, nhưng phần lớn người già chúng tôi… bỏ qua, phải tin yêu Đảng chứ! Còn Frey nói trong nguyên văn: „thấy người Việt tự ăn thịt nhau thì chán quá!“ 

Còn đoạn hay nhất mà chúng tôi phải bỏ qua là đoạn thành lập Đảng Lao động Việt Nam 1953 và có ảnh ngay trên bìa cuốn sách. „Tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa“: Vì hoạt động cộng sản, phong trào phát- xít lan từ Đức sang Áo, tìm diệt cộng sản nên Frey phải trốn qua Thụy Sĩ, Pháp, Algerie rồi đến Việt Nam hoạt động cùng với những người cộng sản Việt Nam. Nhưng khi sống ở đây, Frey dần dần biết sự thật, họ là ai: nay thì ta gọi ra đích danh: maoiste, communisme à la chinoise. Ở buổi lễ thành lập Đảng khi thấy trên khán đài treo ảnh ba lãnh tụ Stalin, Mao Trạch Đông và HCM và cờ…Đảng thì Frey chịu hết nổi.

Đêm đó về ông mê sảng thấy cờ búa liềm thành cờ chữ thập ngoặc (đúng quá đi chứ, còn hơn thế nữa cơ, đúng là cái nhạy cảm của một tài năng!) và ốm liền mấy ngày, và sau đó phải xin giải ngũ, dù lúc đó ông đã đóng đến lon đại tá quân đội, mà Quân đội Nhân dân Việt Nam, khi đó chỉ có vài tướng! Lại một đoạn trường vượt rừng Việt Bắc qua Trung Quốc, Liên Xô về lại thành Vienna với những chi tiết mà chúng tôi không thể công bố hết. Để lại phía sau nước Việt Nam mà Frey yêu mến… cho đến nay vẫn còn dang dở với những day dứt lịch sử chưa hòa giải được. 

Dĩ nhiên cuối cùng tôi đã gửi được bản thảo bản dịch còn lưu lại trên máy tính cho anh bạn trẻ và lúc đó anh mới thấy được hết sự thật và tất nhiên cũng là thấy được giá trị lịch sử của cuốn sách khi nó được phơi bày hết.  

Một câu chuyện hết sức cảm động nhưng lại không được bạn đọc Việt Nam hiểu và đồng cảm chỉ vì bị cắt xén! Và dĩ nhiên vì thế, biết bao giờ thị trường sách nước ta mới được như các nước phát triển, để những người viết, người dịch và giới truyền thông nước ta luôn phải mang cái Maulkorb mới dám nói và viết thực lòng mình, chứ không phải ý Đảng lòng dân

Bao giờ mới có được tự do ngôn luận ở Việt Nam, điều mà ở thời Pháp thuộc và thời Việt Nam Cộng hòa, người Việt Nam ta cũng đã từng có và ngày nay ở mọi nơi trên thế giới các nước dân chủ, người đọc nào cũng được hưởng? Nửa sự thật không bao giờ là sự thật. 

Hỏi cũng là trả lời. 

Bao giờ cho đến tháng mười?


 

Tin bài liên quan:

VNTB Người Việt không còn mặn mà về các đối thoại nhân quyền?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Con đường cách mạng dân tộc dân chủ là con đường tráng nhựa!

Phan Thanh Hung

VNTB – Vài nét chấm phá từ cuộc đời tôi (bis 35)

Trương Thế Tử

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo