VNTB – Cần có ý thức hơn

VNTB – Cần có ý thức hơn

Tân An

(VNTB) – Tình hình dịch bệnh Covid19 ở Việt Nam đang diễn ra với hơn 1000 ca nhiễm cũng như ca tử vong đã ở mức hai chữ số.

 

Nhiều biện pháp phòng, chống dịch được chính quyền đưa ra cho người dân: đeo khẩu trang nơi công cộng, không tụ tập đông người, khi đứng phải có khoảng cách, tích cực rà soát những người Trung Quốc nhập cảnh trái phép….

Tuy nhiên, không biết rằng, phải chăng do dịch bùng chủ yếu ở khu vực Đà Nẵng – Quảng Nam cũng như chính quyền ở các tỉnh miền Nam đã có công tác phòng dịch khá tốt nên có không ít người dân mang tâm lý ỷ y?

“Theo như mình thấy, lúc dịch bùng ở Đà Nẵng, đúng là nhiều người rất lo ngại, nhất là khi tiếp xúc với những người có giọng Đà Nẵng. Rồi họ cũng đề phòng, những chuyến đi chơi được tạm dừng hoặc hủy. Rồi ca đầu tiên tử vong đầy chấn động. Sau đó, đúng là có một thời gian, sáng sớm mở mắt ra là thấy mấy trang fanpage đăng đầy thông tin như sáng nay không có ca bệnh nào mới, đúng là có một số người vẫn đề phòng nhưng cũng có một số ỷ y.

Theo mình nghĩ, đừng mừng vội. Dịch như thế nào mình không thể đoán trước được. Sáng sớm quá thì đâu ra ca bệnh, thường tới chiều là có ca bệnh. Có thể nói nếu lơ là, “chưa thắng đã đi ngủ” thì nguy hiểm lắm” – một người dân sinh sống ở khu vực quận Tân Phú, Sài Gòn chia sẻ.

“Tui là tui hoan nghênh cây ATM khẩu trang. Ai không có thì đến lấy. Nhưng tui thấy có cái gì đó không đúng cho lắm. Cái ngày đầu tiên ra mắt, phóng viên báo đài xuống rất nhiều.

Đồng ý là người đến lấy khẩu trang đứng giãn cách; đồng ý là phóng viên có đeo khẩu trang; đồng ý là phóng viên phải chạy qua chạy lại để bắt được nhiều khuôn hình, nhưng việc quá đông người như vậy sẽ không tuân thủ quy định giãn cách, đó là chưa kể còn quy định về tụ tập nữa.

Dẫu biết là đặc thù công việc nhưng đã là người có hiểu biết, truyền thông tin đến cho người dân, thì mình phải chú ý những khoản đó chứ. Tôi có thể lấy một ví dụ, theo như tôi thấy ở bữa đó, phỏng vấn ông chủ cây ATM khẩu trang, nhiều máy quay chỉa vào tôi không nói đi, nhưng phỏng vấn người dân đến nhận, mỗi báo đài có thể chọn cho mình một người riêng, khác nhau mà, đâu cần phải chụm một đám máy lại để quay?

Người dân chứ đâu phải quan chức, chỉ trả lời một lần. Đó là chưa kể, chỉ với một người dân mà nhiều báo đài phỏng vấn, đưa thông tin lên, sẽ không có nét riêng” – ông Đức, một người dân đến lấy khẩu trang ở cây ATM khẩu trang chia sẻ.

“So với cái đợt trước vừa mới bỏ giãn cách ra đó thì lúc đó quán xá đông nghẹt người luôn. Người ta không có ý thức gì đó về giãn cách hết đó. Lúc đó người ta gần như bị dồn nén, giống như bị cách ly, bị giãn cách, bị nhốt lâu quá, người ta xả cảng đó. Nhưng sau khi mà dịch bùng lại thì người ta cũng biết ấy rồi, cho nên cũng bớt cái tình trạng trước, nhưng mà cái tâm lý mà của một số người đó, nói chung ai giữ, ai giữ, còn ai liều mạng thì liều mạng à” – ông Hải, cư dân sinh sống ở thành phố Thủ Dầu Một nhận xét.

Dưới góc độ khác, theo ông Minh – một bác tài ‘xe ôm truyền thống’, cho rằng, cần chi đến 30 người, chỉ cần một nói chuyện với một là cũng đủ cho con cúm Tàu lây nhiễm: “Bây giờ nói khoảng cách, khoảng cách vậy chứ bây giờ trường hợp tiếp xúc vô cũng bị như thường à, đâu cần phải 30 người đâu”.

Có thể nói, tình hình dịch diễn biến như thế nào, ít ai lường trước được hết tất cả, nhất là trong thời điểm vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh. Chỉ cần mỗi cá nhân (cho dù làm nghề gì) có ý thức cũng như luôn nhớ những cách phòng dịch, ắt hẳn là biện pháp phòng dịch hiệu quả nhất.

Được như thế, các bác sỹ, nhân viên y tế ở tuyến đầu cũng sẽ khỏe hơn nhiều…

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Loi Tran 4 years

    Cần lắm ý thức lúc này.