Nguyễn Nam
(VNTB) – Chỉ có khởi tố vụ án “giết người” mới mong làm sáng tỏ mọi việc!”
Có thật ‘trùm cuối’ vụ án Việt Á là một doanh nhân ban đầu được cho là ít ỏi vốn, nhưng lại đủ sức khuynh đảo cả bộ máy nhân sự của Đảng và cả quân đội?
Lần ngược thời gian, ngay khi vụ án Việt Á bị khởi tố, hầu hết các báo nhà nước đều thông tin từ nguồn cổng đăng ký doanh nghiệp: Theo Cục Quản lý đăng lý kinh doanh, thì Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) có tên cũ là Công ty cổ phần thương mại, sản xuất và dịch vụ Việt Á, được thành lập vào tháng 2-2007, có trụ sở chính tại 372A/8 Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM.
Hồ sơ thể hiện công ty do 3 cổ đông sáng lập – ông Phan Quốc Việt, ông Đồng Sỹ Huy và bà Hồ Thị Thanh Thủy (vợ ông Phan Quốc Việt). Vốn đăng ký ban đầu 80 triệu đồng. Trong đó: Ông Việt 10,2% cổ phần, ông Huy 5% cổ phần, và bà Thủy là 4,8% cổ phần; vị chi là 20% cổ phần. Cổ đông còn lại thì khi đó không có số liệu.
Công ty Việt Á đã 6 lần đăng ký thay đổi thông tin doanh nghiệp, vốn điều lệ. Lần gần nhất công ty này tăng vốn điều lệ là vào tháng 10-2017, lên đến 1.000 tỷ đồng (vốn đăng ký ban đầu là 80 triệu đồng). Ông Phan Quốc Việt tiếp tục đảm nhiệm chức vụ tổng giám đốc.
Điều đáng lưu ý là khi tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng nhưng tỷ lệ góp vốn của 3 cổ đông sáng lập vào Công ty Việt Á không thay đổi, cả 3 cổ đông vẫn nắm giữ khoảng 20% cổ phần vốn doanh nghiệp. Như vậy có thể hiểu là khoảng 800 tỷ đồng được các cổ đông khác đã đưa vào doanh nghiệp.
Bản kết luận điều tra của cơ quan điều tra Bộ Công an mà các tòa soạn nhận được vào cuối giờ chiều ngày 21-8-2023, cho biết: Ngày 11-10-2017, Công ty Việt Á đăng ký thay đổi lần thứ 6 với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Gồm 04 cổ đông: 1. Phan Quốc Việt: sở hữu 94.500 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 47,25%; 2. Đồng Sỹ Huy: 47.500 cổ phiếu, tỷ lệ 23,75%; 3. Hồ Thị Thanh Thủy (vợ ông Phan Quốc Việt): 48.000 cổ phiếu, tỷ lệ 24%; 4. Võ Anh Triết: 10.000 cổ phiếu, tỷ lệ 5%”.
Làm phép cộng cho thấy 4 cổ đông trên chiếm giữ: 47,25% + 23,75% + 24,0% + 5,0% =100%. Vậy là 800 tỷ đồng mà công luận đặt vấn đề: Ai bơm vào Việt Á đã được hóa giải, “trùm cuối” của vụ Việt Á do đó cũng được hóa giải đầy… ngờ vực về một kịch bản Lê Lai phiên bản mùa dịch Covid-19.
“Đợt Covid lần thứ 4, có hơn 43.000 người tử vong, gần 4.500 trẻ em mồ côi mất cha, mất mẹ; cả dân tộc chịu nhiều mất mát đau thương. Vụ án tham nhũng Việt Á vừa được công bố kết luận điều tra vẫn còn nhiều câu hỏi chưa thể trả lời được. Chỉ có khởi tố vụ án “giết người” mới mong làm sáng tỏ mọi việc!” – nhà báo T.Q.V., cựu trưởng ban nội chính của báo Tuổi Trẻ, bức xúc ý kiến.
Trở ngược quá khứ. Trung tuần tháng 8-2021 khi chính quyền TP.HCM có văn bản 2716/KH-UBND về “Triển khai công tác xét nghiệm SARS-Covid trên địa bàn TP.HCM” theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, giới y khoa ở sài Gòn đã công khai phản đối bởi ngờ vực liệu có ai đó muốn TP.HCM sẽ bị chìm vào dịch bệnh mãi hay không?
Liệu có ai đó muốn TP.HCM cứ bị phong tỏa mãi hay không? Liệu có ai đó muốn người dân thành phố này phải kiệt quệ, phải quỳ xuống van xin họ miếng ăn để sống sót hay không? Liệu có ai đó muốn thành phố này phải bất ổn, đến mức người dân phải vùng lên, giống như năm 1945, phá kho thóc, và từ đó, lật đổ chính quyền?
Hay đơn giản, chỉ vì lợi lộc từ những đồng tiền thuế của dân bỏ ra cho xét nghiệm, mà họ bất chấp tất cả?
…Giờ thì câu trả lời bước đầu đã có, và còn khốn nạn hơn khi mọi tội đồ đều được trút lên chủ doanh nghiệp tư nhân Phan Quốc Việt như thứ hình nhân thế mạng cúng trong tháng Bảy cô hồn.